Ông Phan Văn Vĩnh trở thành “bà đỡ” của sòng bạc trực tuyến nghìn tỷ như thế nào

Ông Phan Văn Vĩnh bị truy tố cùng Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương
Ông Phan Văn Vĩnh bị truy tố cùng Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương
(PLO) - Không chỉ giới thiệu Nguyễn Văn Dương cho C50 để thành lập công ty CNC với danh nghĩa là công ty bình phong của C50, ông Phan Văn Vĩnh còn bị cáo buộc đã lờ đi các vi phạm pháp luật của sòng bạc trực tuyến Rikvip, Tib.club khi các đơn vị khác của Bộ Công an phát hiện.

Kết nối Nguyễn Văn Dương và C50

Theo kết quả điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, năm 2010, Bộ Công an có quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50),  trong đó quy định đơn vị này được phép thành lập công ty bình phong để phục vụ hoạt động nghiệp vụ. Giữa năm 2011, ông Phan Văn Vĩnh đã chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa làm tờ trình xin chủ trương thành lập công ty bình phong.

Được sự đồng ý của ông Vĩnh, ông Nguyễn Thanh Hóa đã chỉ đạo xây dựng đề án thành lập công ty bình phong và trình lãnh đạo Tổng cục cảnh sát phê duyệt. Văn bản của C50 đã gửi đến ông Nguyễn Tiến Lực (Phó tổng cục trưởng) và ông Phan Văn Vĩnh. Sau đó, ông Phan Văn Vĩnh đã chỉ đạo C50 soạn thảo báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an để ông Phan Văn Vĩnh ký trình.

Theo văn bản đề xuất của Tổng cục cảnh sát xin thành lập công ty bình phong với số vốn góp là 20%, Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đã có bút phê  với nội dung là đồng ý về chủ trương, thực hiện phải đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật và nghiệp vụ đã quy định. 

Sau khi được lãnh đạo Bộ Công an đồng ý về chủ trương, chính ông Phan Văn Vĩnh đã giới thiệu Nguyễn Văn Dương với Nguyễn Thanh Hóa để bàn bạc về việc thành lập công ty bình phong cho C50. Sau cuộc gặp do ông Vĩnh kết nối, Nguyễn Văn Dương và ông Nguyễn Thanh Hóa đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh để thống nhất thành lập Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghê cao (Công ty CNC), với số vốn góp của C50 là 20% vốn điều lệ.

Ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa khi còn đương chức
Ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa khi còn đương chức

Thực tế, C50 không góp một đồng vốn nào mà ông Nguyễn Thanh Hóa đã làm văn bản ủy quyền cho Nguyễn Văn Dương đại diện quản lý 20% vốn của C50 tại Công ty CNC và đảm bảo quyền lợi cho C50 theo tỷ lệ vốn góp như trên.

Với danh nghĩa là công ty bình phong của C50, Công ty CNC đã được tạo điều kiện cho sử dụng trụ sở của Bộ Công an quản lý tại tầng 4, số 10 Hồ Giám để hoạt động. Tại trụ sở này của Công ty CNC, ông Nguyễn Thanh Hóa đã có một phòng làm việc. 

Ban đầu, khi sòng bạc trực tuyến Rikvip chưa ra đời, Nguyễn Văn Dương đã đề xuất triển khai cổng thanh toán trực tuyến cho các đơn vị phát hành trò chơi trực tuyến (game online) và các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử để kết nối người sử dụng internet với các nhà cung cấp dịch vụ. Nguyễn Văn Dương xác định đây là cổng thanh toán mà bất kỳ đơn vị phát hành game online nào cũng cần đến, nhất là các trò chơi online bất hợp pháp.

Cuối năm 2013, Nguyễn Văn Dương tiếp tục có báo cáo gửi C50 với nội dung đã hoàn chỉnh cổng thanh toán trực tuyến Sspay, với mục đích nắm “mạch máu” tài chính của các đơn vị kinh doanh game trái phép trên mạng Internet. Để hoàn thành mục tiêu kiểm soát dòng tiền của các game online trái phép, Công ty CNC đề nghị lãnh đạo C50 hỗ trợ buộc các nhà phát hành game trái phép phải sử dụng cổng thanh toán Sspay của Công ty CNC. 

Khi nhận được báo cáo này, ông Hóa đã giao cho Phòng 1 của C50 nghiên cứu và đề xuất. Khi nghiên cứu báo cáo đề xuất này, Phòng  1 đã cho rằng đây là những đề xuất sai và ông Hóa đã chỉ đạo không có văn bản trả lời, chỉ lưu hồ sơ đề xuất của Nguyễn Văn Dương.

