Nhật Bản: Lỗ hổng pháp lý trong quy định xử lý “yêu râu xanh”

Một cuộc tuần hành chống xâm hại tình dục ở Nhật Bản
Một cuộc tuần hành chống xâm hại tình dục ở Nhật Bản
(PLVN) - Miyako Shirakawa mới 19 tuổi khi bị một người đàn ông lớn tuổi hơn mình cưỡng hiếp. Shirakawa cho hay lúc vụ tấn công diễn ra, tâm trí trở nên trống rỗng và rơi vào trạng thái "đóng băng" khiến bà không thể phản kháng.

Những phán quyết bị phản đối

Shirakawa, 54 tuổi, hiện là bác sĩ tâm lý điều trị cho các nạn nhân bị xâm hại tình dục, giải thích những biểu hiện của bà lúc đó là "phản ứng hoàn toàn bình thường, theo bản năng, như một hình thức tự vệ về tâm lý". Đến khi bà lấy lại được nhận thức, mọi thứ đã muộn.

Nhưng theo luật Nhật Bản, nếu nạn nhân không chống trả, các công tố viên không thể truy tố thủ phạm tội hiếp dâm. Sau sự việc, Shirakawa không báo cảnh sát, dù bà mang bầu và phải phá thai.

Các nhà lập pháp Nhật Bản năm 2017 sửa đổi luật hình sự về tội hiếp dâm, bổ sung những hình phạt nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, bộ luật vẫn giữ nguyên yêu cầu gây tranh cãi về việc một vụ án chỉ được xác định là hiếp dâm khi liên quan đến bạo lực và hành vi đe dọa hoặc nạn nhân "không có khả năng kháng cự".

Hàng loạt vụ tha bổng gần đây đã khiến dư luận Nhật Bản tiếp tục thể hiện sự phẫn nộ đối với tiêu chuẩn pháp lý này. Shirakawa và những nhà phê bình khác cho rằng nó đặt gánh nặng không công bằng lên các nạn nhân, ngăn họ lên tiếng tố giác hành vi hiếp dâm và nếu đủ dũng cảm để lên tiếng, cơ hội chiến thắng tại tòa của họ cũng bị ảnh hưởng.

Theo những người phản đối, luật Nhật Bản cần phải được xem xét lại để liệt mọi hành động cưỡng ép tình dục vào hành vi tội ác mà không có bất kỳ ngoại lệ nào, giống cách những nước phát triển như Anh, Đức và Canada đang làm.

"Xem xét bạo lực tình dục từ góc nhìn của nạn nhân là một xu hướng toàn cầu. Đã đến lúc thay đổi hệ thống pháp luật và cả xã hội Nhật Bản vốn không thể làm được điều này", Minori Kitahara, nhà hoạt động dẫn đầu những cuộc biểu tình phản đối các phán quyết gây bất bình gần đây liên quan tới tội phạm tình dục ở Nhật, cho hay.

Hồi tháng 3/2019, một tòa án ở tỉnh Gagoya, miền trung Nhật Bản, đã tuyên trắng án cho một người đàn ông bị cáo buộc cưỡng hiếp cô con gái 19 tuổi của ông ta. Theo hồ sơ, tòa án thừa nhận đây là hành vi tình dục không có sự đồng thuận, rằng người cha đã ngược đãi con gái cả về thể xác lẫn tình dục từ khi nạn nhân còn nhỏ và từng sử dụng vũ lực.

Tuy nhiên, các thẩm phán kết luận không có bằng chứng xác đáng cho thấy cô con gái không còn lựa chọn nào khác ngoài chịu đựng. Vụ án đang được kháng cáo. Các nhà hoạt động hàng tháng đều tổ chức tuần hành để phản đối phán quyết từ tòa án.

"Truyền thông đang đưa tin về những bản án và các cuộc biểu tình. Những nạn nhân không thể lên tiếng về sự đau khổ mà chính họ phải chịu đựng sẽ được tiếp thêm sức mạnh khi ngày càng có nhiều người tin rằng phán quyết của tòa là sai lầm", Jun Yamamoto, người đứng đầu nhóm Spring gồm các nạn nhân bị tấn công tình dục, nhấn mạnh.

Bản thân Yamamoto cũng từng là một nạn nhân. Hồi tháng 5, Spring đã gửi kiến nghị lên Bộ Tư pháp và Tòa án Tối cao Nhật Bản yêu cầu thay đổi luật hiện hành.

“Gánh nặng pháp lý” với các nạn nhân

Chỉ 2,8% số nạn nhân bị xâm hại tình dục ở Nhật chịu báo cảnh sát, rất nhiều người giữ kín việc mình bị xâm hại tình dục vì xấu hổ và lo sợ bị đổ lỗi ngược. Một báo cáo hồi năm ngoái do Vụ Bình đẳng giới Nhật Bản thực hiện cho thấy gần 60% nạn nhân nữ bị ép buộc quan hệ tình dục đã quyết định không nói với ai về những gì họ phải trải qua.

"Các bệnh nhân của tôi đều sợ hãi. Rất nhiều người nghĩ kiện tụng là bất khả thi và việc duy nhất họ có thể làm là khóc ướt gối mỗi đêm", Shirakawa nói.

Jun Yamamoto, người đứng đầu nhóm Spring gồm các nạn nhân bị tấn công tình dục
Jun Yamamoto, người đứng đầu nhóm Spring gồm các nạn nhân bị tấn công tình dục

Theo luật sư chuyên xử lý các vụ án về xâm hại tình dục Tomoko Murata, việc thường xuyên phải đối mặt với cảnh sát, công tố viên và tòa án cũng khiến không ít nạn nhân cảm thấy nản chí.

