Câu hỏi đó đã thúc đẩy tổ chức Saigon Children’s Charity (saigonchildren) và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) thực hiện một cuộc khảo sát thu thập dữ liệu từ gần 7.000 cá nhân với những người tham gia khảo sát là trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung, sinh sống tại các địa phương như TP HCM, Hà Nội, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Hòa Bình, Thái Bình, Sơn La…
Kết quả khảo sát đáng chú ý
Kết quả khảo sát từ học sinh, sinh viên do hai tổ chức trên công bố cuối tháng 4/2023 cho thấy hầu hết học sinh, sinh viên đều quen thuộc với các chuẩn mực xã hội và định kiến giới, khoảng 90% (91% nữ, 88% nam) cho biết đã nghe những nhận định mang định kiến giới.
Theo khảo sát của Saigon Children’s Charity (saigonchildren) và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD), mạng xã hội là nguồn chính mà học sinh nữ thường nhìn thấy những nhận định liên quan đến khuôn mẫu, chuẩn mực giới (62%) trong khi phụ huynh xếp thứ hai (với 59% học sinh nữ đồng ý). Ngược lại, đối với nam giới, mạng xã hội là nguồn phổ biến thứ hai (50%) trong khi cha mẹ đứng đầu (với 65% nam sinh viên đồng ý).
64% (73% nữ, 51% nam) học sinh tham gia khảo sát từng nghe nói đến nhận định “phụ nữ phải dịu dàng, nhu mì” thì 53% đồng ý với nhận định này, đặc biệt có tới 65% nam sinh đồng ý rằng “phụ nữ phải dịu dàng, nhu mì”. Tương tự như vậy, 53% (60% nam, 49% nữ) biết đến quan điểm “đàn ông phải mạnh mẽ”, thì 65% các em đồng ý với quan điểm này, đặc biệt là có tới 74% các bạn nam sinh đồng ý. Một phát hiện cũng khá đáng chú ý là tỉ lệ nam sinh đồng ý với các nhận định mang định kiến giới cao hơn hẳn (từ 10 - 20%) so với nữ giới.
Tỷ lệ học sinh nữ được khảo sát đồng ý với các nhận định về định kiến giới vẫn còn cao. Ba nhận định mang tính định kiến giới mà các nữ sinh đồng ý nhiều nhất là: đàn ông phải mạnh mẽ với 58% nữ sinh đồng tình; phụ nữ phải học cách chăm sóc và nuôi dạy con cái với 55% nữ sinh đồng tình; phụ nữ giỏi về nghệ thuật, giáo dục hoặc chăm sóc với 50% nữ sinh đồng tình…
Một chuẩn mực xã hội khác gắn liền với trẻ em gái và có xu hướng gây áp lực lớn đối với các em là kết hôn sớm. Theo khảo sát, 52% học sinh, sinh viên từng nghe nói đến trường hợp người xung quanh nghỉ học để kết hôn. Tỷ lệ nữ sinh biết đến những trường hợp ấy cao hơn nam, với tỉ lệ lần lượt là 60% và 42%. Học sinh, sinh viên nữ (42%) có nhiều khả năng nghỉ học để kết hôn hơn nam giới (7%).
Ở Việt Nam, việc con gái nghỉ học sau khi kết hôn không phải là hiếm, trong khi con trai có xu hướng tiếp tục việc học ngay cả sau khi kết hôn. Theo một nghiên cứu vào năm 2022, những lý do chính dẫn đến việc sau khi kết hôn, người nữ thường sẽ nghỉ học có thể kể đến những kỳ vọng truyền thống cho rằng phụ nữ nên ưu tiên trách nhiệm gia đình hơn là học hành, cũng như niềm tin rằng nam giới là trụ cột chính trong gia đình. Điều này có thể dẫn đến sự hạn chế trong cơ hội theo đuổi học vấn cao hơn hoặc thăng tiến trong sự nghiệp của phụ nữ...
Ảnh hưởng từ định kiến giới trong sách giáo khoa
Đặc biệt, khảo sát cho thấy, khi khảo sát học sinh về định kiến giới ở trường học, các học sinh nhận ra sách giáo khoa thường gắn các nhân vật nam với những công việc đòi hỏi sức mạnh hoặc kỹ năng, kỹ thuật cao, chẳng hạn như bác sĩ (64% học sinh nhận thấy), cảnh sát (62% học sinh nhận thấy), giáo viên (57% học sinh nhận thấy) và kỹ sư (56% học sinh nhận thấy).
