Chiều 13/5, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Người phát ngôn của Bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 4/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới; đồng thời, trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT đang được báo chí và dư luận quan tâm.
Trong đó, về tình hình thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết triệt để vấn nạn SIM rác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông (DNVT) di động, thời gian qua các DN đã rà soát, bảo đảm tất cả các SIM đang tồn trên các kênh (các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của các DN) đều tuân thủ theo đúng quy định (không có thông tin thuê bao), muốn phát triển mới phải đăng ký đầy đủ thông tin. Đồng thời, các DN đã rà soát, làm rõ (chuẩn hóa lại thông tin, cam kết đang sử dụng đúng mục đích) khoảng 5,75 triệu thuê bao thuộc tập 4-9 SIM/1 giấy tờ.
Ông Nhã nhấn mạnh, Bộ TT&TT đã nêu rõ quan điểm: “Từ ngày 15/4/2024, các DNVT di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện các vi phạm. Thanh tra Bộ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm (có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển mới), đồng thời Bộ TT&TT sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các DN và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có hình thức kỷ luật”. Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị (Thanh tra Bộ, Cục Viễn thông) tổ chức khảo sát, kiểm tra, xác minh đến thời điểm hiện tại kết quả xác minh sơ bộ cho thấy các trường hợp này đều có đầy đủ thông tin thuê bao, các đơn vị đang tiếp tục tổ chức khảo sát thực tế, yêu cầu các DNVT làm rõ một số nội dung.
Cục Viễn thông cũng đã có các công văn chỉ đạo các DNVT thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ các số điện thoại cố định. Các DNVT đang tích cực phối hợp triển khai. Các cuộc gọi rác (tele sell, tele marketing), cuộc gọi lừa đảo (spam calls, fisshing call) là vấn nạn chung của các nước trên thế giới. Cơ quan quản lý nhà nước tìm cách ngăn chặn (các biện pháp kỹ thuật, thuật toán để hạn chế) thì đối tượng cũng tìm cách để tránh khỏi các biện pháp kiểm soát này và tiếp tục thực hiện phát tán cuộc gọi. Vì vậy, đây là cuộc chiến lâu dài giữa cơ quan chức năng và các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông để hưởng lợi, phạm tội, chỉ có thể thấy được các kết quả bước đầu chứ không thể có kết quả triệt để, chấm dứt hẳn vấn nạn này.
Cũng tại cuộc họp, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia (Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT) Phạm Thái Sơn cho biết, trong quý I/2024, Trung tâm đã ghi nhận hơn 150 triệu cảnh báo về các nguy cơ bảo mật, phân tích và phát hiện 13.000 sự kiện liên quan đến mã độc ransomware (tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền) trên các hệ thống thông tin.
Theo những thông tin thu thập, phân tích, Trung tâm nhận định rằng tấn công ransomware, đánh cắp dữ liệu, tấn công APT (tấn công có chủ đích) sẽ là các xu hướng tấn công vào các cơ quan, tổ chức trong thời gian tới. Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT sẽ tăng cường việc rà soát, đánh giá, phát hiện các lỗ hổng bảo mật trên các hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức, các DN, gửi văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện vá lỗi, bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống theo đúng quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, trong bối cảnh tấn công mạng ngày càng phức tạp, đặc biệt là tấn công ransomware, Bộ đã kịp thời ra mắt Cẩm nang phòng, chống, giảm thiểu rủi ro từ tấn công ransomware. Theo ông Sơn, Cẩm nang là tài liệu đưa ra những hướng dẫn cụ thể dựa trên mô hình thực tế của nhiều cơ quan, tổ chức, DN. Cẩm nang đã đưa ra những hướng dẫn tối thiểu nhất để các đơn vị có thể xây dựng các phương án, giải pháp để phòng, chống, giảm thiểu rủi ro từ tấn công ransomware. Nhiều đơn vị cũng đã có những phản hồi để góp ý thêm cho Cẩm nang...