“Tự nhiên” như… rác
Lâu nay, thói quen xả rác thải sinh hoạt bừa bãi, đổ chất thải, nước thải từ hoạt động sản xuất, chăn nuôi ra môi trường ở các khu vực nông thôn đã quá đỗi bình thường với người dân. Ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước, không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát cạnh con đường liên thôn, liên xã.
Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn được người dân thiếu ý thức đóng thành bao ném xuống sông, trên các kênh, rạch, sông suối… Các loại rác này đang được thải ra môi trường nông thôn mỗi ngày mà phần lớn là chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường.
Đơn cử, tại Bắc Ninh, số liệu thống kê cho thấy mỗi ngày ở vùng nông thôn thải ra gần 400 tấn rác sinh hoạt. Tuy nhiên, chỉ có khoảng hơn 20% số rác thải này được thu gom, tập kết vào nơi quy định để xử lý.
Còn tại Tuyên Quang, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, khối lượng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn phát sinh trên địa bàn mỗi ngày khoảng 202 tấn. Tại Nghệ An, vùng nông thôn hàng ngày phát sinh ra môi trường gần 900 tấn rác thải.
Các bãi rác tự phát ở nông thôn. |
Hầu hết các chất thải này vẫn ở tình trạng lẫn lộn, bao gồm chất thải có khả năng phân hủy và khó phân hủy (nilon, thủy tinh, cành cây, xác động vật…). Ở các làng nghề, các khu dân cư, người dân tự do thải ra đường, cống rãnh, bờ đê, sông lạch, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.
Những số liệu to lớn này đều bắt nguồn từ thói quen xả rác vô ý thức của mỗi người dân từng giờ, từng ngày. Bên cạnh thói xả rác, nhiều thói quen vô ý thức cũng dễ để lại nhiều hậu quả khôn lường. Đó là tình trạng người có trâu, bò thả rông gây ra tai nạn giao thông, gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của người khác.
Những vụ việc trâu bỏ thả rông gây tai nạn giao thông vốn không mới ở các vùng nông thôn nhưng bao lâu nay vẫn chưa thể xử lý triệt để. Trâu bò bất ngờ băng qua đường khiến người điều khiển phương tiện giao thông phải tránh gấp, nhẹ thì xe cộ hư hại, nặng thì có thể thiệt hại về mạng người.
Trâu bò thả rông đe dọa an toàn giao thông. |
Hy hữu, hiện tượng trâu, bò thả rông gây tai nạn giao thông cũng có thể diễn ra cả ở thành phố. Đáng nói, tất cả chỉ vì vô ý mà “sai một ly, đi một dặm”.
Cơn ác mộng ở chung cư
Nếu ở một ngôi làng có sự dàn trải không gian sống thì chung cư lại bị bó gọn lại trong một phạm vi không gian hẹp, chật chội. Nhưng trong đó bao gồm nhiều tiện ích sống, người dân cũng được cho là có ý thức hơn. Nhiều người dân ưa chuộng sống chung cư vì cho rằng đây sẽ là “không gian sống sạch sẽ và an toàn vì người ở có ý thức người ở cao”.
Tuy nhiên, tình trạng một bộ phận cư dân chung cư sống vô ý thức như ném đồ từ tầng cao xuống, xả rác, khạc nhổ bừa bãi, gây ồn ào… đang dần trở thành một “cơn ác mộng” đối với nhiều người dân khác.
Có vụ việc tại khu đô thị Ðại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội), một cụ ông đang đưa cháu đi dạo dưới sân chung thì bị một ổ khoá từ “trên trời” rơi xuống trúng đầu chảy máu. Rồi một người dân khác ở khu chung cư Mỹ Đình (Hà Nội) cũng báo cáo tương tự khi đang đỗ ô-tô tại chân tòa nhà thì một chiếc búa từ trên cao rơi xuống làm thủng nóc xe.
Nhiều cư dân, quản lý các toà chung cư cũng cho hay, hành vi ném đồ vật từ trên tầng cao xuống khá phổ biến, có khi là vật nhẹ, có khi là vật nặng, có khi là túi rác thải, có khi là cả một xô nước bẩn.
Chưa kể, việc lấn chiếm lối đi chung cũng diễn ra khá phổ biến ở các chung cư tại Hà Nội. Các khu đô thị Nam Trung Yên, khu đô thị Bắc Linh Ðàm, Mỹ Ðình… cho thấy, nhiều hành lang chung cư bị người dân chiếm dụng để làm kho chứa đồ, mở quán tạp hóa, tiệm cắt tóc, xả rác, nuôi chó mèo…
Chủ nuôi vô ý thức để mặc vật nuôi của mình phóng uế bừa bãi ra hành lang, thang máy công cộng. Việc xử lý những trường hợp thiếu ý thức cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa có hệ thống giám sát và cơ chế xử lý rõ ràng.
