Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đối thoại, cung cấp thông tin cho nhân dân, những ngày đầu năm 2012, nhiều Bộ trưởng , trưởng Ngành đã lên tiếng sẵn sàng nhận trách nhiệm trong những lĩnh vực mình phụ trách, bày tỏ quyết tâm trước những nhiệm vụ nặng nề của năm 2012, đồng thời mong được nhân dân chia sẻ khó khăn.
* Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng: “Nhân dân ủng hộ, tai nạn giao thông sẽ giảm”
Tuần trước, đối thoại trực tuyến với nhân dân về những lĩnh vực được phụ trách, đặc biệt là “lời hứa” giảm tai nạn giao thông trong năm 2012 từ 5 – 10%, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết: “Đây không phải là lời hứa của Bộ trưởng, mà là nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể, trong năm 2012 phải giảm từ 5-10% tai nạn giao thông, ít hơn cả về số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2011. Đã là Nghị quyết của Quốc hội thì toàn dân phải thực hiện với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ”.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ GTVT cũng khẳng định: “Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và với tư cách là người đứng đầu ngành, tôi phải tổ chức thực hiện bằng được mục tiêu đó. Và với sự ủng hộ của nhân dân, tôi cho rằng chúng ta sẽ thực hiện được”.
* Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: “Chính phủ cũng mong mỏi giảm lãi suất”
Giải đáp thắc mắc của người dân về cách điều hành giảm lãi suất ngân hàng “bằng mệnh lệnh hành chính”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Nhu cầu giảm lãi suất trong hệ thống ngân hàng là nhu cầu thiết thực, chính đáng đối với người sản xuất. Đó cũng là mong mỏi của Chính phủ nói chung, lãnh đạo NHNN nói riêng. Nhưng có hạ được lãi suất hay không còn phụ thuộc rất nhiều điều kiện”.
Các điều kiện mà người đứng đầu ngành Ngân hàng Nhà nước phân tích là lạm phát năm qua mặc dù kiềm chế được nhưng vẫn ở mức rất cao, 18,13%. Với mức lạm phát cao như vậy mà lại đề nghị giảm ngay mức lãi suất thì chưa phù hợp. Trong khi đó, vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay đang là vấn đề hết sức quan trọng và nhức nhối.
“Lạm phát giảm chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ để giảm lãi suất trong hệ thống ngân hàng. Lãnh đạo NHNN cùng hệ thống các ngân hàng thương mại đang tìm nhiều giải pháp để từng bước hạ lãi suất trong hệ thống ngân hàng ở mức độ hợp lý vừa để đáp ứng nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp, của nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo mức thanh khoản và tính ổn định của hệ thống ngân hàng” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết.
* Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Muốn hạn chế quá tải bệnh viện, người dân phải cùng vào cuộc”
Đối thoại với nhân dân về những mặt công tác của ngành Y tế, trong đó có tình trạng quá tải tại các bệnh viện, Bộ trưởng Y tế cho biết, quá tải bệnh viện là vấn đề lớn xảy ra nhiều năm nay, mặc dù ngành Y tế đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng tình trạng quá tải vẫn tăng do nhiều nguyên nhân trong đó có điều kiện kinh tế - xã hội, tập quán như dân số tăng, trong khi số bệnh viện mở ra không nhiều.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Về giải pháp căn cơ, lâu dài thì một mình ngành Y tế khó có thể thực hiện mà cần cả hệ thống chính trị, cả người dân phải vào cuộc. Bộ Y tế đang soạn thảo đề án giảm tải bệnh viện trình Chính phủ trong thời gian tới.
Chúng tôi đã thành lập ban soạn thảo và cơ bản đã hoàn thành, bao gồm một số giải pháp chính: Một là, tăng số giường bệnh, mở thêm bệnh viện. Hai là, củng cố, tăng cường y tế địa phương, cơ sở. Bộ Y tế mong muốn thành lập Vụ y tế địa phương. Tăng cường năng lực, trang thiết bị cơ sở vật chất cho tuyến dưới, trạm y tế xã. Phải có cán bộ chuyên khoa giỏi. Bộ Y tế đã và đang cố gắng hết sức đào tạo các loại hình theo yêu cầu xã hội. Ba là, đổi mới cơ chế tài chính, để thu đủ bù chi.
Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định đổi mới cơ chế tài chính và đã chuẩn bị khi văn bản được ban hành. Khi đó, hy vọng 3 Bộ Y tế, Lao động- Thương binh và Xã hội, Tài chính sẽ có thông tư liên bộ điều chỉnh Thông tư đã ban hành quá lâu về giá dịch vụ y tế. Bốn là, giải pháp kỹ thuật- phân tuyến kỹ thuật. Bộ Y tế sẽ có thông tư phân tuyến kỹ thuật, đổi mới cách phân tuyến, tùy theo năng lực của đơn vị, cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người để phân tuyến chữa bệnh. Bên cạnh đó là quy chế về chuyển bệnh nhân.