Ngược lại, các nhân vật nữ thường gắn liền với những công việc về giáo dục hoặc chăm sóc như giáo viên (72% học sinh nhận thấy), nội trợ (69% học sinh nhận thấy) hoặc y tá (65% học sinh nhận thấy). Những địa vị được miêu tả dành riêng cho hai giới trong sách giáo khoa được cho là cũng hàm chứa định kiến, với phần lớn các nghề nghiệp do nam giới đảm nhận là những việc có địa vị cao, như bác sĩ và kỹ sư, trong khi các nghề nghiệp được khắc họa dành cho nữ giới, như y tá và giảng dạy, có địa vị thấp hơn hoặc nữ giới chỉ đảm nhận vai trò là phụ tá cho ngành nghề của nam giới.
Theo kết quả khảo sát trên học sinh, 68% nhận thấy các nhân vật nam trong sách giáo khoa thường được mô tả là đang tham gia các hoạt động thể thao. Trong khi đó, 61% học sinh nhận thấy nhân vật nữ được miêu tả là đang làm việc nhà. 65% nữ và 55% nam nhận ra nhân vật là việc nhà trong sách giáo khoa là nữ.
Việc các nhân vật nam trong sách giáo khoa thường được miêu tả là đang chơi thể thao, trong khi nữ làm việc nhà, củng cố định kiến rằng hoạt động thể chất phù hợp hơn với nam giới, trong khi các nhân vật nữ thường được miêu tả là thụ động và bị giới hạn trong các công việc chăm sóc gia đình, điều này có thể khiến cho các học sinh nữ nghĩ rằng phụ nữ không phù hợp với những công việc đòi hỏi thể chất hoặc các hoạt động ngoại khóa.
Mặt khác, 9 trong số 9 giáo viên đã thực hiện phỏng vấn sâu trong quá trình thu thập dữ liệu định tính cho biết học sinh nam thường được đánh giá là xuất sắc ở các môn “tư duy” và “tính toán”, ví dụ như khoa học tự nhiên, trong khi học sinh nữ được kỳ vọng giỏi ở các môn đòi hỏi sự “siêng năng” và khả năng “ghi nhớ”, như khoa học xã hội. Giáo viên thường cho rằng nam sinh học giỏi là do tư duy tốt và việc nữ sinh học giỏi là do chăm chỉ hoặc may mắn, điều này góp phần củng cố định kiến rằng nam sinh thông minh và tài năng hơn nữ sinh, có thể khiến các học sinh nữ cảm thấy chán nản và kém tự tin hơn trong các môn học này và góp phần vào việc nữ sinh thường ít tham gia học tập và làm việc trong các lĩnh vực STEM (là thuật ngữ dùng để chỉ các ngành học về Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học).
Một nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam từng cho thấy học sinh nữ trung học có xu hướng tự ti về mặt học thuật và ít quan tâm đến các lĩnh vực STEM hơn học sinh nam. Mặc dù có tỷ lệ nữ giới tham gia giáo dục cao hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam vẫn phải đối mặt với sự chênh lệch giới về kết quả giáo dục và cơ hội nghề nghiệp.
Khảo sát nằm trong chiến dịch chung giữa Saigon Children’s Charity và MSD mang tên PowHERful hướng đến đưa ra những thực trạng về thách thức mà trẻ em gái gặp phải, đặc biệt là trong giáo dục, đồng thời trao quyền cho các em để phá bỏ rào cản và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Ngày 27/5 tới đây, Diễn đàn Nữ sinh Việt Nam nằm trong khuôn khổ chiến dịch PowHERful sẽ diễn ra đồng thời tại TP HCM và Hà Nội. Diễn đàn quy tụ 1.000 nữ sinh trung học từ TP HCM và các tỉnh lân cận. “Chúng ta đều tin vào sự bình đẳng, nhưng bình đẳng đích thực cần sự cố gắng và đó chính là ý nghĩa của chiến dịch PowHERful - một nỗ lực dài hạn để trao cho trẻ em gái những gì các em đang cần để trở thành những người phụ nữ thành công trong tương lai” - ông Damien Roberts, Giám đốc Điều hành của Saigon Children’s Charity cho biết.