Nữ cán bộ ngoại giao góp phần tô đậm 'sức mạnh mềm' của Việt Nam

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cùng các thành viên Đoàn Việt Nam tham gia Khóa họp 54 Hội đồng nhân quyền LHQ. (Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva).
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cùng các thành viên Đoàn Việt Nam tham gia Khóa họp 54 Hội đồng nhân quyền LHQ. (Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva).
(PLVN) - Sự tham gia của nữ cán bộ ngoại giao Việt Nam tại các diễn đàn đa phương đã góp phần tô đậm thêm “sức mạnh mềm” của Việt Nam. Tại nhiều thảo luận, bạn bè quốc tế cho rằng Việt Nam là một trong những mẫu hình thành công về hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy vai trò và sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực.

Đại sứ, Tiến sỹ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva cho biết như trên trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Pháp luật Việt Nam nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Đầu tiên, xin chúc mừng Đại sứ nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Thưa Đại sứ, bà là nhà ngoại giao nữ đầu tiên được giao đảm nhiệm cương vị Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva. Đại sứ có cảm thấy có “áp lực” nào hay không và bà đã vượt qua thế nào, thưa Đại sứ?

- Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai: Vâng, trân trọng cảm ơn bạn! Nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, tôi xin chia sẻ niềm vinh dự, tự hào là phụ nữ Việt Nam. Tôi nhìn nhận công tác của cán bộ ngoại giao nữ tại Geneva là một "sứ mệnh" quan trọng, vinh dự và tự hào; đồng thời cũng không ít áp lực cao do đặc thù công tác đối ngoại đa phương tại Geneva, một trung tâm lớn của ngoại giao đa phương và quản trị toàn cầu, với hơn 30 tổ chức quốc tế liên Chính phủ, và yêu cầu thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với đông đảo Đại sứ, cán bộ ngoại giao và chuyên gia kỳ cựu của các nước, các tổ chức quốc tế trên hàng loạt lĩnh vực.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva phát biểu tại Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 111, ngày 7/6/2023. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva phát biểu tại Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 111, ngày 7/6/2023. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva

Cá nhân tôi nhận thức rõ niềm vinh dự và tự hào cùng với trọng trách là nhà ngoại giao nữ đầu tiên được giao đảm nhiệm cương vị này, sau 11 Đại sứ nam tiền nhiệm. Hơn nữa, tôi cũng nhận thức rõ ở cương vị nữ Đại sứ thì cần phải nỗ lực nhiều hơn, phải phát huy được truyền thống vẻ vang của các thế hệ nhà ngoại giao nữ Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào việc củng cố lòng tin, mở rộng các quan hệ đối tác mạnh mẽ và cầu nối cho tình hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế, đóng góp cho hòa bình và phát triển ở trong nước, khu vực và quốc tế.

Phái đoàn chúng tôi thực hiện công tác đối ngoại được Đảng và Nhà nước giao, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, trong đó hiện nay chú trọng đảm nhiệm thành công cương vị Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền của LHQ (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023-2025, đề cao chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về phát triển kinh tế-xã hội, lấy con người là trung tâm, con người là mục tiêu, chủ thể và động lực của phát triển, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của mọi người dân, không bỏ ai lại phía sau.

Các Phái đoàn các nước và các Lãnh đạo, chuyên gia ở các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao chủ trương, chính sách, thành tựu và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như nỗ lực của Phái đoàn ta và các Cơ quan trong nước trong việc tham gia các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương.

Tuy có thuận lợi nhưng chúng tôi cũng gặp không ít thách thức, khó khăn, nhiều vấn đề phức tạp, nhất là khi thế giới hiện nay trực diện nhiều vấn đề toàn cầu cấp bách, nhiều khủng hoảng, sự gia tăng bất bình đẳng giữa các nhóm nước trong quan hệ quốc tế, giữa các nhóm dân cư cũng như bất bình đẳng giới ở nhiều nước, kể cả những nước phát triển. So với khối lượng công việc lớn và phức tạp, những Phái đoàn lớn có đến hàng trăm cán bộ ngoại giao, Phái đoàn chúng tôi có quy mô biên chế khá khiêm tốn, với 18 cán bộ ngoại giao và 4 nhân viên.

Cán bộ ngoại giao nữ chúng tôi luôn cố gắng học hỏi, phát huy thế mạnh xuất phát từ khả năng đóng góp, sự chuyên nghiệp, cộng với sự nhạy bén, tinh tế, cách tiếp cận mềm mại mà kiên trì, uyển chuyển mà kiên định, đặc biệt là hết sức tâm huyết, kết nối con người “từ trái tim đến trái tim”.

