Xoáy sâu phân tích những vấn đề được coi là “nút thắt” của nền kinh tế, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng truy nguồn cơn của những hạn chế yếu kém, qua đó, hiến kế với Chính phủ các giải pháp trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô để kinh tế nước ta nhanh chóng thoát ra khỏi sự trì trệ, khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, hôm qua.
ĐBQH Phạm Huy Hùng (Hà Nội) phát biểu tại Hội trường |
ĐB nghi ngờ, cử tri chưa tin
Phần lớn các ĐBQH đều ghi nhận trong bối cảnh tình hình kinh tế hết sức khó khăn, song dưới sự điều hành của Chính phủ, kinh tế 2012 và những tháng đầu năm 2013 đã đạt những kết quả nhất định. Các chỉ tiêu cơ bản đều đạt (chỉ có 4 chỉ tiêu chưa đạt) là sự nỗ lực, cố gắng lớn.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa –Vũng Tàu) lại tỏ ra hết sức băn khoăn về những con số trong báo cáo của Chính phủ, trong đó có chỉ tiêu giảm nghèo, các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp, tạo việc làm mới…. Đặc biệt, ĐB Hiến cho rằng “con số thực bản chất nợ xấu nghiêm trọng hơn nhiều những gì đã công bố”.
Tự đặt câu hỏi, tự lý giải “có thể do kỹ thuật, có thể do phương pháp, có thể do trách nhiệm, do thiếu minh bạch và do cả bệnh thành tích”, ĐB Hiến đúc kết “không có số liệu đúng và đủ, không thể đưa ra đánh giá đúng tình hình, không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các quyết sách, chủ trương, giải pháp đúng được và như thế chúng ta sẽ gặp rất nhiều rủi ro”.
Chỉ ra một thực trạng khác đáng lo ngại hơn trong diễn biến nền kinh tế, theo ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) là “không khí im lặng, rò xét và tâm thế ngồi yên chờ thời trong không ít DN. Đó là sự thiếu tin tưởng thậm chí ngờ vực các giải pháp vĩ mô nhà nước đang tiến hành, đó còn là sự lo ngại, ngao ngán về khả năng thao túng của các nhóm lợi ích”. ĐB Đáng cho rằng chúng ta cần minh bạch và công khai hơn nữa để hoá giải tâm lý tiêu cực trên, niềm tin cần nhanh chóng được khôi phục.
Một hoài nghi nữa mà theo ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) là “gây bức xúc trong dư luận, làm mất lòng tin của dân, mất uy tín nhà nước, giảm hiệu quả quản lý” chính là chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo nên tình trạng nhờn pháp luật của cả người dân và cán bộ thực thi. Phân tích 8 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ĐB Nga kiến nghị Quốc hội sớm tiến hành cuộc giám sát tối cao về chấp hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trước những băn khoăn của nhiều ĐBQH về sự hoài nghi từ những con số hay thực thi chính sách, Bộ trưởng Bộ LĐ -TBXH Phạm Thị Hải Chuyền đã có phần giải trình thêm. Bộ trưởng Chuyền cho rằng, các chỉ tiêu về giảm nghèo, về việc làm, hay dạy nghề đều được thống kê theo đúng quy trình, sau khi thống kê có rà soát, kiểm tra từ địa phương. Do đó, các số liệu đưa ra là có cơ sở. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận “tỷ lệ giảm nghèo chưa bền vững, chưa đồng đều như lo ngại của ĐBQH là đúng”.
Bộ trưởng KH& ĐT Bùi Quang Vinh cũng lý giải thêm: “Trong 15 chỉ tiêu Quốc hội giao, Tổng cục Thống kê tính 8 chỉ tiêu (thực tế 6 chỉ tiêu), còn lại do Bộ ngành cung cấp.” Do có quá nhiều cơ quan khác nhau cùng thực hiện nên theo Bộ trưởng Vinh “có thể chưa chính xác nhưng độ tin cậy có thể chấp nhận được”.
Phải rà lại vốn nhà nước đang nằm “chết” trong doanh nghiệp
Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, nhiều ĐB hiến kế những giải pháp được coi là rất thiết thực để “cứu DN” đồng thời để việc sử dụng đồng vốn nhà nước có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Tỏ ra rất lạc quan vì hiện nay nhà nước còn rất nhiều nguồn lực nhưng tiền lại đang “đọng” ở nhiều DN, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) kiên quyết: “Nhà nước phải rà lại toàn bộ vốn nhà nước ở hàng trăm DN, ở những ngành công nghiệp nhẹ không cần thiết, ngành khách sạn, nhà hàng thoái vốn. Tại sao chúng ta để hàng trăm ngàn tỷ đồng nằm ở đây, trong khi không có tiền làm quốc lộ và nhiều nhu cầu khác. Hàng năm chủ đầu tư nhà nước không thu về một đồng xu cổ tức nào cho ngân sách. Đây là một sự lãng phí nguồn lực”.
