Sáng 10/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Luật Hà Nội (Bộ Tư pháp) và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi - Luật Báo chí 2016 - Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016”.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; đồng thời nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn vừa qua; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội thảo. |
Luật Báo chí quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên.
Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thi hành trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm tin rằng, các ý kiến đánh giá tại Hội thảo, dù góc nhìn dưới lăng kính cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương và các cơ quan báo chí hay dưới góc độ khoa học của các nghiên cứu, các giảng viên chuyên ngành báo chí và luật pháp, sẽ là những tiếng nói tâm huyết nhất, với mục tiêu đóng góp vì một nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển theo đúng định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 sắp đến, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chúc báo chí ngày càng phát triển, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; chúc các nhà báo, phóng viên luôn tâm huyết với nghề góp phần thực hiện sứ mệnh của báo chí.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu chào mừng Hội thảo. |
Trong diễn văn chào mừng Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 và Hội thảo này chính là minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ đó. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ là thông tin hữu ích cho hai Bộ trong quá trình tham mưu, thẩm định Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí 2016 cũng như đề xuất đưa dự án này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong thời gian tới.
Về phía Bộ Tư pháp, bên cạnh chức năng, nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, chúng tôi còn có vai trò là cơ quan chủ quản báo chí với hai ấn phẩm lớn là Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; cùng với đó, Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp (hai cơ quan trực thuộc Bộ) cũng có hai Tạp chí rất uy tín là Tạp chí Luật học và Tạp chí Nghề Luật.
Với vai trò đó, qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ cơ quan chủ quản, Bộ Tư pháp rất quan tâm việc hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí để vừa đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính tự chủ, tạo được sự chủ động, linh hoạt cho cơ quan báo chí vừa xác định rõ trách nhiệm, sự lãnh đạo, hướng dẫn của cơ quan chủ quản đối với báo chí, đảm bảo cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cập nhật và bám sát các văn bản, nghị quyết, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương thời gian qua về công tác báo chí để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; tổng kết thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng các khó khăn, vướng mắc về thể chế gây cản trở cho hoạt động của cơ quan báo chí cũng như công tác quản lý nhà nước về báo chí, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí (Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030); xây dựng Kế hoạch toàn diện, chi tiết về việc sửa đổi, bổ sung Luật, báo cáo Chính phủ về Đề nghị xây dựng Luật và thực hiện quy trình theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tiến độ, thời hạn được giao.
Trong quá trình soạn thảo Luật, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”, xác định chính sách quan trọng trong dự thảo Luật để truyền thông rộng rãi nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Cùng với đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần tranh thủ sự tham gia, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội để tạo thuận lợi trong quá trình trình Dự thảo Luật.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cũng chúc đội ngũ những người làm báo có nhiều sức khỏe và nhiều thành công mới trong nhiệm vụ tự hào và vinh quang của mình.
Với sự tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của rất nhiều chuyên gia, nhà báo, luật sư, nhà nghiên cứu, Hội thảo đã tập trung đánh giá 6 năm thi hành Luật Báo chí 2016, phân tích thực trạng về công tác quản lý nhà nước và hoạt động báo chí, gợi mở những nhóm vấn đề cho nhiệm vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, các đại biểu cùng phân tích dự báo, đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn về xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các chiến lược, chủ trương lớn phát triển báo chí Việt Nam. Đồng thời, trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, cơ chế, phương thức thực thi Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.