Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng nhiều lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể ngày 17/5 cắt băng khai mạc Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” và trưng bày chuyên đề “Tuổi trẻ - Mùa xuân đất nước” nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Học tập và làm theo Bác trong mỗi công việc hàng ngày
Đây là năm thứ 10 Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” được tổ chức trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Với hơn 200 tài liệu, bài viết và hiện vật, triển lãm giới thiệu đến công chúng 132 tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến (43 tập thể và 89 cá nhân) đã được lựa chọn từ hàng trăm tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 2021-2022 nhằm tôn vinh những thành tích vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, không ngừng cố gắng, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với gần 300 tư liệu ảnh, tài liệu, hiện vật, trưng bày chuyên đề “Tuổi trẻ - Mùa xuân đất nước” đã khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, sự quan tâm cổ vũ và tình cảm muôn vàn yêu thương của Người dành cho thế hệ trẻ Việt Nam - những người chủ tương lai của nước nhà. Trưng bày đồng thời giới thiệu những tấm gương tiêu biểu sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, những đóng góp nổi bật của thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó truyền cảm hứng, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phát biểu chào mừng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nhấn mạnh: “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Nhằm tôn vinh, lan tỏa những tấm gương cá nhân, tập thể tiêu biểu “người tốt, việc tốt” trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện những nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Bộ VH,TT&DL tổ chức thường niên Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. “Triển lãm được tổ chức trong 10 năm qua là một hoạt động chính trị, văn hóa hết sức có ý nghĩa, không những giúp người xem nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn truyền cảm hứng thông qua những việc làm cụ thể, từ những tấm gương cụ thể. Qua đó, để mỗi chúng ta tìm ra cho mình những phương pháp học tập và làm theo Bác một cách thiết thực, hiệu quả trong mỗi công việc hàng ngày”.
Việc tổ chức và khai mạc đồng thời triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" năm 2022 và "Tuổi trẻ - mùa Xuân đất nước" là hoạt động thiết thực chào mừng 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, góp phần phản ánh sinh động kết quả đạt được của các cấp, các ngành, của đồng bào, chiến sĩ cả nước sau đúng một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 "Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" một cách sáng tạo, hiệu quả; kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thầy hiệu trưởng của những ngôi trường hạnh phúc
Năm 2020, khi dịch COVID-19 vừa bắt đầu hoành hành, thầy giáo Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc đã được Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh trao Giấy khen và “thưởng nóng” vì chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh trong thời gian nghỉ học để phòng chống dịch.
Thầy Mạnh là một trong những hiệu trưởng tiên phong đã “gieo mầm” mô hình trường học hạnh phúc ở Vĩnh Yên, là hiệu trưởng hiếm hoi nỗ lực lập kỷ lục để kêu gọi giúp đỡ học sinh mồ côi qua việc khống chế bóng bằng chân, bằng đầu, bằng vai khi đi bộ liên tục trong 2 giờ với quãng đường dài 8,5km.
Hành trình xây dựng “ngôi trường hạnh phúc” của thầy Mạnh bắt đầu khi thầy được phân công về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Với suy nghĩ, nhà trường cần phải thay đổi, thậm chí phải thay đổi trước chứ không chờ đợi. Từ đó, tôi trăn trở tìm hướng đi riêng cho ngôi trường mình đang công tác.
Để thay đổi, thầy Mạnh cho phát huy điểm mạnh của nhà trường, bắt đầu từ việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi. Sau đó, trên tinh thần tự nguyện, linh hoạt, thầy Mạnh bắt đầu cho lồng ghép các hoạt động như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, những hoạt động về Toán, tiếng Việt, Tiếng Anh cũng được đổi mới theo hướng nâng cao năng lực học sinh, không còn lối thầy đọc trò chép và ghi nhớ nữa. Ở các câu lạc bộ em yêu Toán, câu lạc bộ em yêu tiếng Việt, câu lạc bộ tiếng Anh… học sinh tự tổ chức quản lý các hoạt động học tập của mình. Các em tự phản biện lẫn nhau, giáo viên chỉ là người gợi mở và uốn nắn các em mà thôi.
“Chúng tôi thực hành việc không giao bài tập về nhà trong tuần để tạo thật nhiều cơ hội hạnh phúc cho giáo viên, học sinh, phụ huynh mỗi tối. Chúng tôi không bắt đem cặp sách về nhà trong tuần, thay vào đó các em có thể học mà chơi, chơi mà học như: xem đội tuyển Việt Nam thi đấu và phát biểu cảm nghĩ của mình. Hay đối với lớp 1, học sinh có thể giới thiệu về gia đình cho thầy cô, bạn bè nghe và ngược lại, sau đó ghi lại clip gửi lên nhóm lớp cho các bạn học để tăng năng lực cho các con. Chẳng hạn thay vì các con nhận được một khay cơm nguội lạnh, chúng tôi tổ chức cho các em chia khẩu phần ăn cho nhau, nhằm nâng cao năng lực tự phục vụ và kĩ năng xếp hàng cho các con….”, theo thầy Mạnh.
