Vấn đề cư trú đang được coi là khá “nóng” trong đời sống xã hội. Luật Cư trú hiện hành cũng đã thể hiện nhiều sự bất cập. Bởi thế, những quy định theo Dự thảo Luật sử đổi bổ sung một số điều của Luật Cư trú đã được các đại biểu tán thành cao độ. Tuy nhiên, điều nổi bật trong buổi thảo luận tại hội trường QH hôm nay là nhiều đại biểu cho rằng cần phải mở rộng phạm vi sửa đổi của Dự Luật
Hôm nay, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo sửa đổi bổ sung luật Cư trú |
Luật được sửa đổi, bổ sung quá ít
Tuy nhiên, theo đại biểu Touneh Drong Minh Thắm - Lâm Đồng, luật cư trú lần này có quá ít nội dung được sửa đổi, chỉ có 5 điều được sửa đổi trong khi lĩnh vực cư trú và đăng ký cư trú đang có nhiều vấn đề cần được điều chỉnh và có quy định chung thống nhất cả thành phố và khu vực nông thôn.
Theo bà, không chỉ nên chú trọng vào việc hạn chế nhập khẩu đối với đô thị, hiện nay, đang có rất nhiều trường hợp nhập khẩu đăng ký thường trú vào các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước.
Ví dụ, trong học hành, thi cử và những lĩnh vực được ưu tiên, miễn giảm khác đang gây nhiều áp lực phức tạp cho địa phương này. Vì vậy, nên tổ chức tổng kết đánh giá cụ thể để có thể sửa đổi luật một cách tổng thể hơn, để tránh tốn kém, lãng phí tiền của nhà nước mà hiệu quả không cao.
Còn Theo ĐB Ngô Thị Minh - Quảng Ninh - vấn đề cư trú của trẻ em cần được quan tâm hơn. Bà dẫn chứng: Thời gian qua, tình trạng nhiều nhà hàng, khách sạn, quán bar, quán karaoke v.v... và nhiều gia đình đã sử dụng lao động trẻ em và người chưa thành niên bất hợp pháp, thuê các em làm osin mà không khai báo tạm trú, không có hợp đồng lao động, không có giấy ủy quyền của gia đình hoặc người giám hộ để bảo vệ, giáo dục, chăm sóc các em đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi.
Chính vì Luật cư trú hiện hành thiếu các quy định cụ thể để quản lý người tạm trú, người lưu trú là trẻ em và người chưa thành niên, thiếu quy định chi tiết về trách nhiệm của Bộ công an trong quản lý cư trú, nên công tác quản lý đối tượng này chưa đem lại hiệu quả cao ở nhiều địa phương. Kẻ xấu đã lợi dụng điều kiện này để xâm hại, và xâm hại tình dục trẻ em, sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật.
Sau khi đưa ra những con số biết nói về tình trạng trẻ em bị xâm hại, lạm dụng, Đb đề nghị: Bổ sung vào Điều 30 của Luật hiện hành về đăng ký tạm trú một khoản như sau. Khoản 6, trường hợp người đăng ký tạm trú chưa đủ 18 tuổi yêu cầu phải có ý kiến của người giám hộ hoặc có văn bản chứng minh được mối quan hệ gia đình giữa chủ hộ và người đăng ký tạm trú.
Cũng theo bà, tại Khoản 2 của Điều 31 nói về lưu trú và thông báo lưu trú, đề nghị bỏ đoạn từ đủ 14 tuổi trở lên vì bất cứ đối tượng nào đến lưu trú thì các gia đình, các cơ sở chữa bệnh v.v.... đều phải có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với công an xã, phường, thị trấn, chứ không thể chỉ thông báo những đối tượng đủ 14 tuổi trở lên như quy định của luật hiện hành.
Cùng chung quan điểm này, ĐB Lù Thị Lừu - Lào Cai – bày tỏ: Tôi thấy băn khoăn về phạm vi sửa đổi và thấy rằng nội dung sửa đổi chưa bao quát hết các vấn đề bất cập của luật.
