Thí sinh các khối B, C, D và các khối thi năng khiếu đã hoàn thành môn thi cuối cùng, khép lại kì thi Đại học (ĐH) 2011. Đúng như dự đoán, đợt 2 kỳ thi Đại học với nhiều môn thi đòi hỏi học thuộc lòng đã ghi nhận “ngàn lẻ một” cách gian lận của thí sinh.
Tràn lan các “chiêu” gian lận
Đúng như dự đoán ban đầu về đợt thi ĐH đợt 2 với nhiều môn thi và khối thi, cùng với đó là nhiều môn học thuộc lòng nên tỷ lệ thí sinh vi phạm sẽ tăng và những lỗi “nhắc đi nhắc lại” vẫn mắc như mang điện thoại di động, mang tài liệu vào phòng thi vẫn tái diễn và thậm chí sử dụng cả công nghệ cao. Tại đợt thi ĐH thứ 2, đã có 203 thí sinh vi phạm Quy chế bị xử lý kỷ luật (khiển trách 36; cảnh cáo 7; đình chỉ 160), trong số thí sinh bị đình chỉ thi có 56 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại di động vào phòng thi. Trong 3 buổi thi của đợt thi đại học thứ II có 02 cán bộ coi thi bị xử lí, trong đó có 01 cảnh cáo, 01 bị đình chỉ.
Trao đổi bài sau buổi thi |
Tại các hội đồng thi, các thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng thi phần lớn đều trong tình trạng tắt máy. Tuy nhiên, cá biệt tại một số nơi như ĐH Luật, trong buổi thi đầu tiên tại điểm thi trường THPT Thăng Long, cán bộ coi thi đã đình chỉ thi một thí sinh ngang nhiên mang điện thoại di động vào phòng thi. Khi cán bộ coi thi phát hiện, điện thoại vẫn đang trong chế độ mở. Tại một số hội đồng thi khác như ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG HN), thí sinh bị đình chỉ bởi những tin nhắn của người yêu như “Măm măm chưa...”.
Còn Viện Đại học Mở thì trong buổi thi môn Văn, một thí sinh ở phòng thi số 685 mang điện thoại vào phòng thi chưa tắt máy. Trường hợp thứ hai là thí sinh ở phòng thi số 675 bị phát hiện đang sử dụng điện thoại có tai nghe sau khoảng gần 1 tiếng làm bài thi. Thí sinh này đã bị đình chỉ thi và bị Thanh tra thi cùng cán bộ PA 83 Công an Hà Nội đưa về trụ sở của PA83 để kiểm tra, xác minh. Thí sinh này thi khối D vào ngành tài chính ngân hàng của trường. Kết quả xác minh cho thấy, thí sinh này đã chụp ảnh đề Văn gửi vào máy điện thoại của em trai ở nhà cầu cứu. Rất may đề chưa bị lộ ra ngoài nên thí sinh chỉ bị đình chỉ, không bị xử lý trước pháp luật.
Một sự gian lận hy hữu khác, sáng 9/7, tại hội đồng thi Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, một thí sinh cho biết vừa bị mất giấy báo thi. Thí sinh này yêu cầu nhà trường cấp lại giấy báo thi mới. Tuy nhiên, sau khi xác minh hồ sơ hội đồng thi, nhà trường phát hiện phiếu số 2 của thí sinh này là giả mạo. Khi đó, thí sinh này bỏ đi ngay.
Còn tại ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG HN), lần đầu tiên có thí sinh sử dụng công nghệ cao trong gian lận thi cử. Một thí sinh nam khi bước vào phòng thi môn Toán vẫn sử dụng loại máy tính theo quy định của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên trong quá trình thi, thí sinh này có nhiều dấu hiệu bất thường. Qua kiểm tra, các giám thị phát hiện phía mặt sau của máy tính có gắn thêm chip điện tử. Lực lượng an ninh đã nhanh chóng vào cuộc và xác định chip được gắn thêm vào máy tính có chức năng ghi thêm công thức Toán học. Ngay lập tức thí sinh này đã bị lập biên bản đình chỉ thi.