Là nữ Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện tại Geneva, tôi luôn ý thức phát huy thành tựu của đất nước, truyền thống vẻ vang của dân tộc, của ngành Ngoại giao, của phụ nữ và cán bộ ngoại giao nữ Việt Nam, luôn nỗ lực để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ được tham gia vào quyết định và được đánh giá công bằng trên cơ sở khả năng và năng lực của họ, phát huy đoàn kết tập thể, sự đồng hành của các cán bộ, nhân viên nam.

Đồng thời, tôi luôn chú trọng phối hợp chặt chẽ với các Phái đoàn các nước và đối tác quốc tế, các Lãnh đạo và chuyên gia tại các tổ chức quốc tế, trong đó có tích cực tham gia mạng lưới các nhà ngoại giao tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới ở Geneva, cũng như mạng lưới hơn 50 nữ Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và nhiều Lãnh đạo nữ tại các tổ chức quốc tế ở Geneva.

Công tác của Phái đoàn trải rộng trên nhiều lĩnh vực với nhiều tổ chức quốc tế liên chính phủ như HĐNQ, WTO, Hội nghị của LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Hội nghị Giải trừ quân bị…

Công tác này gắn với thương lượng, đàm phán và thực hiện điều ước quốc tế, văn kiện quốc tế khác, cũng như việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật ở cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia.

Trong đó, để phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả hợp tác đòi hỏi kết hợp chặt chẽ đối ngoại đa phương với đối ngoại song phương, nhiều vấn đề xuyên suốt các diễn đàn đa phương tại Geneva như ưu tiên quyền của những nhóm dân cư dễ bị tổn thương; ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững…

Phái đoàn chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan chức năng trong nước, tham gia tích cực thảo luận, đàm phán, tham vấn để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo đồng thuận, đóng góp vào việc soạn thảo nghị quyết, tuyên bố, quyết định và các văn kiện chính trị, văn kiện pháp lý quốc tế của trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế chuyên môn của LHQ nhằm giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu, đồng thời đề cao chính sách, thành tựu, thúc đẩy lợi ích, sáng kiến của đất nước ta.

Công việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng chúng tôi tin rằng trên cơ sở đề cao chủ nghĩa đa phương, thượng tôn pháp luật ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, đề cao tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, bằng sự tận tâm, kiên trì nỗ lực, đối thoại và hợp tác, tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin, chúng ta tiếp tục cùng các nước, đối tác quốc tế sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực hơn, tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế để chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa bình, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và phát triển bền vững.

Việc lồng ghép hoặc thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái được Phái đoàn triển khai thế nào, thưa Đại sứ?

- Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai: Quyền con người - trong đó quyền của phụ nữ, trẻ em gái là một phần cốt lõi, cùng với hòa bình và phát triển bền vững, là 3 trụ cột quan trọng của LHQ. Chúng tôi tin tưởng rằng, không thể có hòa bình và phát triển toàn diện và bền vững nếu không tôn trọng và đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái.

Việc Việt Nam đang đảm nhiệm cương vị một trong 47 quốc gia thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 (sau nhiệm kỳ đầu từ năm 2014-2016) là cơ hội để Phái đoàn chúng tôi tích cực đẩy mạnh tham gia, đóng góp thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong công tác của HĐNQ và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva, để phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới được hưởng quyền bình đẳng, được hưởng hòa bình và phát triển bền vững.

Cán bộ, nhân viên ngoại giao nữ của Phái đoàn - với con số 8/22, chiếm 36% tổng biên chế, trong đó cán bộ ngoại giao nữ là 7/18, chiếm 39% số cán bộ ngoại giao – luôn nỗ lực phát huy kiến thức, năng lực và đoàn kết tập thể để đảm nhiệm tốt cương vị được giao, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của phụ nữ và các thế hệ nhà ngoại giao nữ Việt Nam.

Phái đoàn chúng tôi luôn tích cực đảm nhiệm tốt cương vị Việt Nam là thành viên HĐNQ, thúc đẩy thảo luận theo chương trình nghị sự chung; đồng thời lồng ghép đề cao chính sách, thành tựu, sáng kiến của Việt Nam, của khối ASEAN về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, là những nhóm dễ bị tổn thương.