“Theo báo cáo tổng kết của Bộ công an cho thấy, ngoài những nội dung đã sửa đổi còn một số vấn đề bất cập khác, gây ảnh hưởng với phạm vi trên cả nước. Qua báo cáo tổng kết chúng ta đã thấy rõ vấn đề này nhưng lại không đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung. Như vậy, sửa đổi lần này đã thực sự giải quyết được tất cả những vấn đề vướng mắc, bất cập của luật hiện hành hay chưa. Với những lý do trên tôi đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình rõ thêm. Đồng thời nghiên cứu bổ sung nội dung sửa đổi để luật bao quát toàn diện hơn.” bà nói.
ĐB Bùi Văn Xuyền - Thái Bình – cũng cho rằng phạm vi sửa đổi của Dự luật chưa đáp ứng được yêu cầu với phạm vi sửa đổi của Luật cư trú hiện hành. Ông đưa ra dẫn chứng, ví như: Ở địa phương hiện nay, khi công dân đăng ký thường trú nhưng đi làm ăn xa lâu ngày cũng không xóa đăng ký thường trú, không chuyển hộ khẩu là khá phổ biến nhưng cơ quan chức năng cũng không biết là họ làm ăn ở đâu, sinh sống ở đâu và nhiều khi gia đình cũng không biết, cho nên khi có các công việc liên quan cần sự có mặt của họ thì không biết tìm ở đâu.
Hay như vấn về sổ hộ khẩu thì việc cấp sổ hộ khẩu, tách nhập sổ hộ khẩu rồi cách ghi nội dung thể hiện trong sổ hộ khẩu, xác định chủ hộ như thế nào để những sai sót không trùng khớp với giấy tờ khác như với hộ tịch, giá trị sử dụng của sổ hộ khẩu, v.v.. những nội dung này thường nảy sinh rất nhiều vướng mắc khi thực hiện các chính sách pháp luật liên quan.
Điều kiện hạn chế nhập cư vẫn chỉ là giải pháp tình thế
Thể hiện sự đồng tình cao độ với dự luật là nâng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm áp dụng đối với công dân đăng ký vào huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn băn khoăn, cho rằng đây cũng là giải pháp tình thế. Trong điều kiện hiện nay, sự quá tải về dân cư tập trung chủ yếu vào nội thành, muốn giãn dân cư nội thành cần phải có quy hoạch chiến lược mang tính lâu dài, các khu công nghiệp, các bệnh viện, các trường đại học phải được di dời ra ngoại thành và có kế hoạch đầu tư thỏa đáng cho vùng nông thôn, tạo việc làm cho vùng nông nghiệp, giảm áp lực cho đô thị, vừa góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. – theo ý kiến của ĐB Nguyễn Minh Kha - TP Cần Thơ.
Để quản lý vấn đề di cư của người dân, đặc biệt nhằm hạn chế sự quá tải của đô thị, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - TP Đà Nẵng- đưa ra một nhóm giải pháp trong đó có việc thiết lập nơi chốn địa điểm, đối tượng hạn chế cư trú, hạn chế đi khỏi nơi cư trú. Đại biểu thành phố Đà Nẵng cũng đưa ra một giải pháp được xem là khá lý tưởng nhưng khó có tính khả thi là vận động tổ chức các mô hình nhà ở xã hội cho những người vô gia cư, không có nơi nương tựa để quản lý họ và đồng thời cũng bảo đảm các quyền lợi, hợp pháp khác của họ.
* Tại phiên làm việc sáng hôm nay, ngoài ý kiến đề nghị mở rộng các điều luật cần sửa đổi, đại biểu Quốc hội cũng nhất trí với việc bổ sung một số hành vi cấm ở trong Điều 8 của dự án luật. Về thẩm quyền quy định diện tích bình quân để có thể được đăng ký thường trú và trong những trường hợp nhà ở hợp pháp cho thuê, mượn, ở nhờ, đa số các ý kiến đều nhất trí với dự thảo nên giao cho Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương quy định để phù hợp với tình hình thực tế của mỗi nơi. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị nên quy định hẳn trong luật giao cho Chính phủ quy định.
Về các trường hợp được đăng ký thường trú vào thành phố, trực thuộc Trung ương quy định tại Khoản 2, Điều 1, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và tại đều đồng ý với dự thảo. Cũng có ý kiến đề nghị nên cân nhắc thêm một số đối tượng cụ thể trong các điểm của điều này cho phù hợp với thực tế. Có ý kiến đề nghị mở rộng thêm một số đối tượng nhưng cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc rà soát để bớt đi một số đối tượng.
Nhật Thanh