Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2024

Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7, chính thức đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước. (Ảnh: Hồng Thương)
Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7, chính thức đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước. (Ảnh: Hồng Thương)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 10 Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024; trẻ dưới 14 tuổi được cấp tài khoản định danh điện tử riêng; Bộ Tài chính giảm 36 khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2024.

10 Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024

Từ ngày 01/7/2024, có tới 10 Luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành, cụ thể gồm: Luật Căn cước 2023 gồm 7 chương, 46 điều quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật Căn cước 2023 chính thức đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước. Thẻ căn cước sẽ bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng; thay vào đó sẽ có thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú của công dân.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 gồm 15 chương và 210 điều. Điểm nổi bật trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là quy định cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay. Cụ thể, khoản 5 Điều 15 Luật nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Với 7 chương, 80 điều, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã quy định rõ hơn về quyền của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.

Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 chương và 86 điều. Một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật là bảo đảm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, công bằng, hợp lý trong bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý.

Cũng từ ngày 1/7/2024, các Luật sau đây bắt đầu có hiệu lực thi hành gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023; Luật Giá 2023; Luật Giao dịch điện tử 2023; Luật Hợp tác xã 2023; Luật Phòng thủ dân sự 2023; Luật Viễn thông 2023.

Các trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán

Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo Điều 11 Nghị định 52/2024/NĐ-CP, có 4 trường hợp tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán gồm: Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản. Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi: Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi: Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.

Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.

Trẻ dưới 14 tuổi được cấp tài khoản định danh điện tử riêng

Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử, trong đó đáng chú ý là việc trẻ dưới 14 tuổi sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử riêng từ ngày 1/7/2024.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 69/2024/NĐ-CP quy định, đối với công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã được cấp thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước còn hiệu lực được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02.

Công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi đã được cấp thẻ Căn cước được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02 khi có nhu cầu. Công dân Việt Nam dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ Căn cước được cấp tài khoản định danh mức độ 01 khi có nhu cầu.

Như vậy, từ 1/7/2024 trẻ dưới 14 tuổi cũng sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử riêng mà không phải đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ như quy định tại Nghị định 59/2022/NĐ-CP. Và tùy vào độ tuổi mà mức độ của tài khoản định danh điện tử của đối tượng này sẽ khác nhau, cụ thể: Từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02 khi có nhu cầu. Dưới 6 tuổi sẽ được cấp tài khoản định danh mức độ 01 khi có nhu cầu.

Bộ Tài chính giảm 36 khoản phí, lệ phí từ ngày 1/7/2024

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 43/2024/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024, mức thu của 36 khoản phí, lệ phí theo Thông tư 43/2024/TT-BTC sẽ được giảm từ 10% đến 50% so với quy định hiện hành của từng khoản phí, lệ phí.

Cụ thể: Giảm 50% đối với lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng.

Giảm 50% đối với: Lệ phí cấp Căn cước công dân; Lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; Lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố, đăng bạ đại diện sở hữu công nghiệp; Phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp giấy phép xuất bản; Lệ phí cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; Lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh...

Ngoài ra, giảm 50% đối với: Phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy; Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Lệ phí sở hữu công nghiệp; Phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch...

Đọc thêm

Quy định mới nhất về việc tổ chức học thêm, dạy thêm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tư 29/2024 quy định rõ, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Không giải thích rõ ràng cho bên mua về quyền lợi bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Theo quy định tại  Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Chính phủ ban hành, hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng.