“Khát vọng tỏa sáng” gồm 60 bức ảnh của gần 50 tập thể, cá nhân giới thiệu trong 3 chủ đề với các câu chuyện mang đậm chất giới trong sự nghiệp thi đấu thể thao chuyên nghiệp của các nữ vận động viên, trong đó có vận động viên khuyết tật.
Đó là “Trên đỉnh vinh quang” - những bức ảnh kể câu chuyện về những giọt mồ hôi khổ luyện thậm chí cả máu và nước mắt đã rơi trên đường đua và trên sân tập. Để rồi sau đó là giọt nước mắt vỡ òa hạnh phúc, là nụ cười đầy tự hào, vinh quang khi bước lên bục chiến thắng;
là “Sau ánh hào quang” với những câu chuyện mang đậm chất giới. Để có được những tấm huy chương, để bài quốc ca được vang vọng, ngọn quốc kỳ được kéo cao và nền thể thao nước nhà được ghi nhận, các vận động viên, đặc biệt là các vận động viên nữ đã phải hy sinh rất nhiều thứ, thậm chí họ phải quên đi hạnh phúc cá nhân mình;
là “Phút giây bình dị” về hạnh phúc đời thường, những khoảnh khắc giản đơn nhưng đong đầy cảm xúc và niềm hạnh phúc khi những cô gái của chúng ta được trở về gia đình sau những ngày tập luyện, thi đấu căng thẳng. Đó là niềm hân hoan được đón cái Tết đoàn viên sau rất nhiều cái Tết xa gia đình… Những điều tưởng như giản đơn, bình thường đó nhưng đối với các vận động viên lại được trân quý vô cùng.
Kể về quyết tâm giành huy chương vàng, vận động viên đấu kiếm Nguyễn Thị Lệ Dung, Huy chương Vàng tại SEA Games 28, Singapore, năm 2015 cho biết: “Từ năm 2014 chấn thương của tôi trở nên khá nặng, lúc ấy bác sĩ chỉ định tôi phải phẫu thuật, nhưng do Asian Games 2014 đã cận kề nên tôi cố gắng. Qua đến năm 2015 có SEA Games 28 và do đại hội tổ chức sớm nên tôi lại cố cắn răng tiếp tục thi đấu. Vừa chịu đau đớn vừa đấu nhưng tôi vẫn quyết tâm giành huy chương vàng”.
17 Huy chương Vàng ASEAN Para Games của vận động viên điền kinh khuyết tật Nguyễn Thị Thủy luôn đi kèm với “nỗi đau chồng lên cái đau”. “Lúc mới đi chạy, tôi vẫn dùng chiếc chân giả thô sơ sản xuất ở Việt Nam. Khi tập, mỏm cụt bị trầy xước, chảy máu, rỉ nước vàng ra, gây đau đớn lắm. Vậy nhưng sau một đêm ngủ dậy, mình lại tự hỏi, có tiếp tục được không, và chẳng hiểu sao, lại leo lên xe, đạp đến chỗ tập. Cái đau cứ chồng lên cái đau, cuối cùng cũng thành quen, như một phản xạ. Khoảng ba tới năm năm, những vết lở loét dần trở thành vết chai, máu không còn chảy nữa” – chị kể.
Vận động viên điền kinh khuyết tật Nguyễn Thị Thủy |
Mong muốn được đứng trên bục chiến thắng để xướng lên bài Quốc ca Việt Nam với trọn vẹn niềm tự hào, đó là khát khao của bất kỳ vận động viên nào khi thi đấu ở đấu trường quốc tế và khu vực. Trong bảng thành tích chung của thể thao nước nhà phải kể đến những đóng góp to lớn của nữ vận động viên, các chị đang nỗ lực ngày đêm mang vinh quang về cho Tổ quốc. Vì thế, trong buổi gặp mặt, chúc mừng và khen thưởng đội tuyển bóng đá nữ lập thành tích xuất sắc, Hà Nội vào ngày 10/2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gọi những cô gái của đội tuyển là “những cô gái kim cương”.
“Đội tuyển nữ quốc gia giành quyền tới World Cup là chiến công lớn nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.Với sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc đó tôi sẽ gọi là những “cô gái kim cương” và “huấn luyện viên kim cương”của thể thao Việt Nam, thể hiện tài năng, trí tuệ, phẩm chất, ý chí, bản lĩnh của người Việt Nam” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gọi những cô gái của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam là “những cô gái kim cương”, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của các nữ vận động viên Việt Nam. |
Có thể nói, con đường đến với thể thao chuyên nghiệp, đứng trên đỉnh vinh quang với người bình thường đã khó nhưng với những nữ vận động viên đặc biệt là những vận động viên khuyết tật còn khó khăn gấp nhiều lần.
Triển lãm như một lời khẳng định phụ nữ với thể thao không chỉ là những tấm huy chương mà còn góp phần cải thiện thái độ tích cực đối với hình ảnh của người phụ nữ mạnh mẽ, đam mê, khát khao cống hiến và có khả năng làm chủ mọi lĩnh vực. Những cô gái của thể thao Việt Nam đã tạo ra hình ảnh đẹp, là tấm gương lan tỏa trong cộng đồng…