Dù có hệ thống giám sát, sự vô ý thức còn thể hiện ở nhiều hành vi nhỏ nhặt hơn nữa nhưng gây khó chịu, ảnh hưởng tới rất nhiều người. Đơn cử là văn hoá đi thang máy. Sống ở các khu chung cư cao tầng, việc di chuyển bằng thang máy là việc vô cùng cần thiết và không thể thiếu.
Tuy nhiên, có người đi thang máy là phải ấn cả lên lẫn xuống, cả bên thang hàng lẫn thang chở người, ấn tất cả các tầng trước khi rời thang máy, dẫn đến thang máy chạy lên xuống không cần thiết và gây thời gian chờ lâu...
Còn rất nhiều những hành xử thiếu văn minh khác gây khó chịu cho cộng đồng như: Cho trẻ con ăn trong thang máy, cứ đi lên rồi đi xuống rồi lại đi lên; đàn ông cởi trần vào thang máy; viết vẽ bậy vào thang máy… Thậm chí, nhiều trường hợp say rượu vào thang máy rồi nôn mửa lung tung.
Dự án chung cư, người dân vẫn có thể xả rác bừa bãi. |
Chưa kể đến những thói quen đổ rác “kém duyên” như đi đổ rác đựng không kín nước chảy tong tỏng từ nhà ra đến hầm đổ rác; đem rác ra hầm nhưng không cho xuống mà để luôn tại đó; đổ rác xong không đậy nắp hầm rác, để xe bừa bãi trong hầm hoặc cố để nơi gần cổng nhất dẫn đến lộn xộn... đến những hành vi nguy hiểm đến tính mạng như vứt than; vàng mã chưa đốt hết xuống hầm đổ rác; phóng xe nhanh, ẩu trong khu vực trẻ con đang chơi.
Nhiều người dân không nhận thức được, những hành động “xấu xí” này “tích tiểu thành đại” khiến không gian sống của họ ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Thậm chí nhiều hành vi vô ý thức cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cho cả toà nhà, ví dụ như việc vứt bừa bãi những mẩu thuốc lá hút dở.
Kêu gọi ý thức… để làm gì?
Ðể ngăn chặn những hành vi thiếu ý thức, xây dựng được văn hóa chung cư, tạo môi trường sống an toàn, cùng với sự nỗ lực, nâng cao ý thức người dân, các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương, cần quan tâm tuyên truyền, động viên người dân tổ chức, xây dựng lối sống văn hóa - văn minh.
Ban quản lý một số khu chung cư đã xây dựng khuôn mẫu ứng xử, hướng người dân thực hiện theo khuôn mẫu đó. Các quy định của pháp luật cần có chế tài xử lý những hành vi thiếu văn hóa, làm ảnh hưởng tinh thần và sức khỏe cho người khác, làm ô nhiễm môi trường công cộng.
Trên thực tế, những hành xử vô ý thức dù ở nông thôn hay chung cư đô thị thông thường chỉ được nhắc nhở chung chung, hiếm thấy người vô ý thức bị xử phạt nặng, đủ tính răn đe với cộng đồng. Nếu chỉ dừng ở mức độ kêu gọi như vậy, “cơn ác mộng” mang tên ứng xử vô ý thức không bao giờ được xử lý triệt để, kể cả tại những chung cư đang phát triển theo hướng hiện đại đẳng cấp và văn minh vẫn tồn tại những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Thiết nghĩ, điều kiện vật chất, tinh thần của xã hội ngày càng tăng cao, càng yêu cầu con người phải từ bỏ một số tập quán sống không còn thích hợp, từng bước hình thành và xây dựng một số tập quán sống mới, không những phù hợp với sự phát triển của văn minh, mà còn phù hợp với đòi hỏi của tính văn hóa.
Điều này yêu cầu sự cam kết của cả cộng đồng, từ các cơ quan chức năng, ban quản lý tới từng cư dân. Bên cạnh công tác việc tuyên truyền, động viên dân cư tổ chức, xây dựng lối sống văn hóa văn minh, cũng cần khuyến khích người dân tích cực tố giác các hành vi vô ý thức ảnh hưởng cộng đồng, cùng việc áp dụng các hình thức xử phạt nặng mang tính răn đe một cách kịp thời.
Biết rằng câu chuyện ý thức không phải ngày một ngày hai nhưng chúng ta không thể chờ tới khi xuất hiện hiện tượng tiêu cực mới xử lý, không thể chờ đến khi hậu quả đã quá nghiêm trọng thì mới can thiệp.
“Sai một ly, đi một dặm”, có những kết quả khó thể vãn hồi, có những tổn thất khó thể khắc phục. Đơn cử, sức khoẻ con người, tai nạn giao thông, huỷ hoại tài sản, ô nhiễm môi trường đều không chỉ là những hậu quả chỉ được khắc phục băng việc… kêu gọi ý thức.