Cùng với đó là nêu bật thành tựu, khó khăn đặt ra đối với Việt Nam trong việc đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái trước nhiều thách thức toàn cầu như về dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường số, khoảng cách số. Những thách thức đó của Việt Nam cũng là khó khăn, thách thức chung của các nước, đòi hỏi đoàn kết và hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và chính sách, tìm giải pháp, cùng nhau khắc phục.

Đặc biệt, chúng tôi cũng đề cao chính sách nhất quán, pháp luật của Việt Nam tạo thuận lợi cho việc phát huy tiềm năng to lớn và vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao sự tham gia của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực của đất nước cũng như trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN.

Đồng thời, đóng góp cho việc tăng cường xây dựng và triển khai chính sách, hành động, chương trình về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái, chống bạo lực, phân biệt đối xử đối với phụ nữ, tăng cường phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức về quyền của phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai chủ trì, phát biểu tại cuộc Tọa đàm quốc tế về Thúc đẩy Quyền Con người được Tiêm chủng, tại Khóa họp 54 HĐNQ, tháng 9/2023. Ảnh: PV TTXVN tại Geneva

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai chủ trì, phát biểu tại cuộc Tọa đàm quốc tế về Thúc đẩy Quyền Con người được Tiêm chủng, tại Khóa họp 54 HĐNQ, tháng 9/2023. Ảnh: PV TTXVN tại Geneva

Ví dụ điển hình là tại Khóa họp 53 HĐNQ (tháng 7/2023), Việt Nam đã có sáng kiến và chủ trì tổ chức Tọa đàm quốc tế về chống bạo lực, phân biệt đối xử trên cơ sở giới ở nơi làm việc; phối hợp với Bangladesh và Philippines đưa ra Nghị quyết về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sinh kế và ảnh hưởng của những tác động này đối với quyền con người, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em. Tại Khóa họp 54 HĐNQ (tháng 9/2023), Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến tổ chức Tọa đàm quốc tế và Phát biểu chung về quyền con người trong tiêm chủng, trong đó nhấn mạnh tăng cường đoàn kết, hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện quyền của trẻ em, phụ nữ được tiêm chủng để được hưởng quyền có sức khỏe ở mức độ cao nhất có thể.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai chia sẻ kinh nghiệm của cán bộ ngoại giao nữ Việt Nam tại tọa đàm về Vai trò phụ nữ trong định hình chủ nghĩa đa phương trong tương lai, do Phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) tại Geneva tổ chức(ngày 8/3/2023). Ảnh : Phái đoàn EU tại Geneva

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai chia sẻ kinh nghiệm của cán bộ ngoại giao nữ Việt Nam tại tọa đàm về Vai trò phụ nữ trong định hình chủ nghĩa đa phương trong tương lai, do Phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) tại Geneva tổ chức(ngày 8/3/2023). Ảnh : Phái đoàn EU tại Geneva

Chúng tôi cũng tích cực lồng ghép nội dung chuyển tải đến bạn bè quốc tế về chính sách và cơ chế ưu việt của nước ta về trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực trao đổi, kết nối hợp tác thúc đẩy trao quyền năng cho phụ nữ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực thương mại, đổi mới sáng tạo… cũng như trong ngoại giao và đa phương tại Geneva, triển khai các hoạt động thiết thực kỷ niệm nhân Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày quốc tế Phụ nữ trong đa phương 25/1 và Ngày quốc tế Phụ nữ trong ngành Ngoại giao 24/6.

Phát huy cương vị Đại sứ, Trưởng Phái đoàn, tôi tích cực chia sẻ trong hoạt động của ngoại giao đoàn, tại các tổ chức quốc tế, làm diễn giả trao đổi tại các tọa đàm quốc tế, ví dụ chia sẻ kinh nghiệm về phụ nữ trong ngoại giao và đa phương với các đồng nghiệp, các thực tập sinh ở các tổ chức quốc tế và Phái đoàn tại Geneva, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về sự tham gia của phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp, trong chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong đổi mới sáng tạo tại thảo luận chuyên đề trong khuôn khổ HĐNQ, WTO, WIPO, ILO, ngoại giao đoàn...

Tại các thảo luận, bạn bè quốc tế hoan nghênh những đóng góp tích cực của Phái đoàn tại Geneva, đồng thời cho rằng Việt Nam là một trong những mẫu hình thành công không chỉ về hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín trên trường quốc tế mà cả về thúc đẩy vai trò và sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực. Có thể thấy, sự tham gia của cán bộ ngoại giao nữ của ta tại các diễn đàn đa phương góp phần tô đậm thêm "sức mạnh mềm" của Việt Nam.