Nhà nước ban hành nhiều chính sách nhưng chính sách không đến được với doanh nghiệp, dòng vốn được ví như “cục máu đông” cần phải khơi thông. Đây là quan tâm của nhiều ĐBQH. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chỉ rõ “nền kinh tế không hấp thụ được vốn, tình trạng thừa tiền, thiếu vốn còn kéo dài, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Từ đó, ĐB Nghĩa đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn trong chính sách tín dụng, bảo đảm những tháng còn lại của năm 2013 dư nợ tín dụng tăng lên 12%, trong 5 tháng đầu năm chỉ có tăng trên 2%; hạ lãi suất cho vay trung hạn để hỗ trợ DN tái cơ cấu.
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, vấn đề quan trọng hiện tại là làm sao để kích thích tín dụng đi lên. ĐB Vinh đề nghị trước hết phải tập trung xử lý nợ xấu, khẩn trương đưa Cty Quản lý tài sản vào hoạt động, từ đó khơi thông dòng tiền vào nền kinh tế và đưa đồng vốn đầu tư trong những lĩnh vực có hiệu quả.
Tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cũng được dành ít phút giải trình thêm. Ông cho biết: Đề án xử lý nợ xấu đã được Bộ Chính trị phê duyệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định về Cty xử lý tài sản, và Ngân hàng đang cố gắng để các Cty này sớm hoạt động. Theo Thống đốc Bình, ngành Ngân hàng cũng xác định cải thiện tình hình tiếp cận nguồn vốn cho DN, giảm lãi suất, tăng sức mua chính là những vấn đề phải tiếp tục “khơi thông” tới đây để góp phần đưa kinh tế ra khỏi khó khăn.
Chia sẻ với sự “sốt ruột” của nhiều ĐB QH về tái cơ cấu kinh tế còn chậm, đặc biệt là tái cơ cấu các lĩnh vực mũi nhọn như tái cơ cấu ngân hàng thương mại, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh thẳng thắn thừa nhận “sự vào cuộc của Bộ, ngành, địa phương, của DN còn chậm”. Bộ trưởng cho biết, sắp tới Bộ sẽ trình Chính phủ một Chỉ thị để “thúc” quá trình tái cơ cấu.
Cũng trong ngày làm việc hôm qua, nhiều ĐBQH đã đề cập đến những bất hợp lý cho việc đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cuối giờ chiều, trước khi kết thúc phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Văn Ninh đã đăng đàn nói rõ hơn các cơ chế, chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực này.
Ông Vũ Viết Ngoạn- Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia: Cần “sưởi ấm” nền kinh tế bằng cách tăng cầu Theo tôi, chúng ta có thể tăng chi bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Trái phiếu Chính phủ hiện nay vẫn chưa tính vào dự toán cân đối ngân sách để tính phụ chi ngân sách nhưng tổng nợ công của chúng ta vẫn phải tính. Tất nhiên, chúng ta phải tính toán cả mục tiêu trước mắt và lâu dài, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để đảm bảo hài hoà. Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần “sưởi ấm” nền kinh tế bằng cách tăng cầu để kích thích tăng trưởng. Và mục tiêu của chúng ta là hướng tới tăng trưởng 5% GDP nhưng tất nhiên ở mức độ tăng đầu tư công thế nào để hợp lý, không ảnh hưởng tới mức nợ công của chúng ta quá cao, ảnh hưởng lâu dài. Cái thứ hai tôi cũng đồng tình với khía cạnh song song với việc tăng đầu tư công thì phải cải thiện hiệu quả đầu tư, đây là một vấn đề mang tính chất cơ cấu của nền kinh tế. Việc chúng ta cải thiện năng suất và hiệu quả của chúng ta phải cần có thời gian, thực tế chúng ta cũng đang tiến hành chương trình về tái cơ cấu. Chúng ta thêm vài chục nghìn tỉ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thì rất là cần và hợp lý. Tuy nhiên, cái quan trọng là chúng ta đầu tư vào đâu, tôi cho rằng cần lựa chọn những dự án có chỉ số an toàn cao. |
Thu Hằng