Cần nhân văn tới cùng?
Điểm mới của tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay gây nhiều chú ý nhất cho dư luận đó là Bộ GD-ĐT đã giao quyền cho các trường được phép xét tuyển thẳng những thí sinh khuyết tật không đủ năng lực tự phục vụ bản thân vào học nếu phù hợp. Tuy nhiên, sự hướng dẫn không có tiêu chí cụ thể nên dẫn đến tình trạng mỗi trường có cách lựa chọn khác nhau.
Tại một số trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế đều tuyển tẳng thí sinh khiếm thị (4 ở ĐH Bách Khoa và 10 ở ĐH Huế). Cũng là thí sinh khiếm thị nhưng những thí sinh đăng ký dự thi ở trường khác thì được tuyển thẳng, nhưng 3 thí sinh khiếm thị đăng ký ở ĐH Sư phạm Hà Nội phải thi. Ông Hiền cho rằng các thí sinh này phải đạt tới một trình độ nhất định mới có thể theo học. Một thí sinh ở Nghệ An, liệt hai tay vẫn phải dùng chân để hoàn thành các bài thi của mình. Trường hợp thí sinh ở ĐH Y Dược cổ truyền dù khiếm thị nhưng em vẫn miệt mài làm bài thi. Mặc dù, theo các hội đồng thi, để tổ chức thi cho một thí sinh khiếm thị hay khuyết tật là rất tốn kém vì một mình em vẫn phải tổ chức một phòng thi riêng và có tới 4 thầy cô vừa là giám thị vừa đọc rồi chép bài cho thí sinh đó...
Phần đa ý kiến đều cho rằng, hướng dẫn thiếu tính minh bạch cụ thể của Bộ GD&ĐT nên mỗi trường tự áp dụng theo cách của mình. Nếu như hướng dẫn của Bộ cụ thể hơn thì có lẽ sẽ có nhiều thí sinh khuyết tật có thêm cơ hội được vào thẳng ĐH. Thầy Đặng Đình Cung (ĐH Hà Nội) cho rằng, nếu trong quy chế Bộ GD&ĐT quy định rõ ràng: “Các thí sinh khuyết tật không tự phục vụ được bản thân, các trường xem xét tuyển thẳng” thì chắc chắn quyền lợi của các thí sinh này ngang nhau. Nhưng Bộ chỉ quy định các trường xem xét cho vào học nên có trường sẽ cho vào thằng, còn có trường sẽ yêu cầu thi. Do vậy, thầy Cung cho rằng, đây là một quy định rất nhân văn, nhưng cần phải nhân văn tới cùng.
Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH Ngô Kim Khôi: “Bài thi có dấu hiệu gian lận sẽ bị xử lý!” “Trong khi chấm thi, những bài thi có dấu hiệu vi phạm quy chế sẽ bị phát hiện và xử lý, ngay cả khi không có biên bản của ban coi thi. Ví dụ bài thi hoặc một phần của bài thi sẽ bị cho điểm 0 nếu TS chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định; nộp hai bài cho một môn thi hoặc bài thi viết bằng các loại chữ, loại mực khác nhau. Những bài thi bị nghi vấn có dấu hiệu đánh dấu sẽ được tổ chức chấm tập thể và khi trưởng môn chấm kết luận là lỗi cố ý của TS thì bài thi sẽ bị trừ 50% số điểm. Tất cả những bài thi có nghi vấn đánh dấu (ví dụ viết bằng hai thứ mực hoặc có nếp gấp khác) đều được tổ chức chấm tập thể. Nếu trưởng môn và hai cán bộ chấm thi xem xét kết luận có bằng chứng tiêu cực thì mới trừ điểm theo quy định. Nếu trường hợp bài thi của TS bị nhàu nát vì lý do khách quan (như bị thí sinh khác giằng xé làm nhàu nát hoặc do qua trình vận chuyển, giao nhận bài thi,…) thì căn cứ biên bản coi thi, biên bàn bàn giao bài thi, các bộ môn tổ chức chấm bình thường và công nhận kết quả thi”. |
Uyên Na