Bao che cho sòng bài trực tuyến như thế nào

Đầu năm 2015, Phan Sào Nam được biết Công ty CNC là công ty bình phong của C50 nên đã trao đổi với Nguyễn Văn Dương về việc phát hành game online để phục vụ việc đánh bạc trực tuyến. Trong tay Phan Sào Nam có đội ngũ kỹ sư phần mềm có thể phát triển các game bài trực tuyến nên Nguyễn Văn Dương đã đồng ý. Sự hợp tác này đã cho ra đời “sòng bạc trực tuyến” có tên Rikvip và sau này đổi thành Tip.club.

Để hợp thức hóa việc tổ chức phát hành trò chơi trực tuyến mô phỏng các trò đánh bạc trên thực tế như: phỏm, tá lả, xì tố, tiến lên, đầu năm 2016, Công ty CNC đã báo cáo gửi C50 cho phép “công ty bình phong” này thực hiện việc phát hành trò chơi trực tuyến (kiểu đánh bạc) và chuyển đổi từ tiền ảo sang tiền thật qua các cổng thanh toán như Nguyễn Văn Dương đã đề xuất trước đó.

Hình ảnh giao diện người dùng của sòng bài trực tuyến Rikvip (đã dừng hoạt động)
Hình ảnh giao diện người dùng của sòng bài trực tuyến Rikvip (đã dừng hoạt động)

Nhận được báo cáo này, ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa đã chỉ đạo cho phép Công ty CNC xây dựng mô hình cổng trò chơi trên mạng có tích hợp mạng xã hội trực tuyến, thí điểm cho phép người dùng chuyển từ tiền từ tài khoản ảo sang thẻ ảo hoặc ví điện tử do Công ty CNC phát hành. Từ đây, Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam đã hợp tác cho ra đời cổng game trực tuyến Rikvip và 23zdo.com nhưng chưa được Bộ Thông tin và truyền thông cấp phép.

Biết rõ cổng trò chơi do Công ty CNC phát hành là hoạt động chui, ông Nguyễn Thanh Hóa đã báo cáo ông Phan Văn Vĩnh và ông Vĩnh chỉ đạo C50 làm báo cáo để gửi lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông đề nghị cho phép cổng trò chơi trực tuyến của Công ty CNC hoạt động. Mặc dù chưa được lãnh đạo Bộ Công an đồng ý nhưng ông Phan Văn Vĩnh vẫn ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cho phép cổng trò chơi của Công ty CNC hoạt động. 

Sau khi nhận được báo cáo của Tổng Cục cảnh sát, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã không đồng ý cho phép công ty bình phong của C50 tổ chức game bài trực tuyến kiểu đánh bạc này.

Tháng 5/2016, Thứ trưởng Lê Quý Vương đã yêu cầu Tổng cục cảnh sát báo cáo về hoạt động của Công ty CNC và việc hợp tác với VTC online liên quan đến hoạt động của 2 game bài Rikvip và 23zdo.com mang tính chất đánh bạc trá hình. Tuy nhiên, ông Phan Văn Vĩnh đã không báo cáo với Lãnh đạo Bộ Công an theo yêu cầu và không chỉ đạo làm rõ tính chất đánh bạc của hai trò chơi do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam hợp tác phát triển và điều hành. Đồng thời, ông Phan Văn Vĩnh tiếp tục chỉ đạo C50 gửi văn bản đến Bộ Thông tin và Truyền thông để xin cấp phép cho hai trò đánh bạc này.

Tháng 7/2016, ông Phan Văn Vĩnh đã chỉ đạo C50 soạn thảo văn bản để Phó tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn ký báo cáo Lãnh đạo Bộ Công an về hoạt động của Công ty CNC và Công ty VTC online liên quan đến hai trò đánh bạc trực tuyến, trong báo cáo này nêu rõ, hai trò chơi này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép (thực chất là không được cấp phép). Báo cáo lãnh đạo Bộ Công an thông tin không trung thực này khiến cho ông Phan Văn Vĩnh nhúng sâu vào vụ án, trở thành người bảo kê cho “sòng bạc trực tuyến” do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam điều hành.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm

Khởi tố 4 cán bộ liên quan sai phạm trong công tác tuyển sinh

Năm học 2021 - 2022, có 36/60 học sinh tuyển sinh không đúng quy định vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quan Hóa.
(PLVN) - Ngày 10/1, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố 4 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến vụ sai phạm trong tuyển sinh tại Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú THCS huyện Quan Hóa.

Bắt giữ Giám đốc Công ty BĐS Song Vi VN Group

Đối tượng Bùi Văn Hải tại Cơ quan Công an (Ảnh: CATH).
(PLVN) - Thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, đơn vị vừa bắt giữ một đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức ký hợp đồng hợp tác hỗ trợ tài chính đầu tư dự án bất động sản.

Bắt giam Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ

Cơ quan công an đọc lệnh bắt Đinh Văn Hải, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ.
(PLVN) - Ngày 10/1, Cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Văn Hải, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ và Cao Tiến Hạnh, nguyên Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ, với cùng tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.