Thầy Đào Chí Mạnh cùng giáo viên Trường TH Hội Hợp B. Ảnh tư liệu |
Tuy rằng khi làm những việc làm đó thầy Mạnh và đồng nghiệp chỉ đơn giản nghĩ rằng phải nỗ lực làm tất cả những điều cần thiết nhất cho học sinh chứ không hề nghĩ đến khái niệm trường học hạnh phúc.
Sau một thời gian ngắn áp dụng những việc làm rất nhỏ bé ở Trường Tiểu học Kim Ngọc, nhà trường nhận được kết quả thật nhiệm màu. Từ một ngôi trường với 385 học sinh, sau 5 năm, Trường Tiểu học Kim Ngọc có hơn 1.000 học sinh theo học.
Rồi thầy Mạnh được chuyển đến Trường Tiểu học Hội Hợp B với hành trang là bài học kinh nghiệm quý báu từ buổi ban đầu khi bắt đầu ước mơ về trường học hạnh phúc…
Sáng kiến kinh nghiệm “Một số giải pháp xây dựng trường học hạnh phúc” năm 2021 của thầy giáo Đào Chí Mạnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là đề tài sáng kiến cấp tỉnh và chỉ đạo Sở GD-ĐT nghiên cứu, nhân rộng trong toàn ngành.
Người góp phần làm tỏa sáng hình ảnh Hải quân Việt Nam
Là một sỹ quan đang công tác tại tàu 016 - Quang Trung (Lữ đoàn 162, Vùng 4, Quân chủng Hải quân), Thượng úy Nguyễn Tiến Duy (SN 1994, quê xã Hải Châu, Hải Hậu, Nam Định) chia sẻ, khi được phân công công tác trên một trong những chiến hạm hiện đại bậc nhất của Quân chủng Hải quân, anh luôn đặt mục tiêu cố gắng, không ngừng nghỉ mỗi ngày để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước, quân đội giao phó. Anh luôn khắc ghi “mỗi người lính phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn và quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ", trên cương vị là trưởng ngành hàng hải, anh luôn duy trì, tổ chức và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thượng úy Nguyễn Tiến Duy nhận Bằng khen Trưởng ngành Hàng hải xuất sắc nhất tại Army Games 2021. |
Năm 2021, Thượng úy Nguyễn Tiến Duy được điều động thực hiện nhiệm vụ Hội thao Quân sự quốc tế Army Games tại Liên bang Nga. Đây là lần đầu tiên Hải quân nhân dân Việt Nam tham gia thi tại đấu trường mang tầm cỡ quốc tế. Sau một quá trình dày công chuẩn bị về con người, vũ khí trang bị và đấu pháp, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần đoàn kết, hiệp đồng tập thể, với tinh thần thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, kíp thi đấu của anh và đồng đội đã nhận được thành quả xứng đáng - xếp thứ nhì toàn đoàn, giành Huy chương Bạc. Cá nhân anh được Ban Tổ chức trao giải Trưởng ngành Hàng hải xuất sắc.
Ngoài ra, Thượng úy Nguyễn Tiến Duy còn tham gia và hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ đặc biệt khác, trong đó nổi bật là nhiệm vụ huấn luyện hiệp đồng với Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 cất, hạ cánh trực thăng săn ngầm Ka-28 trên biển và ở khu neo; luyện tập chung với hải quân Hoàng gia Australia; huấn luyện đường dài kết hợp tuần tra trinh sát khu vực quần đảo Trường Sa, tuần tra khu vực biển DK1; huấn luyện, diễn tập "CN-21"…
“Tôi luôn giữ trong mình niềm tự hào của bộ đội Hải quân, Bộ đội Cụ Hồ - khát khao được cống hiến với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, với truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã ra quân là thắng lợi. Ở đâu và bất cứ lúc nào, tôi cũng nuôi dưỡng, ấp ủ một khát vọng là được cống hiến, trưởng thành” – anh chia sẻ.
Không riêng gì thầy giáo Đào Chí Mạnh, Thượng úy Nguyễn Tiến Duy, mà mỗi cá nhân, mỗi tập thể được tôn vinh tại “Những tấm gương bình dị mà cao quý” và “Tuổi trẻ - Mùa xuân đất nước”, hay như những cá nhân khác đang lặng thầm cống hiến đều là những thành tố quan trọng góp phần vào việc cổ vũ phong trào “Người tốt, việc tốt” trên khắp mọi miền đất nước, đưa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trở thành công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Theo ông Lại Xuân Môn, hai triển lãm được trưng bày, giới thiệu sẽ góp phần lan tỏa rộng rãi những tấm gương tiêu biểu, qua đó truyền cảm hứng, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của đồng bào, chiến sĩ cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần thực hiện Nghị quyết thứ XIII của Đảng.