Hiện nhiều học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện trên đường đông các phương tiện giao thông khác nhưng không đội mũ bảo hiểm, đi xe sai làn, qua đường không bật xi-nhan, vượt đèn đỏ, không giảm tốc độ khi gặp các ngã rẽ, phóng nhanh, vượt ẩu, tạt đầu các xe khác… tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Tình trạng này thường thấy ở gần các trường THCS, THPT trước và sau giờ học.
Nhiều học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện vi phạm giao thông. (Ảnh minh hoạ) |
Đáng nói, xe đạp điện và xe máy điện hiện đều là các loại phương tiện không yêu cầu bằng lái nên điều này cũng đồng nghĩa có nhiều học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe nhưng vẫn được lưu thông trên đường.
Không ít trường hợp học sinh vi phạm nhưng lại không hiểu rằng bản thân đang vi phạm pháp luật, với những lỗi phổ biến như không mang giấy tờ xe, không đội mũ bảo hiểm, không có gương chiếu hậu,…
Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự lo lắng về những nguy cơ mất an toàn khi để con điều khiển xe đạp điện, xe máy điện trên đường phố, đặc biệt vào những giờ cao điểm.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, tính riêng trong năm 2021, số vụ tai nạn giao thông cả nước được ghi nhận là hơn 11 nghìn vụ, trong đó, có 10,3% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dưới 18 tuổi, trong đó đa số là TNGT liên quan đến học sinh ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18.
Một số liệu thống kê khác cũng cho thấy hiện nay có hơn 50% học sinh THPT tham gia giao thông bằng xe đạp điện hoặc xe máy điện. Số lượng học sinh bậc THCS điều khiển xe đạp điện cũng tương đối cao. Đây là những con số đáng lo ngại về vấn đề an toàn giao thông của trẻ em.
Năm học 2022 - 2023 xác định một trong những mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông học sinh, sinh viên, góp phần giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ.
Vấn đề an toàn giao thông của trẻ em luôn được các gia đình, nhà trường và cả xã hội quan tâm. Trong các giải pháp nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, công tác tuyên truyền giáo dục vẫn được đánh giá là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất.
Biểu hiện rõ thấy là giáo dục an toàn giao thông được kết hợp giáo dục chính khóa với các hoạt động ngoại khóa trong các trường học. Nhiều trường còn lồng ghép giáo dục an toàn giao thông với các cuộc vận động, các phong trào thi đua để tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.
Theo đó, mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, sinh viên cần là một tuyên truyền viên tới gia đình, bạn bè và cộng đồng dân cư tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông. Từ đó, xây dựng văn hóa giao thông trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong toàn quốc
Tuy nhiên, tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học đường vẫn tăng cả 3 tiêu chí, về cả số vụ và số thương vong. Điều đó cho thấy, bên cạnh việc trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng thì việc kiểm tra, giám sát các em tuân thủ pháp luật, tự đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân và những người điều khiển phương tiện giao thông khác khi lưu thông trên đường cũng là vấn đề rất quan trọng.