Bắt đầu từ năm 2010, ngành Tư pháp được giao nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL). Mục đích của công tác này là nhằm tìm ra các khoảng trống của pháp luật, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thi hành pháp để luật pháp được thực thi nghiêm minh và sâu sát nhất.
Lựa chọn vấn đề theo dõi để phát hiện “kẽ hở”
Mới đây, tại Cà Mau, Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại Thành Phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long”. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm cũng như kiến nghị những bất cập trong công tác này .
Trong những năm qua, hiệu quả quản lý của Nhà nước bằng pháp luật đối với các vấn đề xã hội đã được khẳng định. Song một vấn đề đặt ra là làm sao để công tác xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL) được thực hiện tốt. Bởi, việc theo dõi thi hành pháp luật có vai trò hết sức quan trọng. Tuy là một lĩnh vực mới của ngành Tư pháp, nhưng bằng nhiều nỗ lực nên công tác TDTHPL bước đầu đã mang lại những kết quả nhất định.
Riêng khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhiều địa phương đã chủ động chọn lĩnh vực trọng tâm để thực hiện. Tỉnh Cà Mau chọn lĩnh vực lao động, việc làm, dạy nghề và an toàn lao động, an toàn giao thông… Bạc Liêu chọn lĩnh vực xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự tại tòa do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện; Đồng Tháp chọn theo dõi, đánh giá tình hình xây dựng, ban hành VBQPPL và xử lý vi phạm hành chính……
Việc triển khai này đã và sẽ hứa hẹn tạo bước chuyển trong theo dõi thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực bức xúc của xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi hành pháp luật, bảo đảm để các văn bản quy phạm pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thực tiễn, kịp thời phát hiện các kẽ hở, lỗ hổng pháp luật ở các địa phương...
Nhanh chóng kiện toàn các đơn vị chuyên trách
Hầu hết các đại biểu đều nêu , trong quá trình triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình THPL còn rất nhiều hạn chế, khiếm khuyết. Nó không chỉ mới về nội dung công việc, mà còn mới về cách thức triển khai thực hiện, đặc biệt là những hạn chế về tổ chức nhân sự, nghiệp vụ và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị còn thiếu đồng bộ.
Trong thời gian qua, công tác TDTHPL chỉ mới thí điểm thực hiện ở một số lĩnh vực. Việc thực hiện công tác theo dõi tình hình THPL còn chung chung, chưa quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức đánh giá tình hình THPL. Tiêu chí đánh giá chưa sâu sát với thực tiễn. Mặt khác, do đây là nhiệm vụ mới, chưa có quy trình cụ thể về khảo sát, kiểm tra, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện nên chưa vẽ ra được bức tranh toàn diện về công tác này.
Ngoài ra, ở một số Sở Tư pháp chưa có sự thống nhất trong triển khai nhiệm vụ TDTHPL, chưa có sự hướng dẫn cụ thể giao cho phòng, đơn vị nào triển khai nhiệm vụ này, có nơi thì giao cho Phòng Kiểm tra văn bản, nơi lại giao cho Phòng tuyên truyền phổ biến pháp luật… Đây cũng là vấn đề cần sớm được khắc phục, để công tác này được thực thi một cách chuyên nghiệp, đạt hiệu quả hơn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tiến Châu - Vụ trưởng - Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM cho biết: Do đây là lĩnh vực mới của ngành nên còn nhiều điều phải làm. Dù còn lúng túng nhưng với sự nỗ lực cao nên các địa phương đã có nhiều cách làm mới, hay và hiệu quả. Điều này là rất đáng trân trọng, nó góp phần nâng cao vị thế của ngành Tư pháp. Để công tác này hiệu quả hơn thì ngoài việc xây dựng thể chế ngày càng hoàn thiện, các địa phương cũng cần tìm ra những cách làm hay, sinh động, sáng tạo và chính xác.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp- Trần Tấn Đạt đánh giá cao những ý kiến đóng góp cũng như những kết quả bước đầu mà các địa phương ĐBSCL đã đạt được. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng do mới nên còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Việc thực hiện công tác này vẫn còn thiếu sự phối hợp và chưa phát huy hết vai trò của các cơ quan đơn vị, hội, ngành bởi công tác này rất rộng. Kể từ ngày 1/10/2012, khi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012, quy định về nội dung, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước được thực hiện , thì mảng công tác này sẽ có nhiều bước tiến mới.
Bên cạnh những giải pháp có tính chất lâu dài như tập huấn, bồi dưỡng và kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác TDTHPL tại các Bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp thì việc tiếp tục củng cố và kiện toàn đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp và các Bộ, địa phương phải được đẩy mạnh.
Ngọc Quý