Ảnh minh họa.
Luật sư Trần Nam Long (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, người bào chữa cho bị can Trịnh Văn Quyết) cho biết, trong bản tự khai ngày 28/4/2024, ông Quyết đã nhận mọi trách nhiệm cho tất cả các bị can trong vụ án, kể cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bị hại, khắc phục hậu quả dân sự nên đã tích cực vận động gia đình thực hiện toàn bộ các trách nhiệm, nghĩa vụ trên.
Mới đây, bà Lê Thị Ngọc Diệp - vợ của ông Quyết cũng đã nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT Bộ Công an để thực hiện trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các bị hại trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khắc phục hậu quả dân sự của vụ án.
Theo cáo trạng VKSND Tối cao, bị can Trịnh Văn Quyết đã khắc phục hậu quả hơn 198 tỉ đồng hậu quả của vụ án. Luật sư Trần Nam Long cho rằng, đây là tình tiết giảm nhẹ quan trọng được cơ quan tố tụng đánh giá, xem xét.
Luật sư Long cho biết thêm, tháng 3/2023, ông Quyết đã tự nguyện chuyển nhượng 40,6% cổ phần CTCP hàng không Tre Việt (BAV) và nộp toàn bộ tiền thu được từ việc bán cổ phần là hơn 187 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Ông Quyết cũng thông qua gia đình và nhờ Cơ quan điều tra tác động để bên mua nhanh chóng nộp tiền hỗ trợ theo cam kết khi mua cổ phần là 500 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ và mua nốt 10% cổ phần còn lại như thỏa thuận ban đầu để khắc phục hậu quả vụ án. “Trường hợp bên mua cổ phần thực hiện đúng cam kết thì tổng số tiền từ bán cổ phần BAV được nộp vào ngân sách để khắc phục sẽ là 734 tỉ đồng”, Luật sư cho hay.
Ngoài ra, tháng 02/2024, bị can Trịnh Văn Quyết đã yêu cầu Luật sư thực hiện thủ tục đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an và VKSND Tối cao cho phép chuyển nhượng các tài sản khác thuộc sở hữu (bao gồm cả cổ phần FLC, các cổ phiếu đang được phong toả trên các tài khoản) để nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án.
“Dù chưa được chấp thuận nhưng điều này đã thể hiện ý chí và quyết tâm bằng nỗ lực và trách nhiệm cao nhất của ông Quyết trong việc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả từ vụ án”, Luật sư Long nêu.
Luật sư Long cũng cho hay, từ khi xảy ra vụ án, ông Quyết vô cùng hối hận về các hành vi đã thực hiện cũng như nhận thức được hậu quả đã gây ra cho thị trường, các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với những người thân trong gia đình, bạn bè và các cộng sự có liên quan đến vụ án.
Vì nhận được hành vi sai trái nên trong quá trình tham gia tố tụng, ông Quyết đã thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ các hành vi đã thực hiện trong vụ án do đó, Luật sư Long cũng đề nghị VKSND Tối cao xem xét, ghi nhận cho bị can được hưởng tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” theo điểm s, khoản 1, Điều 5, Bộ luật Hình sự năm 2015. Hiện tình tiết này đã được VKSND Tối cao ghi nhận tại cáo trạng.
Trong quá trình giải quyết vụ án, lời khai của bị can Quyết đã góp phần quan trọng trong việc làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án, giúp VKSND Tối cao củng cố hồ sơ, căn cứ trong việc xác định tội danh và phân hóa trách nhiệm của các bị can và người có liên quan trong vụ án.
Do đó, các Luật sư cũng đã đề xuất VKSND Tối cao xem xét tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong quá trình giải quyết vụ án” trong vụ án” tại điểm t, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Luật sư Long thông tin thêm, trong quá trình từng hành nghề Luật sư tại Công ty Luật TNHH SMic với cương vị Giám đốc và trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương, Giải thưởng, Giấy chứng nhận ủa các cơ quan như Bộ tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội,…
Bản thân ông Quyết có nhiều công lao, đóng góp cho xã hội, hoạt động từ thiện. Bố đẻ là ông Trịnh Hồng Quý với hơn 45 năm tuổi Đảng, đã được Nhà nước ghi nhận có nhiều công lao và được tặng nhiều huân, huy chương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mẹ đẻ là bà Đỗ Thị Giáp cũng là người nhiều năm tích cực hoạt động trong lĩnh vực từ thiện… đó đều là tình tiết giảm nhẹ để cơ quan tố tụng xem xét, áp dụng.