Là một nhà ngoại giao, nhưng lại chuyên về lĩnh vực nghe có vẻ cứng nhắc và nguyên tắc là luật quốc tế, Đại sứ đã làm thế nào để kết hợp giữa sự mềm mỏng của ngoại giao và tính khuôn mẫu của luật pháp trong công việc của mình, thưa bà?

- Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai: Qua đóng góp của nhiều thế hệ Lãnh đạo nữ và nhà ngoại giao nữ Việt Nam, tôi tin rằng sức mạnh của phái nữ là sự thông minh, mềm mại mà kiên trì, uyển chuyển mà kiên định của phụ nữ, có thể trở thành "vũ khí" để đạt được những thành quả vượt mong đợi.

Ngoại giao và luật quốc tế gắn bó và tác động qua lại với nhau. Tôi may mắn được đào tạo và làm việc về ngoại giao và luật quốc tế, với hơn 30 năm công tác ở Bộ Ngoại giao.

Tham gia đóng góp vào xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách ở trong nước cũng như hợp tác và đấu tranh, thảo luận, đàm phán ở cấp độ khu vực và quốc tế không chỉ đòi hỏi bảo đảm nguyên tắc, mà còn yêu cầu khả năng phân tích, giải quyết vấn đề và thuyết phục với căn cứ pháp lý - chính trị được thừa nhận. Tôi đã cùng đồng nghiệp ở trong nước cũng như ở nước ngoài vận dụng kiến thức và kỹ năng luật và ngoại giao để đạt được những thành quả mong muốn, có khi là vượt mong đợi.

Sự thông minh, mềm mại mà kiên trì, uyển chuyển mà kiên định của phụ nữ giúp nhà ngoại giao nữ nắm bắt và hiểu sâu sự phức tạp của các vấn đề chính trị - pháp lý có tác động qua lại gắn kết với nhau, từ đó phân tích tìm ra và kiên trì thúc đẩy, thuyết phục thực hiện giải pháp tốt nhất.

Quyết tâm và sự kiên trì giúp nhà ngoại giao nữ không bị áp đặt, mà đi đến cùng để triển khai công tác với hiệu quả cao nhất có thể. Sức mạnh của nhà ngoại giao nữ không chỉ nằm trong khả năng cá nhân mà còn trong sự đoàn kết và phối hợp của tập thể, cộng đồng, sự đoàn kết và phối hợp với các đồng nghiệp, đối tác và tổ chức quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đoàn kết phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đoàn kết phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024), sáng 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân các dân tộc tại khu dân cư khu 8, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

Tuyên bố chung Việt Nam - Peru

Tuyên bố chung Việt Nam - Peru
Nhân dịp Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Peru theo lời mời của Tổng thống Dina Ercilia Boluarte Zegarra, ngày 13/11 theo giờ địa phương, hai bên đã ra tuyên bố chung về việc tăng cường quan hệ song phương giữa nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Peru. Trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:

Hội thảo khoa học quốc gia 'Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn'

Ảnh minh họa. Nguồn: VOV
Ngày mai - 15/11, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức.

Việt Nam - Peru hướng tới đưa quan hệ lên một tầm cao mới

Lễ đón Chủ tịch nước Lương Cường tại Sân bay Quốc tế Jorge Chávez ở Lima, Peru. (Ảnh: TTXVN).
(PLVN) - Chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Peru của Chủ tịch nước Lương Cường và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ là dấu mốc lịch sử, góp phần củng cố nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng tới đưa quan hệ lên một tầm cao mới.

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 50 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 50 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Từ ngày 11 đến ngày 13/11/2024,tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 50. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

Giao địa phương cơ chế đặc thù giải phóng mặt bằng cho đường sắt tốc độ cao

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. (Ảnh: Phạm Thắng)
(PLVN) - Thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kinh nghiệm, cơ chế giải quyết những dự án trước; đồng thời mạnh dạn giao địa phương có cơ chế đặc thù giải phóng mặt bằng để dự án có thể bảo đảm tiến độ đề ra.

Chủ tịch nước đến Lima, bắt đầu chuyến thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC

Chủ tịch nước đến Lima, bắt đầu chuyến thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC
Theo đặc phái viên TTXVN, vào lúc 15h45 chiều 12/11 theo giờ địa phương, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Jorge Chavez ở thủ đô Lima, bắt đầu đầu chuyến thăm chính thức Cộng hoà Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru theo lời mời của Tổng thống Dina Ercilia Boluarte Zegarra.