Theo đó, PC Quảng Ninh đã xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, thành lập các đội xung kích và thực hiện tổ chức diễn tập theo các tình huống giả định. Đồng thời, Công ty đã quyết liệt chỉ đạo Điện lực các huyện, thị, thành phố nghiêm túc tổ chức rà soát lưới điện để kịp thời phát hiện, khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại trên lưới để vừa đáp ứng việc cung ứng điện năng, vừa tăng cường hệ thống điện trong thời điểm thiên tai; Chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị thay thế dự phòng để kịp thời xử lý sự cố nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho ngành Điện; Bố trí lực lượng ứng trực để cấp điện trở lại đảm bảo an toàn cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Trong quá trình triển khai các giải pháp cung ứng điện an toàn trong mùa mưa bão, đơn vị đặc biệt lưu ý kiểm tra tại vị trí xung yếu dễ xảy ra sự cố, gây ảnh hưởng đến đường dây cung cấp điện như: các khu vực cột điện được lắp dựng ở triền dốc, bờ sông, bờ suối, bờ kênh. Tại đây, đơn vị tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời hệ thống dây chằng néo (móng néo, tăng đơ néo, dây néo), tính ổn định của kè, bờ chắn móng cột…; kiểm tra và xử lý kịp thời những phát sinh tại chân kè, hệ thống thoát nước mặt, nước ngầm của móng kè và địa chất xung quanh khu vực móng cột điện.
Đồng thời, tổ chức rà soát phương thức kết lưới trung thế 22kV để sẵn sàng chuyển đổi phương thức vận hành khôi phục nhanh phụ tải khi xảy ra sự cố tại khu vực; kiểm tra các máy phát điện dự phòng, thiết bị chiếu sáng phục vụ tại hiện trường, hệ thống thông tin liên lạc, phương tiện vận tải, phương tiện thi công, đảm bảo phương tiện, thiết bị luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động.
Công nhân Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế xử lý các khiếm khuyết trên đường dây 110 kV. |
Cùng với công tác kiểm tra, gia cố các vị trí xung yếu nói trên, các Điện lực đã tiến hành phát quang hành lang lưới điện; chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai; phương án cấp điện khi xảy ra thiên tai theo thực tế lưới điện và phụ tải, xử lý sự cố với nhiều tình huống giả định cụ thể, sát thực tế để các điện lực ứng phó, khôi phục cấp điện nhanh nhất và bảo đảm an toàn khi xảy ra thiên tai.
Ngoài ra, các Điện lực, Đội quản lý vận hành cao thế trực thuộc đã tăng cường các giải pháp an toàn, phòng chống thiên tai, bảo đảm cấp điện mùa mưa bão. Trong đó, các điện lực đã nhanh chóng triển khai công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “3 sẵn sàng”, kiểm tra và gia cố các vị trí cột điện có nguy cơ xói lở, sạt trượt...
Cùng với đó, Công ty cũng chỉ đạo các Điện lực trực thuộc phải thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về công tác an toàn điện trong quần chúng nhân dân và kịp thời thông báo đến khách hàng chủ động trong công tác chuẩn bị ứng phó, khắc phục hậu quả trong mùa mưa bão.
Mặt khác, PC Quảng Ninh cũng tập trung đôn đốc các đơn vị tăng cường kiểm tra, phát chặt cây trong hành lang an toàn lưới điện, cây nằm trong khu vực có khả năng đổ vào đường dây gây sự cố;
Công nhân Điện lực Tiên Yên (Quảng Ninh) tuyên truyền sử dụng điện an toàn trong nhân dân |
Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho người dân, doanh nghiệp hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về an toàn trong sử dụng điện bằng nhiều hình thức như: Phát bản tin, phóng sự phát trên đài phát thanh, truyền hình địa phương; tuyên truyền trong trường học, tổ dân phố… để người dân sử dụng điện an toàn và bảo vệ an toàn công trình lưới điện, không để xảy ra các tai nạn điện trong nhân dân.
Đồng thời, PC Quảng Ninh khuyến cáo tuyên truyền đến người dân thận trọng và sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão như: Trời mưa to, gió lớn, nên nhanh chóng ngắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (các bảng hiệu, bảng quảng cáo,…); Xảy ra bão, lũ, nên ngắt toàn bộ nguồn điện trong nhà (ngắt cầu dao tổng); Khi mưa, bão, nếu ở ngoài đường, không đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp; không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất hoặc các cấu kiện công trình điện; Không đi qua khu vực cột điện gãy, đổ, đường dây bị đứt, võng…; Không tự ý leo lên mái nhà hay sửa chữa đường dây điện mà hãy gọi điện đến Tổng đài chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực miền Bắc (19006769) để được tư vấn và hỗ trợ sửa chữa một cách an toàn, hiệu quả.
Để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong mùa mưa bão 2024, từ năm 2023 và đầu năm 2024, ngoài công tác kiểm tra định kỳ cũng như đột xuất hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA), thiết bị lưới điện cấp điện áp 110kV, 35kV, 22kV, 10kV, 6kV, 0,4kV nhằm kịp thời xử lý các khiểm khuyết phát sinh trong quá trình vận hành, Công ty đã thực hiện đầu tư, cải tạo nâng cấp lưới điện nhằm đáp ứng tốt hơn năng lực vận hành cấp điện cho khách hàng; tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, thường xuyên theo dõi tình trạng vận hành đường dây, trạm biến áp để triển khai các giải pháp cụ thể: Xử lý thoát sét ngọn cột gốc cột (1050 cột bê tông ly tâm, 1520 cột sắt); thay cách điện bị phóng điện (40 chuỗi sứ); xử lý tiếp xúc lèo, táp lèo phụ (20 vị trí). Ngoài ra còn tổ chức chặt cây phát quang hành lang lưới điện, vận động nhân dân có ý thức bảo vệ, không vi phạm HLATLĐCA.
Ông Phạm Đình Chấn – Phó Giám đốc Công ty, Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn PC Quảng Ninh cho biết: Với quan điểm phòng hơn chống nên sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc ứng phó với thiên tai, bão lũ của PC Quảng Ninh là hết sức cần thiết. Hàng năm, Công ty đều chủ động kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong đó phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và đề ra kế hoạch ứng phó cụ thể. Theo đó, Công ty chỉ đạo các Điện lực trực thuộc phải đặc biệt quan tâm, củng cố và hoàn thiện sớm lưới điện ngay từ đầu năm nhằm bảo đảm tính an toàn, chống chịu được trước mưa bão. Đặc biệt, PC Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị thực hiện khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm xử lý, khắc phục kịp thời sự cố do thiên tai gây ra với hệ thống lưới điện. Khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy sẽ trực chỉ huy 24/24h để theo dõi, nắm bắt diễn biến thiên tai, chỉ huy và điều động kịp thời nhân lực, phương tiện, vật tư thiết bị dự phòng trong Công ty để khắc phục hậu quả nhanh nhất.