Người đàn ông “làm dâu trăm họ”
Thấm thoát đã ba mươi lăm năm kể từ ngày anh Nguyễn Xuân Nụ hết nghĩa vụ quân sự, khoác ba lô trở về làng. Quả cảm, lại nhiệt tình công tác nên anh Nụ được phân về Ban công an xã Dĩnh Kế. Làm công an xã 15 năm, anh Nụ “bẻ ngang” sang công tác tư pháp cơ sở và đã đi tiếp chặng đường 23 năm nữa. Chặng đường dài với biết bao kỷ niệm, ân tình!
Nằm ở Đông Bắc TP. Bắc Giang, có hai trục lộ đi vào trung tâm thành phố, xã Dĩnh Kế thuộc địa bàn giáp ranh, tình hình an ninh trật tự khá phức tạp. Toàn xã có 10 ngàn dân (2.400 hộ), 11 thôn, 22 dòng họ với trình độ dân trí không đồng đều. Năm 2005, xã Dĩnh Kế có tới 70% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi làm đường xá, khu công nghiệp. Cơ cấu nghề nghiệp theo đó cũng bị chuyển đổi, nhiều doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh về đóng trên địa bàn, tình hình trật tự an ninh xã vì thế cũng phức tạp hơn.
Với kinh nghiệm lâu năm làm công an xã, anh Nụ tư vấn cho HĐND, UBND xã phát động phong trào “Tuổi trẻ xã Dĩnh Kế vì an ninh tổ quốc” tuyên truyền sâu rộng giúp mọi người dân nâng cao ý thức pháp luật, tránh xa tệ nạn và tội phạm, giữ nghiêm trật tự trị an.
Làng lên phố, cùng với tốc độ đô thị hóa thì công tác tư pháp cũng vất vả, bận rộn, đòi hỏi cao hơn. Năm 2010, xã Dĩnh Kế đã tiến hành đăng ký khai sinh cho 1.198 trường hợp, trong đó đăng ký quá hạn 18 trường hợp, đăng ký lại 27 trường hợp, con ngoài giá thú 10 trường hợp. Đặc biệt, xã đã đăng ký khai sinh cho 125 trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác.
Bằng sự mềm dẻo nhưng cương quyết của mình, anh Nụ đã góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ tranh chấp, thi hành án phức tạp kéo dài. Vụ cưỡng chế thi hành án xảy ra ở thôn D.H vào năm 2003 là một ví dụ. Khi liên ngành đang họp tại UBND xã Dĩnh Kế chuẩn bị “ra quân” thì anh Nụ nhận tin báo bên bị cưỡng chế có biểu hiện chống đối manh động. Anh vội xuống thôn thì thoáng thấy người đàn bà xõa tóc, khoác một tấm chăn trên người.
Dự đoán có thể xảy ra hai khả năng: một là cô ta khỏa thân để ăn vạ, hai là cô ta tẩm xăng để tự thiêu; cả hai tình huống dự đoán đều nguy hiểm như nhau. Không còn thời gian để suy tính, anh Nụ chỉ kịp băng đến nhà bố mẹ đẻ người phụ nữ kia và ông trưởng họ để vận động họ bằng mọi giá phải chặn không cho cô ta manh động, lỡ cô ta làm liều có thể ảnh hưởng đến tính mạng mà còn phạm pháp, lúc đó hậu quả sẽ khó lường. Thú thực lúc ấy điều anh lo lắng nhất là sự an toàn tính mạng của công dân, cuộc cưỡng chế có thể hoãn lại nhưng nếu đương sự lỡ manh động thì hậu quả không thể khắc phục được. Chính sự tận tụy hết lòng vì công việc và sự lo lắng chân thành của anh đã khiến đương sự xúc động sâu sắc, tự nguyện thi hành án. Buổi cưỡng chế từ chỗ nan giải, phức tạp được giải quyết một cách nhanh chóng, thành công.
Phần thưởng kép
Mấy chục năm gắn bó với nghề, anh Nụ thuộc lòng địa bàn từng thôn xóm, nắm rõ phong tục tập quán của từng dòng họ. Những kiến thức, kinh nghiệm đó được anh vận dụng vào việc hòa giải, dàn xếp tranh chấp thôn làng. Với lòng quả cảm nhiệt tình của mình, anh không ngại va chạm, hiểm nguy khi đi “dẹp” những vụ tranh chấp, ẩu đả
Ngoài hòa giải, anh còn kiêm “nghề” tư vấn pháp luật. Bà con nào có vướng mắc, chưa hiểu về đường lối chính sách pháp luật đều đến tìm anh. “Mình phải liên tục cập nhật, làm giàu kiến thức cho mình để giúp bà con chính xác, kịp thời, thật là một công đôi lợi!”- anh Nụ hào hứng kể.
Năm 2010, anh Nguyễn Xuân Nụ là công chức cấp xã duy nhất của tỉnh Bắc Giang vinh dự được tặng thưởng kép là Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp trao tặng và Huy chương vì an ninh tổ quốc do Bộ trưởng Bộ Công an tặng. Nhưng với anh Nụ, phần thưởng cao quý nhất đó chính là sự tin yêu, tín nhiệm của bà con địa phương đối với người cán bộ tư pháp cơ sở.
Quỳnh Lưu