Về các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên (Hà Giang) những ngày này, không khó để bắt gặp những vườn cam sành bắt đầu vào vụ thu hoạch. Mới bước vào đầu vụ, nhiều bà con tại các vùng trồng đều tỏ ra phấn khởi khi năm nay cam sành tiếp tục được mùa, vườn cam sai trĩu quả, đạt yêu cầu cả về năng suất và chất lượng. Trên các sàn thương mại điện tử, facebook… khách hàng đặt mua cam ngày càng nhiều, hứa hẹn tiếp tục một vụ mùa thắng lợi của người trồng cam tỉnh Hà Giang.
Có 18 ha cam sành, anh Phạm Quang Huyên, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho biết, trong niên vụ 2021-2022, do được đầu tư chăm sóc và thời tiết thuận lợi, nên năng suất bình quân vườn cam của gia đình anh đạt khoảng 10 tấn/ha, chất lượng quả đẹp, đồng đều. Giá bán cam tại vườn trung bình đạt từ 10.000 đồng/kg (đầu vụ) đến 40.000 đồng/kg (cuối vụ), cao gấp 3 lần so với những năm trước đem lại thu nhập cao cho gia đình.
Theo chị Trần Thị Cúc ở xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, trong vụ mùa vừa qua, vườn cam của gia đình chị phát triển khỏe, tỷ lệ đậu quả cao, trong quá trình sinh chăm bón, cây ít bị chịu sâu bệnh. Với diện tích 3ha cam sành, sau khi trừ hết chi phí, gia đình chị thu lãi gần 400 triệu đồng/năm. Không chỉ gia đình anh Huyên, chị Cúc, trong niên vụ vừa qua, bà con tại các vùng trồng cam của tỉnh Hà Giang đã “trúng lớn” khi giá cam sành bình quân cao đôi, gấp ba so với những năm trước.
Cam sành Hà Giang chín vàng cho quả to, mọng nước, vị ngọt thanh, thơm |
Để nâng cao giá trị thương hiệu của cam sành, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có những quyết sách mạnh mẽ nhằm đưa loại trái ngọt này trở thành sản phẩm kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, địa phương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tạo điều kiện, hướng dẫn bà con nông dân đầu tư thâm canh cây trồng đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật. Để tạo nên sản phẩm cam sành giàu chất dinh dưỡng, cho sản lượng cao, các vùng trồng đã áp dụng triệt để quy trình thâm canh cây cam, tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh hàng năm để làm giàu hệ thống vi sinh vật đất, nhất là các vi sinh vật đối kháng.
Chia sẻ về việc chăm sóc vườn cam của gia đình mình, chị Trần Thị Cúc cho biết, từ nhiều năm qua, gia đình chị luôn tin tưởng sử dụng phân bón của công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Không chỉ riêng gia đình chị Cúc mà đa phần bà con nông dân ở huyện Bắc Quang đều tin tưởng sử dụng phân bón Lâm Thao cho cây cam sành.
Phân bón Lâm Thao không chỉ giúp nông sản đạt năng suất cao, chất lượng vượt trội mà còn góp phần cải tạo đất hiệu quả |
Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới đã khiến giá phân bón thế giới và trong nước đều tăng cao, sản phẩm của Supe Lâm Thao cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo bà con các vùng trồng cam của huyện Bắc Quang, giá phân bón tăng cũng kéo theo chi phí đầu vào trong việc chăm sóc cam sành tăng lên. Thế nhưng không vì vậy mà các nông hộ cắt giảm chi phí đối với phân bón, đặc biệt, các sản phẩm của công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao vẫn là lựa chọn tối ưu nhất trong việc chăm sóc cây trồng.
Đối với các hộ gặp khó khăn, Supe Lâm Thao cũng có chính sách cung ứng phân bón chậm trả để bà con kịp thời sản xuất. Nhờ vậy, hầu hết các hộ trồng cam của huyện Bắc Quang có thể tiếp cận nguồn phân bón chính hãng, đảm bảo chất lượng.
Từ thực tế sản xuất cho thấy, phân bón Lâm Thao rất phù hợp với vùng đất Hà Giang. Nhờ sử dụng phân bón cân đối, hợp lý và phù hợp với thổ nhưỡng, cam sành đã đạt năng suất cao, chất lượng vượt trội, không những giúp nâng cao thu nhập cho bà con nông dân mà còn góp phần cải tạo đất hiệu quả.
Có thể thấy, dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn cho ngành nông nghiệp, nhất là khi mặt hàng phân bón tăng cao, người nông dân vẫn có thể đứng vững khi tạo được giá trị cao cho mặt hàng nông sản. Ở vùng đất với ba phần tư là đá, bà con trồng cam của tỉnh Hà Giang đang tạo nên sự đổi thay lớn nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, sử dụng phân bón đạt chất lượng cao, tạo nên trái cam sành nổi tiếng khắp xa gần.