Cơ sở Cai nghiện ma túy và trợ giúp xã hội tỉnh Phú Yên là nơi tiếp nhận người cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện và người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Hiện nay, cơ sở quản lý tổng cộng 60 người cai nghiện, trong đó có 48 người cai nghiện bắt buộc và 12 người cai nghiện tự nguyện. Ða phần họ đều trong độ tuổi lao động, do sử dụng ma túy nên tinh thần và sức khỏe bị tàn phá. Khi vào cơ sở, người cai nghiện được cắt cơn, học tập, điều trị, chăm sóc, phục hồi sức khỏe, hành vi...
Anh V.T.V rất hối hận vì đã làm cho người thân phải lo lắng. |
Anh V.T.V (SN 1992, ngụ thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) chia sẻ: “Tôi rất hối hận vì đã làm cho người thân phải lo lắng, xã hội bất an. Vào cơ sở cai nghiện, tôi được điều trị cắt cơn, phục hồi sức khỏe, rèn luyện thể chất và học nghề. Nhờ đó, tôi đã thay đổi rất nhiều, từ sức khỏe, tinh thần đến suy nghĩ. Dự định khi tái hòa nhập tôi sẽ tìm một việc làm phù hợp để làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội”.
Anh N.Q.V (SN 1991, ngụ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết cai nghiện ở Cơ sở Cai nghiện ma túy và trợ giúp xã hội tỉnh Phú Yên từ đầu năm nay. "Thời gian qua, ngoài được các cán bộ giúp đỡ cai nghiện, tôi còn được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, đọc sách… Tôi sẽ cố gắng cai nghiện tốt, luyện tập tăng cường sức khỏe, mau chóng trở về với gia đình”, anh V nói.
Anh N.Q.V quyết tâm cai nghiện tốt để mau chóng trở về với gia đình. |
Theo ông Lê Trung Kiên - Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy và trợ giúp xã hội tỉnh Phú Yên, cùng với thực hiện nghiêm công tác điều trị cai nghiện, tư vấn tâm lý cho người cai nghiện, cơ sở còn tổ chức cho họ lao động trị liệu, phục hồi sức khỏe thường xuyên như: trồng rau xanh các loại, chăn nuôi gà, heo…
Thời gian qua, cơ sở cũng phối hợp nhận hàng đan ghế nhựa, rồi tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho người cai nghiện đan ghế nhựa; từ đó đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người cai nghiện và có nghề để sau khi tái hòa nhập cộng đồng có thể nuôi sống bản thân.
Cơ sở còn tổ chức các buổi sinh hoạt, chương trình văn nghệ, góp phần không nhỏ trong quá trình điều trị. Đây cũng là giải pháp tạo động lực giúp người cai nghiện sớm tái hòa nhập cộng đồng, giảm tự ti, mặc cảm với gia đình, xã hội.
Ngoài ra, cơ sở duy trì phòng đọc sách cho người cai nghiện. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm cải thiện đời sống tinh thần, tạo điều kiện cho người cai nghiện cập nhật kiến thức, có đời sống tinh thần thoải mái, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị…
“Thời gian tới, cơ sở tiếp tục tổ chức tốt công tác tiếp nhận, quản lý giáo dục, khám, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe và tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy; đồng thời đảm bảo công tác tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người nhiễm HIV/AIDS”, ông Kiên cho biết.