Trước những ý kiến khác nhau về việc một số địa phương tuyển giáo viên người Philippines về dạy tiếng Anh cho học sinh, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Trưởng bộ phận thường trực đề án Ngoại ngữ Quốc gia giai đoạn 2008-2020 chính thức lên tiếng lý giải cặn kẽ những băn khoăn của “những người trong cuộc” và dư luận xung quanh vấn đề này.
TS Nguyễn Ngọc Hùng |
Tiến sỹ Hùng cho biết:
“Mọi người băn khoăn giáo viên Philipines chất lượng như thế nào. Tôi có thể khẳng định Philipines họ dùng tiếng Anh như là tiếng mẹ đẻ của họ, tiếng Anh của họ rất tốt. Người Philipines phát âm tiếng Anh không nặng như người Singapore hay Malaysia, Ấn Độ. Đại bộ phận giáo viên tiếng Anh Philipines được đào tạo về cơ bản mà nói tiếng Anh của họ như là tiếng Anh của CNN, tiếng Anh chuẩn của Hoa Kỳ. Philipines là trung tâm lớn nhất của thế giới cung cấp dịch vụ call center. Khi đặt vé máy bay của Hoa Kỳ, số máy gọi Hoa Kỳ nhưng nối với nhân viên Philippines và họ nói đúng như người Mỹ, không có phát âm pha trộn. Hiện nay Philipines là nơi cung cấp dịch vụ này lớn nhất thế giới. Chất lượng dịch vụ của họ đã được các nước có những tiêu chuẩn khắt khe nhất như Mỹ, Nhật Bản thừa nhận. Chất lượng đào tạo của Philipines rất cao và người Philipines có văn hóa chất lượng dịch vụ, họ đã nhận việc thì tận tụy, cố gắng làm cho bằng hài lòng người sử dụng dịch vụ mới thôi.
Từ thực tế này, tôi cho rằng việc chúng ta chọn phương án thuê giáo viên Philipines hoàn toàn là phù hợp, không cần phải lăn tăn điều gì cả. Mà không chỉ có Việt Nam ta chọn Philipines, các nước đang ồ ạt đổ người vào Philipnes để học tiếng Anh. Hàn Quốc còn đẩy mạnh khai thác việc học tiếng Anh với giáo viên Philipines . Mỗi năm Hàn Quốc gửi vào Philipines hơn 20 ngàn người kể cả học sinh, giáo viên hay cán bộ công chức, doanh nghiệp để học tiếng Anh. Philipines có hơn 100 trường dạy ngoại ngữ mà người Hàn Quốc đầu tư, xây dựng để phục vụ nhu cầu cho người Hàn Quốc sang học tại Philipines. Ngoài ra Philipin còn cung cấp dịch vụ Teacher online cho Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Về chất lượng giáo viên Philippines thì không còn phải thắc mắc gì nữa, nếu những ai hiểu về chất lượng giáo dục của Philipines”
Đúng như TS phân tích, chất lượng giáo viên tiếng Anh Philipines không phải vấn đề chúng ta e ngại, vấn đề là với mức lương 2000 USD/ tháng liệu ta có thể có những phương án cao hơn như sử dụng giáo viên Anh, Úc, Mỹ, ông nghĩ sao về điều này?
Tôi có nghe một số ý kiến cho rằng 2000 USD/ tháng là quá cao, là lãng phí nhưng chúng ta nên nhìn nhận lại như thế này, chúng ta trả mức lương đó cho một giáo viên Philipines có trình độ và bằng cấp dạy tiếng Anh chứ không phải người nước ngoài ( nói được tiếng Anh) bất kì. Giáo viên này dạy 48 giờ/ tuần, mức lương bao gồm cả chi phí ăn, ở, giấy phép lao động, tiền thưởng, nghỉ lễ tết, trang thiết bị cho giáo viên và nhiều chế độ khác như giáo viên trong nước. Tôi đảm bảo nếu thuê giáo viên dạy 48 giờ/ tuần mà mức lương 2000 USD đã gồm tất cả mọi thứ như trên thì không thể thuê được giáo viên chuyên nghiệp, có bằng cấp là người Anh hoặc người Mỹ.
Vậy còn giáo viên trong nước thì sao, thưa tiến sỹ, chúng ta trả lương cao cho giáo viên nước ngoài như vậy có phải quá “sính ngoại” không?
