Theo đó, Thành phố sẽ kiểm tra hiện trạng, thống kê đánh giá về mức độ an toàn chịu lực với các công trình trên địa bàn bao gồm: Nhà chung cư xây dựng trước năm 1994 (trừ các công trình tái định cư do Công ty TNHH MTV Quản lý nhà và Phát triển nhà Hà Nội quản lý); nhà biệt thự; trụ sở làm việc; công trình có tuổi thọ trên 60 năm và các công trình có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàntrên địa bàn Thành phố.
Công tác kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn chịu lực công trình được thực hiện bằng phương pháp đo đạc, đánh giá trực quan của người quản lý sử dụng công trình; Lập danh mục báo cáo sơ bộ tình trạng hư hỏng đối với các công trình được xác định là nguy hiểm, mất an toàn cho người sử dụng; kiểm tra, xác minh đối chiếu và tổng hợp, đánh giá, phân loại.
Đối tượng thực hiện việc kiểm tra hiện trạng về mức độ an toàn chịu lực của công trình bao gồm các cá nhân, tổ chức được nhà nước giao quản lý sử dụng công trình. Các công trình xây dựng thuộc đối tượng điều tra khảo sát là các công trình xây dựng có dấu hiệu mất an toàn chịu lực cụ thể: những chung cư được xây dựng từ trước năm 1994; nhà biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng có tuổi thọ trên 60 năm; các công trình xây dựng khác có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn.
Theo kế hoạch, từ 15/7 – 15/8/2016 sẽ lập danh sách, đánh giá bước đầu của người quản lý, sử dụng. Từ 16/8 – 16/12/2016, Chuyên gia khảo sát, đánh giá sơ bộ. Năm 2017 sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá chi tiết.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá về mức an toàn chịu lực đối với các công trình do đơn vị mình quản lý và chủ trì, phối hợp với sở Xây dựng, đơn vị tư vấn hướng dẫn UBND các xã, phường, các đơn vị trực thuộc, các hộ gia đình cá nhân, các tổ chức kinh tế tư nhân trên địa bàn, kiểm tra, rà soát, đánh giá về mức độ an toàn chịu lực đối với các công trình của đơn vị mình đang quản lý; đồng thời thực hiện tổng hợp kết quả báo cáo của các đơn vị này gửi sở Xây dựng theo quy định.
Trong trường hợp công trình có dấu hiệu nguy hiểm có thể dẫn tới nguy cơ sụp đổ thì UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng thực hiện ngay biện pháp đảm bảo an toàn, bao gồm hạn chế sử dụng công trình, ngừng sử dụng công trình, di chuyển người và tài sản nếu cần thiết để đảm bảo an toàn.
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá về mức độ an toàn chịu lực đối với các công trình do đơn vị mình quản lý, phối hợp với Sở Xây dựng, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế hướng dẫn các đơn vị trực thuộc kiểm tra, rà soát, đánh giá về mức độ an toàn chịu lực đối với các công trình do đơn vị quản lý, tổng hợp kết quả báo cáo của các đơn vị trực thuộc, gửi sở Xây dựng theo quy định.
Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan thường trực tham mưu giúp UBND thành phố tổ chức triển khai kế hoạch kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm trên địa bàn...