Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến đã khái quát các nội dung chính của dự thảo Nghị định. Một trong những nội dung đáng chú ý đó là cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy định chi tiết. Cụ thể, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP chỉ quy định về việc thông báo cho địa phương danh mục văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội và lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy số lượng Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được ban hành hàng năm là rất lớn và không ít trong số các văn bản này giao cho HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành văn bản để quy định chi tiết. Việc liên tục theo dõi, rà soát để xác định những nội dung nào trong số các văn bản nêu trên giao cho chính quyền cấp tỉnh quy định chi tiết để kịp thời ban hành theo đúng yêu cầu về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy định chi tiết là hết sức khó khăn.
Vì vậy, dự thảo Nghị định là đã bổ sung 1 điều (Điều 29a) quy định về cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy định chi tiết nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Theo đó, Điều này quy định bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc tự mình ban hành thông tư theo thẩm quyền mà trong văn bản có nội dung giao bộ, cơ quan ngang bộ khác hoặc địa phương quy định chi tiết thì phải có trách nhiệm tập hợp, thông báo cho các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương về nội dung được giao quy định chi tiết và theo dõi việc ban hành văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, Điều 29a cũng quy định trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết trong việc bảo đảm chất lượng, tiến độ soạn thảo và kịp thời thông báo về những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình soạn thảo.
Đánh giá về nội dung này, bà Hồ Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Tài chính cho rằng Điều 29a đã mở ra phạm vi rộng hơn so với quy định hiện hành, tuy nhiên để áp dụng quy định này vào thực tiễn thì không đơn giản. Việc giao Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết có trách nhiệm tập hợp, thông báo, theo dõi việc ban hành sẽ khó khăn hơn bởi như vậy sẽ có rất nhiều đầu mối, không tập trung một đầu mối là Bộ Tư pháp theo dõi như trước kia. Mặt khác, nhiều văn bản có tính chất quy định chi tiết không rõ ràng, dễ gây tranh cãi khi xây dựng, ban hành. Do vậy, Ban soạn thảo cần đánh giá thêm về tác động của Điều 29a.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho rằng trước đây Bộ Tư pháp là đầu mối theo dõi chung trong công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết. Giờ dự thảo Nghị định chuyển sang đầu mối là các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thì Ban soạn thảo cần đánh giá thêm về những thuận lợi, khó khăn của việc chuyển giao này để có quy định phù hợp, khả thi khi triển khai.
Còn ông Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đề nghị phải đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng bởi đây là một chính sách mới và rất quan trọng. “Chúng ta cần cân nhắc giữa vấn đề thêm việc cho pháp chế Bộ, ngành với với vấn bớt việc cho địa phương. Mặt được thì chúng ta chưa biết nhưng điều đáng lo ngại nhất đó là tạo ra sức ì cho địa phương trong công tác xây dựng văn bản”, ông Sỹ tỏ ra băn khoăn.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần tiếp tục rà soát các nội dung, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của Bộ, ngành, địa phương. Trong đó, lưu ý phải đảm bảo phù hợp về phạm vi sửa đổi, bổ sung; đề ra các giải pháp rõ ràng và có sự thống nhất cao.
Về vấn đề thể thức và kỹ thuật trình bày VBQPPL, dự thảo Nghị định cần thống nhất với quy định tại Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Liên quan tới quy định tại Điều 29a, Thứ trưởng cho rằng việc bổ sung trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc theo dõi việc ban hành văn bản quy định chi tiết là cần thiết và phù hợp. Ý kiến băn khoăn rằng sẽ phát sinh công việc cho Bộ, ngành là vấn đề không đáng lo ngại bởi Bộ, ngành là cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết nên sẽ nắm rất rõ nội dung công việc nên theo dõi, đôn đốc sẽ thuận lợi.
Về một số biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định, Thứ trưởng yêu cầu rà soát kỹ để lựa chọn phương án điều chỉnh, bổ sung hay thay thế biểu mẫu cho phù hợp.