Sáng 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật.
Theo nội dung tờ trình, dự án Luật PCCC và CNCH nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác PCCC và CNHC; bổ sung quy định về hoạt động CNCH đối với những sự cố, tại nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày...
Cũng theo trình bày của Thượng tướng Lương Tam Quang, thời gian qua, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư với nhiều loại hình cơ sở mới xuất hiện đã và đang gây ra những thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đời sống xã hội, môi trường ổn định để phát triển kinh tế, xã hội…
Thực tế này đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về PCCC hiện hành, để kịp thời tạo cơ sở pháp lý nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC trong thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình. (Ảnh: Phạm Thắng) |
Mặt khác, qua giám sát tối cao của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018” đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập mà đến nay chưa được khắc phục triệt để. Các bất cập đó như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCCC và CNCH; việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC; việc đảm bảo an toàn trong sử dụng điện; việc xây dựng lực lượng PCCC chuyên ngành, PCCC cơ sở và dân phòng; việc tổ chức PCCC tình nguyện...
Vì vậy, theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, việc xây dựng, ban hành Luật PCCC và CNCH là cần thiết để khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập nêu trên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới.
Dự thảo Luật gồm 9 chương, 65 điều. Trong đó, về phòng cháy, dự thảo Luật kế thừa, bổ sung các quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy, bổ sung quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy; Dự luật cũng nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bao gồm: Phòng cháy đối với rừng; phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; phòng cháy trong khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng, bảo quản sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, vật tư, hàng hóa khác có nguy hiểm về cháy, nổ; phòng cháy đối với công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm, hầm lò khai thác khoáng sản, nhà khung thép mái tôn; phòng, chống cháy, nổ đối với cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phòng cháy đối với cơ sở hạt nhân; phòng cháy đối với trụ sở làm việc, thư viện, bảo tàng, kho lưu trữ; phòng cháy đối với chợ, trung tâm thương mại, kho tàng.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Phạm Thắng) |
Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban QPAN cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật PCCC và CNCH.
Với hoạt động phòng cháy, Ủy ban QPAN cho rằng, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với vị trí, vai trò của các chủ thể trong công tác PCCC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tuy nhiên đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu PCCC đối với từng loại quy hoạch tại khoản 1 Điều 13 để có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp với từng loại quy hoạch; xác định rõ hơn cách thức áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện đối với từng loại công trình, dự án; phân loại rõ công trình cải tạo đến mức nào thì mới phải có giải pháp, thiết kế PCCC; rà soát, thống nhất các quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, phân công phối hợp trong thẩm tra, thẩm định, nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC; cân nhắc quy định giao trách nhiệm “tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy” cho chủ đầu tư dự án, công trình, chủ phương tiện giao thông cơ giới; tiếp tục đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và cơ sở; nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về PCCC phù hợp với từng loại hình cơ sở trên từng địa bàn, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó cần quy định cụ thể về yêu cầu thiết kế, lắp đặt hệ thống điện; nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý phương tiện giao thông chạy bằng điện.
Về xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, một số ý kiến đề nghị quy định chi tiết hơn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, CNCH phù hợp với từng loại hình cơ sở, nhất là những quy định có tính đặc thù, khác với pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu của công tác PCCC, CNCH; bổ sung quy định về trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về CNCH...