Giáo viên Việt Nam chỉ dạy có 20 giờ/ tuần và cường độ 48 giờ/ tuần giáo viên Việt Nam không đảm đương nổi. Giáo viên ngoại ngữ nước ta trên 90% vẫn chưa đạt chuẩn. Chúng ta không “sính ngoại”, không tạo điều kiện cho những anh “Tây ba lô” thất nghiệp ở nước họ sang tìm việc làm thu nhập cao ở nước ta mà cần đổi mới chất lượng giáo dục. Qua đó, con em chúng ta được hưởng lợi.
Thực hiện đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đã được Thủ tướng phê duyệt, ngành giáo dục TP.HCM, và một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã lên phương án tuyển giáo viên (GV) người Philippines về dạy tiếng Anh cho học sinh. Đi đầu là TOP Hồ Chí Minh, theo đó thành phố đã thống nhất chủ trương tuyển 100 GV Philippines tạo môi trường ngôn ngữ, nâng cao năng lực nghe và nói tiếng Anh cho GV và học sinh. Sở đã tiến hành khảo sát và GV người Úc yêu cầu mức thù lao 5.000 USD/tháng, GV người Anh thì 10.000 USD/tháng trong khi đó GV Philippines chỉ có 2.000 USD/tháng. |
Tôi đã tiếp xúc với lãnh đạo sở, ngành nhiều tỉnh tốc độ công nghiệp hóa phát triển nhanh và mạnh như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh thì thấy chủ trương của các tỉnh này là mở rộng, thu hút đầu tư nước ngoài và vì vậy cần nhanh chóng có nguồn lực có trình độ ngoại ngữ. Nhưng chất lượng, trình độ giáo viên ngoại ngữ trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu này nên nhiều địa phương chưa tìm được lối thoát.
Tôi đánh giá cao quyết tâm của TP Hồ Chí Minh trong việc thuê giáo viên nước ngoài về dạy ngoại ngữ. Thành phố đã thống nhất chủ trương và quyết tâm đạt chuẩn cao hơn cả chuẩn của Bộ GD-ĐT mà việc thuê giáo viên Philipines cũng là một giải pháp sáng tạo.
Cũng xin nói thêm như thế này, không phải bỗng nhiên mà giải pháp tuyển giáo viên nước ngoài vào dạy tại Việt Nam để nâng cao chất lượng được đưa vào quyết định của Thủ tướng để tạo điều kiện và khuyến khích các cơ sở thực hiện.
Chúng ta đã đổi mới chương trình dạy tiếng Anh 3 lần rồi, thay sách giáo khoa hay đổi mới chương trình rồi nhưng kết quả hiện nay vẫn rất kém. Nếu chúng ta nhìn vào việc tổ chức dạy ngoại ngữ hiện nay thì thấy hầu hết các cháu đi thi các chương trình quốc tế đều các cháu học ở các trung tâm ngoại ngữ do người nước ngoài họ tổ chức dạy . Vậy làm thế nào để cho những em học sinh trong điều kiện bình thường không phải nộp học phí rất cao như ở Apollo hay Hội đồng Anh cũng có điều kiện tiếp cận được nguồn lực này. Giải pháp tuyển dụng giáo viên từ những vùng mà chi phí thấp nhất và giải pháp mà chúng ta tính đến. Chúng ta không thể nói giáo viên Việt Nam làm thay tất cả những việc giáo viên nước ngoài được, có những việc giáo viên Việt Nam không làm được. Còn khi chúng ta có giáo viên bản ngữ về thì điều đầu tiên con em chúng ta có môi trường sử dụng ngôn ngữ mình học, mạnh dạn tiếp xúc với ngường nước ngoài.
Còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn nhưng đây là khảo nghiệm đầu tiên và rủi ro nhiều nhất chính là công ty tư vấn, giới thiệu và đưa giáo viên về dạy tại Việt Nam.
Cần một cái nhìn đúng đắn về việc thuê giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh cho học sinh Việt Nam- ảnh minh họa, nguồn Internet |
Việc tuyển giáo viên phải thông qua công ty tư vấn đang có nhiều thắc mắc, thậm chí là lo ngại vậy vì sao tiến sỹ lại cho rằng rủi ro nhiều nhất (nếu có) lại rơi vào công ty này?
Philipines là nơi cung cấp lao động quốc tế có uy tín nhất hiện nay và họ không gửi lao động đi nếu không có những hợp đồng với các công ty tư vấn có năng lực tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý lao động. Thủ tục thuê giáo viên Philipines không thể làm đơn lẻ, tùy trường hay tùy địa phương có thể làm được vì vậy mới có công ty tư vấn có uy tín và năng lực đứng ra đảm đương việc này như một cầu nối mang tính chất điều phối viên.
