“Năm 2012, hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cần phải đổi mới căn bản theo hướng thực chất, tránh bệnh hình thức, PBPL gắn với những vấn đề kinh tế xã hội của đất nước…”. Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ nhấn mạnh trong phiên họp hôm qua (1/3). Đồng chủ trì phiên họp có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp. |
Nhiều sáng tạo trong công tác tuyên truyền
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá: Hoạt động PBGDPL năm 2011 tiếp tục có nhiều khởi sắc, trong đó ba điểm nhấn quan trọng là đã tham mưu cho Ban Bí thư ra Kết luận 04 về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32- CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ nhân dân; giúp Chính phủ, Quốc hội xây dựng Luật PBGDPL (đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII – PV); Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL được kiện toàn một cách cơ bản, hoạt động nhiều sáng tạo, nhất là ở các địa phương.
Đáng chú ý, theo Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Lãm, công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL được chú trọng ở cả TW và địa phương. Năm 2011, Bộ trưởng Tư pháp ký công nhận hơn 700 báo cáo viên pháp luật TW. Cả nước hiện có 5.395 báo cáo viên cấp tỉnh, hơn 13 ngàn báo cáo viên cấp huyện và hơn 77 ngàn tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Bên cạnh đó, công tác PBGDPL còn có sự tham gia của trên 500 ngàn hòa giải viên.
Trên cơ sở hướng dẫn của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL Chính phủ, các địa phương đã tuyên truyền các nội dung pháp luật bám sát tình hình, nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương. Các hình thức PBGDPL mới, sáng tạo đã phát huy nhiều hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, vùng miền và điều kiện cụ thể của từng đơn vị. Đến nay, cả nước đã có 63 tỉnh, thành phố, 5 Bộ, ngành triển khai thực hiện “Ngày pháp luật”. Thực tế cho thấy đây là mô hình PBGDPL hiệu quả.
Tuy nhiên, nhìn lại hoạt động của Hội đồng năm 2011 cũng cho thấy còn nhiều hạn chế trong đó có sự phối hợp còn lỏng lẻo, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên ở một số Bộ, ngành chưa thực sự hiệu quả, kinh phí cho PBGDPL còn hạn chế…
PBGDPL phải đi trước một bước
Chia sẻ những cái khó trong công tác PBGDPL, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Tấn Viên đặt vấn đề: Triển khai bất cứ văn bản pháp luật nào thì PBGDPL bao giờ cũng phải đi trước một bước; quan trọng như vậy nhưng tại sao một số Bộ, ngành lại chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này? Theo Thứ trưởng Viên, phải tiến tới đổi mới mạnh mẽ cách làm vì mỗi Luật là một đối tượng thụ hưởng khác nhau thì cần có tiếp cận khác nhau.
Bí thư TW Trung ương Đoàn thanh niên CSHCM Dương Văn An cũng trăn trở: “Công tác PBGDPL làm thế nào phải có chiều sâu, lựa chọn được những vấn đề thực sự bức xúc từ đời sống. Nên có sự ưu tiên cho các đối tượng là thanh niên trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, vì họ không có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin pháp luật. Khi bị xâm hại không biết tự bảo vệ mình. Nếu không giải quyết được có thể dẫn tới đình công”.
Còn ông Đặng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) không ngần ngại: “Cần có đánh giá việc tổ chức và thực thi pháp luật, kể cả việc ban hành các văn bản sai trái để đưa ra kiến nghị”.
Năm 2012, có 9 nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra, trong đó có việc củng cố kiện toàn Hội đồng các cấp, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về PBGDPL; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, tổ chức sơ kết mô hình “Ngày pháp luật”… Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi và Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW Trương Minh Tuấn thì cần đưa việc tuyên truyền sửa đổi Hiến pháp, Nghị quyết TW 4 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để có các giải pháp thực hiện cụ thể.
Thừa nhận công tác PBGDPL còn nhiều hạn chế, nhưng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, vấn đề quan trọng là cần chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế đó là gì, đâu là nguyên nhân khách quan, chủ quan để tìm biện pháp khắc phục, “Nếu thuận lợi Dự án Luật PBGDPL được thông qua, Hội đồng phối hợp PBGDPL được ghi nhận trong Luật thì càng không thể làm một cách chiếu lệ, hình thức”. |
Thu Hằng