“Phát triển lý lịch tư pháp (LLTP) theo hướng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tư pháp hình sự, phục vụ cho các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác liên quan đến các cá nhân” là một trong những định hướng dự kiến được đưa vào dự thảo Chiến lược phát triển LLTP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Ban soạn thảo dự thảo Chiến lược đưa ra thảo luận lần đầu tiên vào sáng qua (9/5).
Đơn giản, công khai, minh bạch
Theo qui định pháp luật hiện hành (Luật Quốc tịch, Luật Nuôi con nuôi, Luật Luật sư…), Phiếu LLTP trở thành một loại giấy tờ bắt buộc phải có của cá nhân, được coi là một trong những giấy tờ để chứng minh cá nhân có hay không có tiền án khi tham gia vào các quan hệ pháp lý. Phiếu LLTP góp phần trực tiếp vào chính sách cá thể hóa tội phạm khi là căn cứ chính thức hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự trong việc xác định tái phạm hay không tái phạm, khi quyết định hình phạt.
Ông Đặng Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm LLTP Quốc gia – Bộ Tư pháp cho biết: Với mục tiêu đơn giản, công khai, minh bạch, Ban soạn thảo Chiến lược cũng thảo luận về “tương lai” hình thức cung cấp, tiếp nhận, chia sẻ thông tin và cấp phiếu LLTP trực tuyến qua mạng với mục tiêu từ năm 2013, đảm bảo trên 60% người yêu cầu hài lòng về cấp Phiếu LLTP, trên 50% thông tin LLTP chính thức trao đổi giữa Trung tâm và các Sở dưới dạng điện tử và thí điểm việc cấp Phiếu LLTP qua mạng.
Trong giai đoạn 2016-2020, hướng đến việc các cơ quan, tổ chức có thể được phân cấp truy cập vào cơ sở dữ liệu LLTP, cấp phiếu LLTP trực tuyến để năm 2016, trên 30% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa cơ quan quản lý LLTP và các cơ quan có liên quan được thực hiện dưới dạng điện tử; triển khai hình thức cấp phiếu LLTP qua mạng, bảo đảm trên 50% yêu cầu cấp Phiếu LLTP được thực hiện trực tuyến.
Cơ sở dữ liệu LLTP 1 cấp
Dự thảo Chiến lược phát triển LLTP xác định, muốn xây dựng hệ thống dữ liệu LLTP vững chắc, gắn với cấp Phiếu LLTP thì cần thiết xây dựng mô hình tổ chức cơ quan quản lý LLTP theo mô hình một cấp để tránh tình trạng “của ai nấy làm thì khi cần thông tin sẽ rất mệt mỏi”.
Quan tâm đến “nguồn” thông tin cho cơ sở dữ liệu LLTP là việc cần thiết, nên trước mắt, chiều nay (10/5), 5 Bộ (Tư pháp, Công an, VKSNDTC, TANDTC, Quốc phòng) sẽ ký thông tin liên tịch về cung cấp, trao đổi xác minh thông tin LLTP tạo bước chuyển mới trong quá trình thực hiện Luật LLTP hiệu quả trên toàn quốc. Vấn đề là khi xây dựng cơ sở dữ liệu chung, “quan trọng là địa phương triển khai phải đồng bộ, thống nhất vì đây là cơ sở dữ liệu chung theo định hướng chung của TƯ và phù hợp chiến lược của địa phương” như đề nghị của Ban soạn thảo dự thảo Chiến lược.
Dự thảo Chiến lược sẽ sớm được trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm “định hướng ngay từ đầu để LLTP phát triển vững chắc, khẳng định giá trị của Phiếu LLTP trong quản lý hành chính nhà nước, quản lý xã hội và hoạt động tố tụng hình sự”.
Huy Anh