Là trưởng một dòng họ to nhất nhì một xã ở ngoại thành Hà Nội, nhưng cố mãi, cố mãi… đến lần sinh thứ 5 mà vợ ông Nguyễn H.T vẫn không sinh được một mụn con trai “nối dõi tông đường”. Buồn phiền, ông T. sinh ra nát rượu, rồi về nhà kiếm cớ hành hạ vợ con. Sự xuất hiện của một hòa giải viên tận tâm đã trở thành vị cứu tinh cho cả gia đình.
Hòa giải cơ sở góp phần mang lại bình yên cho xã hội. Ảnh minh họa |
Ước mơ có "thằng cu “chống gậy”
Nỗi khao khát thằng “đích tôn” càng trở nên cháy bỏng khi mà ở tuổi ngoài 40, ông T. đã nhà cao cửa rộng, tiền nong rủng rỉnh gửi ngân hàng do thành phố đền bù hàng hecta đất để làm khu đô thị mới. Có tiền, cả hai vợ chồng ông bỏ luôn nghề làm gốm gia truyền mà chuyển sang mở quán cà phê tại nhà.
Cũng chính vì vậy mà càng ngày ông T. càng có nhiều mối quan hệ trong làng, ngoài xã. Mỗi lần tiệc tùng, nhậu nhẹt, nỗi đau khổ nhất với ông là mấy ông bạn vàng cứ nhè chuyện “nếp, tẻ” mà bới ra. Họ còn chả ngần ngại mà ngâm nga với ông cái câu “nhà cao cửa rộng con rể ở, tiền gửi ngân hàng cháu ngoại tiêu” làm ông T. “cay” đến đỏ mắt. Vậy là mặc dù sinh đến lần thứ 4 mà nhà ông T. vẫn chỉ “bố đẹp trai nhất nhà”.
Làn thứ 5, cẩn thận, vợ chồng ông T. đông tây y kết hợp. Ông đến cả bệnh viện phụ sản nghe tư vấn, rồi học cách kiêng kỵ trong khi gần gũi vợ, cách ăn uống, tính thời điểm rụng trứng. Kể cả mấy người hàng xóm tốt bụng mách đền nọ, chùa kia cầu gì được nấy, ông đều sắm sanh lễ lạt đến tận nơi với lòng thành kính vô biên. Thế nhưng, cái ngày mà vợ ông đi siêu âm về với nét mặt như “mất sổ gạo”, thì ông như bị ném từ trên cao xuống. Từ đó ông trở nên nát rượu, bỏ bê việc kinh doanh. Ông còn khoác cho vợ cái tội “không biết đẻ” và thường xuyên kiếm cớ để chửi mắng, đánh đập vợ.
Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm sau một lần ông nhậu say, xô sát với mấy ông cạnh bàn rượu chỉ vì họ dám coi thường nhà ông toàn “một lũ vịt giời”, chân nam chân chiêu về tới nhà vợ ông còn càu nhàu vì ông về quá khuya. Lời qua tiếng lại, ông trút mọi bực tức bấy lâu lên đầu vợ khiến chị này phải cấp cứu ở bệnh viện.
Vị cứu tinh của gia đình
Thấy mâu thuẫn trong gia đình ông T. ngày càng trở nên gay gắt, Tổ hòa giải của thôn đã cử hòa giải viên là bà Thu Bình đến tận nhà tìm hiểu nguồn cơn.
Sau khi biết nguyên nhân của những trận đòn vô cớ mà ông T. đổ lên đầu vợ vì lý do không có con trai, bà Bình đã cùng các chị em trong hội phụ nữ xã đến hỏi thăm, động viên, phân tích thiệt hơn với ông T. Nhưng chẳng những không nghe, mỗi lần thấy bóng dáng bà Bình ngoài ngõ ông T. đã sai con chốt cửa trong lại, không tiếp. Nhiều lần như vậy nhưng bà Bình vẫn không nản, không tiếp cận được ông T, bà Bình tiếp cận bố mẹ ông, rồi mấy ông bạn thân của ông, những người ông T. vẫn tin tưởng.
“Mưa dầm thấm lâu”, dần dà, ông T. đã thay đổi thái độ và chấp nhận để bà Bình vào nhà nói chuyện. Không đao to búa lớn, bà Bình tỉ tê với ông câu chuyện ngay trong làng mà cả bà và ông T đang sống. Đó là những câu chuyện về những gia đình chỉ sinh toàn con gái, nhưng chúng đều giỏi giang, cha mẹ có phận nhờ.
Gia đình ông T. cũng vậy, cô con gái lớn đã vào một trường Đại học danh tiếng, cô con gái thứ hai từng có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi toán quốc gia. Ba đứa trẻ còn lại mới học trường làng nhưng đứa nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép. Bà Bình bảo lẽ ra ông phải ơn trời đã cho ông những đứa con giỏi giang, sau này về già ông sẽ được báo hiếu.
Cứ từng bước, từng bước một, chả hiểu từ bao giờ, bà Thu Bình trở nên thân thiết với gia đình ông T. Nghe bà, ông T đã bớt uống rượu, không còn đánh đập vợ con như trước. Và quan trọng hơn, ông T. đã từ bỏ ý định sinh thêm hai lần nữa để có được đứa con trai như lời “thầy” phán. Ông hiểu ra rằng, con cái là lộc trời cho, trời cho con nào, được con nấy, cơ bản là chúng ngoan ngoãn, giỏi gang, đó là cái phúc lớn nhất của đời người.
Trong bữa cơm “đại gia tộc” chứng kiến cảnh vợ chồng ông T. đoàn tụ do chính những người con của ông T. nấu nướng, có mặt bà Thu Bình và cả Tổ hòa giải thôn. Ông T. luôn miệng nói cám ơn các hòa giải viên – những người vẫn được mệnh danh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bởi nhờ họ ông T. đã hiểu được giá trị của cuộc sống. Đơn giản hơn, mỗi lần gặp gỡ bạn bè, ông không còn tự cho mình phải “ngồi mâm dưới”, vì ông rất tự hào về những đứa con gái ngoan hiền của mình, mà chắc gì khối đàn ông – đã bằng.
Chị Nguyễn Thị Hữu hòa giải viên xóm 7, xã Thượng Sơn, Đô Lương, Nghệ An tâm sự: “Làm hòa giải vất vả nhưng đem đến cho chúng tôi nhiều niềm vui. Đó là khi các mâu thuẫn được hóa giải, vợ chồng đoàn tụ, anh em trong một nhà yên ấm, hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau… Thực tế, có những tranh chấp tưởng chứng rất nhỏ, rất đơn giản, nhưng nếu không có người đứng ra để giảng hòa thì lại trở thành những mâu thuẫn lớn, thậm chí vi phạm pháp luật. Chúng tôi tự hào vì đã góp phần cho thôn xóm được bình yên…” |
Thanh Nhàn