Thứ trưởng Bộ GD-ÐT Nguyễn Vinh Hiển: Trong khi chưa đủ năng lực để tuyển chọn giáo viên tiếng Anh người nước ngoài thì việc phải nhờ vào một tổ chức có đủ uy tín là điều cần thiết. Việc này, một số trường đại học, kể cả trường chuyên đào tạo ngoại ngữ, đã làm. Vấn đề là phải “chọn mặt gửi vàng” và cần có quy định rõ ràng về xử lý trách nhiệm của mỗi bên! Tôi không có ý kiến về việc không trả lương trực tiếp cho giáo viên người nước ngoài vì không rõ có những điều khoản gì ràng buộc các bên tham gia vào việc thuê mướn giáo viên. Dù trả lương bao nhiêu thì vẫn phải thực hiện việc kiểm soát chất lượng dạy học và giáo dục, việc này nên được thể hiện ngay trong hợp đồng. |
Thực tế công ty tư vấn phải chủ động, năng động và sáng tạo rất lớn để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực này. Như tôi đã nói ở trên, mức lương 2000 USD/ tháng/ giáo viên bao gồm toàn bộ các chi phí và phía công ty tư vấn nói trên phải chi trả thay cho giáo viên các khoản từ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thủ tục cấp phép lao động của hai bên, vé máy bay đi lại, thậm chí cả chi phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên.
Trong khi đó, các trường thuê giáo viên Philipines không thuê cả năm mà có thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, nghỉ tế. Hợp đồng ký với giáo viên Philipines là theo năm, vậy những tháng nhà trường nghỉ thì ai trả lương cho giáo viên. Do vậy, nếu như không có công ty tư vấn, quản lý thì không thể thuê giáo viên Philipines nhưng nếu công ty tư vấn, giới thiệu không có kế hoạch sử dụng tốt thì chỉ trả tiền những tháng hè nhà trường không sử dụng giáo viên đó đã lỗ vốn rồi.
Được biết số giáo viên Philipines được tuyển chọn vẫn còn đang làm thủ tục, chưa sang dạy ở Việt Nam nhưng dư luận đã rất nóng với nhiều ý kiến khác nhau, theo tiến sỹ thì “khen” hay “chê” ở thời điểm này có là quá sớm?
Về mặt tuyển dụng tôi cũng là người từng trực tiếp sang phỏng vấn các giáo viên Philipines tôi thấy quy trình tuyển dụng như vậy quá chặt chẽ và chất lượng. Công ty tư vấn, giới thiệu đã chọn 500 giáo viên thi tuyển chỉ lấy có chưa tới 30 người. Đây là sự cố gắng rất lớn. Các Sở giáo dục địa phương cũng rất có tinh thần trách nhiệm. Họ cử cán bộ sang tận nơi để họ tuyển giáo viên và họ hài lòng đội ngũ giáo viên được tuyển.
Khen thời điểm này đã hơi sớm , chê thời điểm này còn sớm hơn nhiều vì hãy nhìn vào kinh nghiệm cả thế giới đang đổ xô vào Philipines học tiếng Anh và sử dụng các dịch vụ của người Philipines bằng tiếng Anh. Số lượng giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn của chúng ta còn quá thiếu, nhiều hạn chế, nếu chúng ta bảo thủ, giữ việc làm trong nước thì sẽ làm cản trở bước tiến của đất nước, mất đi những cơ hội tốt cho cả một thế hệ. Tôi nghĩ cần phải nhìn xa hơn trong vấn đề này.
Xin cảm ơn tiến sỹ!
Anh Phương ( Thực hiện)
Được biết 29 giáo viên Philippines được phía Việt Nam tuyển chọn đang xúc tiến các thủ tục pháp lý để sớm vào làm việc tại Việt Nam vào đầu tháng 1.2013. Công ty tư vấn, giới thiệu số giáo viên này cho hay, ngoài việc tập trung dạy ngoại ngữ cho học sinh các trường, số giáo viên này sẽ tham gia đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng cho chính các giáo viên dạy ngoại ngữ của Việt Nam trong các dịp hè. Với cách làm hiệu quả này, Việt Nam sẽ tận dụng được nguồn lực tốt cho đề án tăng cương chất lượng dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020. |