Theo nguyên tắc, trong 100 người đến khám bệnh, có 80-90 người mắc bệnh nhẹ, có thể điều trị ngoại trú, có thể điều trị bằng phác đồ thông thường, còn lại 10 – 20 người mắc bệnh nặng mới cần chuyển lên tuyến trên. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng sẽ tăng cường mạng lưới bác sỹ gia đình, tăng cường đào tạo để bổ sung đội ngũ nhân lực ngành Y”.
* Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: “Nếu cháy xe là do xăng dầu, Bộ Công thương nhận trách nhiệm”
Cũng trong buổi đối thoại với nhân dân cuối tuần qua về nhiều lĩnh vực công tác của ngành Công thương, trong đó có chuyện tăng giá điện, lỗ nặng lương cao của ngành Điện lưc và nghi ngại của nhân dân về chất lượng xăng dầu dẫn tới các vụ cháy xe liên tiếp trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cam kết: “Nếu các cơ quan chức năng qua kiểm tra kiểm soát xác định nguyên nhân từ xăng dầu dẫn đến cháy nổ các phương tiện vận tải, chúng tôi xin nhận trách nhiệm”.
Theo trần tình của người đứng đầu ngành Công thương: “Trách nhiệm quản lý chất lượng xăng dầu khi nhập khẩu, theo phân công quản lý Nhà nước, chất lượng xăng dầu được giao cho ngành Khoa học và Công nghệ. Đây là một quy định rất rõ ràng. Trong lĩnh vực xăng dầu, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về nguồn cung ứng, chịu trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu nhập khẩu tối thiểu theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không được để đứt nguồn.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về giá, Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về chất lượng. Nhưng chúng tôi cũng ý thức được rằng, những ranh giới này không rõ ràng, có đan xen. Chúng tôi cùng cộng đồng có trách nhiệm với ngành Khoa học và Công nghệ trong quản lý chất lượng xăng dầu. Để xảy ra tình trạng một số cơ sở kinh doanh không đảm bảo chất lượng xăng dầu, có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương”.
* Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang: “Sẽ "làm chặt" về ô nhiễm môi trường và khai thác khoáng sản”
Khẳng định quyết tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xử lý hiện trạng ô nhiễm ở các làng nghề, khu công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: “Có rất nhiều bất cập về môi trường trong lĩnh vực sản xuất. Đối với làng nghề, vừa rồi Quốc hội đã có giám sát. Phải nói là ở các làng nghề, ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng.
Rồi có những hoạt động khác, nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ô nhiễm cũng rất nặng nề. Quan điểm của Bộ là cấp phép cho các hoạt động công nghiệp phải được gắn với các đánh giá tác động môi trường. Sau đánh giá, doanh nghiệp phải đảm bảo được yêu cầu theo quy định thì mới có thể hoạt động và thực hiện được đầu tư”.
Về tình hình khai thác khoáng sản, trong đó có rất nhiều bất cập đã được dư luận phản ánh, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thông tin: “Chúng tôi hy vọng trong tháng 1 hoặc sang tháng 2 này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một Chỉ thị có nội dung tương đối toàn diện trong cấp phép thăm dò và khai thác, chế biến khoáng sản.
Lấy ví dụ, vấn đề Titan đang khá “nóng”, nhất là tại địa bàn các tỉnh miền Trung, chủ trương của Chính phủ sắp tới sẽ dừng khai thác và xuất khẩu thô. Ngay cả những cơ sở hiện vẫn đang khai thác thì sắp tới sẽ phải dừng và san lấp lại, coi như đó là tài nguyên mà chúng ta dự trữ. Sau này, về lâu dài, chúng ta sẽ thăm dò, khai thác theo quy hoạch và chế biến sâu. Nói tóm lại, trong nhiệm kỳ này, vấn đề quản lý khoáng sản sẽ được làm rất chặt chẽ theo hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Tiếp theo các Bộ trưởng Y tế, Công thương, GTVT, Thống đốc NHNN, ngày 17/1 này, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng sẽ đối thoại trực tuyến với nhân dân về các vấn đề lớn như việc chỉ đạo, điều hành chính sách tài khóa; thu chi ngân sách, vấn đề thuế, quản lý giá cả, thị trường...
Theo Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; triển khai ngay biện pháp khắc phục nguy cơ xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông; kiểm tra, theo dõi chất lượng xăng, dầu...
Quyết tâm của các Bộ trưởng sẽ góp phần cùng Chính phủ “chuyển nhận thức, quyết tâm thành hành động và hành động quyết liệt để vượt qua sức ỳ của quá trình khởi động, đặt tiến trình phát triển của đất nước vào quỹ đạo mới - Quỹ đạo phát triển bền vững" như thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Lan Phương