Dự án khẩn cấp hơn 4.000 tỷ đồng
Tại Kết luận cuộc họp kiểm điểm tiến độ 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài và Tân Sơn Nhất mới đây, ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, các đơn vị liên quan đã thực hiện xong giai đoạn 1 của dự án sớm hơn gần 1 tháng so với kế hoạch ban đầu, kịp thời đưa vào khai thác dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Tuy nhiên, công tác khảo sát, thiết kế, giao thầu, phối hợp các bên liên quan vẫn còn một số tồn tại.
Theo tìm hiểu của PLVN, 2 dự án trên có tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó dự án tại CHKQT Nội Bài có tổng mức đầu tư 2.031,6 tỷ đồng và dự án tại CHKQT Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Hai dự án trên được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện theo quy định đối với công trình xây dựng Lệnh khẩn cấp (điểm c khoản 2 Điều 43 Nghị định 59/2015/NĐ-CP). Bộ GTVT được giao nhiệm vụ tổ chức quản lý, thực hiện và chịu trách nhiệm. Do đây là công trình được thực hiện theo Lệnh khẩn cấp nên dự án không phải đấu thầu mà được thực hiện theo phương thức giao thầu.
Trước khi dự án được thực hiện, dư luận mong muốn Bộ GTVT sẽ tìm được nhà thầu uy tín để “chọn mặt gửi vàng”, bởi đây là các dự án quan trọng, liên quan đến an toàn hàng không. Đặc biệt, tổng mức đầu tư 2 dự án lên tới hơn 4.000 tỷ đồng ngân sách. Nếu Bộ GTVT lơ là khâu quản lý, tổ chức thực hiện thì hai dự án này rất dễ xảy ra tiêu cực.
Vì sao rà soát năng lực nhà thầu?
Sau khi giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã trực tiếp đi kiểm tra 2 dự án. Từ thực tế thu thập được, lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu rà soát lại năng lực nhà thầu thực hiện 2 dự án trên do còn tồn tại một số vấn đề trong quá trình thực hiện dự án.
Cụ thể, Bộ GTVT giao 2 Ban Quản lý dự án (PMU) là Thăng Long và Mỹ Thuận kiểm tra, có báo cáo rà soát lại năng lực các nhà thầu (tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công) trong quá trình triển khai giai đoạn 1 của dự án, làm cơ sở để phân giao công việc tiếp theo cho phù hợp với năng lực thực tế của các đơn vị để giảm thiểu các rủi ro trong quá trình thực hiện.
Để giai đoạn 2 triển khai chặt chẽ tốt hơn, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu PMU Thăng Long và PMU Mỹ Thuận chủ động, rà soát phát hiện các tồn tại, đề xuất giải pháp tháo gỡ, báo cáo Bộ GTVT, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) xem xét, giải quyết. Thứ trưởng cũng giao Vụ Khoa học công nghệ chủ trì cùng Cục Hàng không Việt Nam rà soát các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, kịp thời cập nhật bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ này cũng giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất phối hợp để hoàn thiện quy trình bảo trì dự án; xây dựng các phương án ứng phó, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan nếu phát hiện các hư hỏng, khuyết tật uy hiếp đến an ninh. Cục QLXD&CLCTGT có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra hiện trường để giải quyết các vấn đề kỹ thuật phát sinh.
Nhà thầu xây lắp tại đường băng sân bay Nội Bài là liên danh Tổng Công ty Xây dựng Hàng không (ACC) - Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (VINADIC) - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn; nhà thầu tư vấn giám sát là Công ty CP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng (CONINCO).