Ngoài gánh nặng pháp lý, theo giới chuyên gia, quan điểm phổ biến lâu nay ở Nhật cho rằng phụ nữ phải có trách nhiệm bảo vệ sự trong trắng của bản thân là một lý do khác khiến các nạn nhân bị xâm hại tình dục ngần ngại lên tiếng. Luật xử lý hành vi hiếp dâm tại Nhật Bản được đưa ra từ trước cả khi phụ nữ có quyền đi bỏ phiếu và mục đích chính chỉ là nhằm bảo vệ danh dự của gia tộc, dòng họ.

"Ở Nhật hiện vẫn tồn tại tư duy “Nói Không nghĩa là Đồng ý”. Quan điểm chỉ được phép quan hệ tình dục khi có sự đồng thuận của người phụ nữ chưa thực sự phổ biến", Murata nói.

Luật sửa đổi năm 2017 đã mở rộng khái niệm về "quan hệ tình dục cưỡng ép", bao gồm thêm cả hành động quan hệ tình dục qua đường hậu môn và đường miệng, gia tăng mức án tù tối thiểu từ 3 năm lên 5 năm và cho phép truy tố ngay cả khi nạn nhân không kiện.

Luật mới cũng bỏ yêu cầu về việc hành vi hiếp dâm của cha mẹ hoặc người giám hộ đối với người dưới 18 tuổi chỉ được coi là tội phạm khi liên quan tới bạo lực, đe dọa hoặc nạn nhân không có khả năng kháng cự.

Tuy nhiên, quy định tương tự đối với nạn nhân là người trưởng thành không được thay đổi, một phần bởi những lo lắng rằng việc làm này sẽ khiến các vụ án oan sai gia tăng. Giới phê bình không đồng tình với quan điểm trên. Theo họ, các rào cản xã hội, tâm lý và pháp lý khi truy tố một vụ án hiếp dâm hiện còn quá cao.

"Bằng chứng về quan hệ tình dục không đồng thuận vẫn cần phải được đưa ra, vì thế tôi không nghĩ số vụ kết án nhầm sẽ gia tăng", Murata nhận xét.

Trước những lời kêu gọi sửa đổi luật, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Takashi Yamashita tháng trước cho biết bộ sẽ đánh giá tình hình hiện nay và cân nhắc hành động. Tuy nhiên, ông không nêu thời hạn đưa ra quyết định. "Chúng ta cần thận trọng xem xét tác động của việc loại bỏ yêu cầu chứng minh yếu tố bạo lực và đe dọa", ông nói.

Khi luật mới được áp dụng vào năm 2017, quốc hội Nhật Bản đã kêu gọi xem xét lại luật sau ba năm và các nhà hoạt động hy vọng sự giận dữ của công chúng sẽ gia tăng áp lực khiến nhà chức trách phải bổ sung những thay đổi cần thiết.

Vài thành viên thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ sự quan tâm tới chủ đề này. Họ lập nên một nhóm với tên gọi "Hội đồng vì một xã hội không có bạo lực tình dục".

"Tôi thấy những phán quyết vừa qua là không thể tin được, không thể chấp nhận được", Chihiro Ito, 29 tuổi, nạn nhân bị tấn công tình dục, thành viên nhóm Spring, cho hay. "Tuy nhiên, suy nghĩ cho rằng những phán quyết đó là sai đang lan truyền nhanh trong xã hội. Thật tốt nếu nó có thể tạo ra một cuộc tranh luận dẫn tới cải cách".

Trong khi đó, ở Hàn Quốc, các chuyên gia cho rằng vẫn chưa có điều luật thỏa đáng để trừng phạt những kẻ rình mò, những kẻ có "ý định rõ ràng" để thực hiện xâm hại tình dục các nạn nhân. Trong số ít các trường hợp được phản ánh, hầu hết kẻ rình mò dễ dàng thoát tội nhờ nộp một khoản tiền nhỏ hoặc bị tạm giam ngắn hạn với tội danh xâm phạm.

Không giống như phóng hỏa hoặc giết người, không có luật nào trừng phạt hiếp dâm hoặc bạo lực tình dục trong khi chúng đang lên kế hoạch hoặc chuẩn bị hành động", Kim Yong-hua, giáo sư luật và nghiên cứu phụ nữ tại Đại học Luật Sookmyung, bất bình trước lỗ hổng pháp lý.

"Một nghi phạm không đẩy cửa chỉ để xâm phạm (nhà riêng), nhưng tôi không chắc các công tố viên sẽ buộc anh ta tội hiếp dâm thất bại như thế nào khi luật pháp chưa lấp đầy được lỗ hổng".

Theo thống kê gần đây nhất của chính phủ Hàn Quốc, có khoảng 2,8 triệu phụ nữ sống một mình, chiếm một nửa số hộ gia đình độc thân ở nước này. Việc phụ nữ sống một mình khiến tỷ lệ tội phạm gia tăng. Một báo cáo năm 2017 của Viện Tội phạm học Hàn Quốc cho thấy phụ nữ có nguy cơ đối mặt với tội phạm cao gấp 2,3 lần so với nam giới khi sống độc thân ở độ tuổi 33.

Theo dữ liệu chính phủ Hàn Quốc được tiết lộ vào tháng 10/2018 từ thành viên đảng Dân chủ Kang Chang-il, có 1.310 vụ đột nhập tình dục bằng bạo lực từ năm 2014-2017. Trung bình mỗi ngày xảy ra một vụ tấn công tình dục. 99,8% vụ tấn công có thủ phạm là nam giới và 28% trong số đó liên quan đến hiếp dâm.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.