Chiều 10/01, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ pháp chế năm 2024.
Năm 2023, công tác pháp chế của Bộ được triển khai thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen.
Nổi lên là: Hệ thống chính trị đang tích cực tổ chức thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong tình hình mới;
Ngành bước vào năm thứ 3 thực hiện chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp;
Đặc biệt, hệ thống quản lý nhà nước của Bộ tiếp tục được kiện toàn theo Nghị định 105/2022/NĐ-CP của Chính phủ;
Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, xuất hiện nhiều vấn đề mới, phức tạp, khó lường tác động trực tiếp đến phát triển thị trường nông sản, tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, công tác pháp chế 2023 của Bộ được đánh giá về cơ bản đều được kế hoạch hóa và tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có kết quả tốt.
Trong đó gồm có: Kế hoạch xây dựng văn bản QPPL của Bộ; Kế hoạch Phổ biến giáo dục pháp luật; Kế hoạch truyền thông, tiếp thị chính sách; Kế hoạch rà soát văn bản QPPL; Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật; Kế hoạch công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính; Kế hoạch cải cách hành chính.
Liên quan đến công tác xây dựng văn bản QPPL, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2023, đã có 30 văn bản được ban hành (gồm: 04 Nghị định; 26 Thông tư). Đến 01/01/2024, Hệ thống văn bản QPPL do Bộ chủ trì soạn thảo đã ban hành là 433 văn bản, và còn 13 dự thảo văn bản đã trình Chính phủ chưa ban hành (gồm 12 Nghị định và 01 Quyết định).
Về văn bản đã trình Chính phủ từ năm 2021- 2022, Chính phủ đã ban hành 04/12 Nghị định (đạt tỷ lệ 33,3%). Còn 07 dự thảo Nghị định, 01 quyết định của Thủ tướng CP đã trình từ 2021, 2022 chưa được ban hành.
Dù bộ máy của Bộ NN&PTNT trong năm vừa qua có nhiều thay đổi nhưng Vụ Pháp chế vẫn có nhiều kết quả nổi bật tham mưu rất lớn cho ban cán sự và lãnh đạo bộ… (ảnh: Thanh Thanh) |
Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Pháp chế cho biết, năm 2023 Bộ đã có 2 lần xin điều chỉnh kế hoạch xây dựng văn bản năm 2023. Sau 02 lần điều chỉnh; 02 lần có văn bản gửi VPCP đề nghị lùi thời hạn trình dự thảo Nghị định kinh tế trang trại và được Chính phủ đồng ý lùi thời hạn 02 lần, thì: Chương trình Chính thức còn 24 văn bản (gồm: 05 Nghị định và 19 Thông tư), giảm 05 văn bản (gồm: 03 Nghị định và 02 Thông tư).
“Việc xin lùi thời hạn trình dự thảo Nghị định thể hiện việc chưa lường hết, tính toán hết các vấn đề khó khăn khi đề xuất…”- Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra là nhiều văn bản mặc dù ban hành trong năm 2023 nhưng chậm tiến độ, cơ bản các Thông tư được ban hành vào tháng 11,12. Đơn cử, ngày 15/12, có đến 08 Thông tư được ban hành; tháng 12 có 02 Nghị định do 1 đơn vị chủ trì soạn thảo được trình Chính phủ).
“Đây là các công việc thuộc quản lý của Bộ, nếu Thông tư ban hành sớm thì mọi việc được trôi chảy hơn, đặc biệt các Thông tư liên quan đến cắt giảm thủ tục hành chính. Dù ban hành đầy đủ nhưng chậm tiến độ…”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đề cập đến 12 dự thảo Nghị định chưa được ban hành, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, chủ yếu trong số đó là văn bản tồn đọng từ năm 2021- 2022, năm 2023 mới có 4 dự thảo được phê duyệt, 8 văn bản chưa được ban hành.
“Đương nhiên đây là những vấn đề khó, trao đổi nhiều lần, nhưng ở góc độ cơ quan chủ quản, phải thực hiện triệt để vấn đề này…”- Thứ trưởng Hiệp nói và đề nghị phải xử lý dứt điểm trong 6 tháng đầu năm nay: “Tôi đề nghị các đơn vị có liên quan sau hội nghị này phải có báo cáo rất rõ những vướng mắc, hướng xử lý lên Bộ trưởng”
Triển khai kế hoạch pháp chế năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu 100% đơn vị phải ban hành kế hoạch pháp chế (Năm 2023 chỉ có 6 đơn vị ban hành kế hoạch pháp chế)
Đồng thời đề nghị trong năm 2024, các đơn vị rà soát và thực hiện nghiêm; tập trung nguồn lực, nhân lực để hoàn thành nhiệm vụ. “Dứt khoát năm 2024 không báo cáo xin lùi thời hạn của bất cứ văn bản pháp luật nào…”- Thứ trưởng quả quyết.
Sẽ ban hành Thông tư thay thế Thông tư 11/2021-TT-BNNPTNT trong tháng 1/2024
Tại Hội nghị, Lãnh đạo Vụ Pháp chế đã thẳng thắng nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trong xây dựng, trình ban hành Thông tư thay thế Thông tư 11/2021/TT-BNNPTNT Ban hành bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT và danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực NN&PTNT
Theo kế hoạch, ngay trong tháng 01/2024, Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Bộ trưởng ban hành Thông tư thay thế Thông tư 11/2021/TT-BNNPTNT. Trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Thông tư thay thế Thông tư 11/2021/TT-BNNPTNT được ban hành: Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và đơn vị liên quan rà soát, đề xuất, thực hiện và hoàn thành việc sửa đổi các văn bản QPPL liên quan, bảo đảm đồng bộ, có hiệu lực thi hành đồng thời với hiệu lực thi hành của Thông tư thay thế Thông tư 11/2021/TT-BNNPTNT