Hoạt động ngoại khóa rèn kỹ năng tổ chức, liên kết nhóm. |
Mục tiêu của chương trình tập huấn là trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết của một tuyên truyền viên pháp luật khi thực hiện tuyên truyền pháp luật tại cơ sở, địa bàn dân cư.
Đổi mới phương pháp tuyên truyền
Bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục và văn hóa cộng đồng EC Hà Nội cho biết, điều khác biệt của chương trình tập huấn này là mức độ chuyên sâu khi các học viên được tham gia học, đánh giá cao tính chủ động của người học và chú trọng trang bị các kỹ năng tuyên truyền. Do đó, chương trình tổ chức mời các tiến sĩ, luật sư, giảng viên của chương trình chọn giảng các nội dung thiết thực, cụ thể, gần gũi với người dân nông thôn như pháp lệnh dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn.
Với mục đích nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân nông thôn, chương trình mong muốn mang đến sự đổi mới trong cách tuyên truyền pháp luật, trong đó lấy nòng cốt là các hạt nhân tiêu biểu tại ngay thôn, làng.
Khác với hình thức tuyên truyền pháp luật "truyền thống" hiện nay là tập trung nhiều người thành hội nghị, với việc tập huấn chuyên sâu, người được tập huấn, tuyên truyền có điều kiện tham gia trực tiếp vào nội dung tuyên truyền theo phương pháp mở, có nghĩa là người được tuyên truyền có quyền hỏi, bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề giảng viên nêu ra, giảng viên chỉ là người hướng dẫn. Ví dụ khi tuyên truyền về pháp lệnh dân chủ cơ sở, các trưởng thôn, các chi hội trưởng nông dân, phụ nữ... được giảng viên hướng dẫn áp dụng cụ thể vào chức năng, quyền hạn của mình, thực hành kỹ năng nghe, nói, tổ chức một buổi tuyên truyền pháp luật tại thôn, xã.
Tạo các hạt nhân tích cực
Ông Vũ Văn Hè, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tiên Lãng nhận định, tập huấn tuyên truyền pháp luật theo nội dung chuyên sâu rất hiệu quả, người được tuyên truyền không chỉ biết mà hiểu hơn về quy định của pháp luật. Đây là lớp tập huấn cán bộ nguồn thôn, làng theo hướng chuyên sâu đầu tiên trên địa bàn thành phố để "đem luật về làng", tổ chức một cách bài bản. Thông qua lớp tập huấn, các cán bộ thôn, làng sẽ là những tuyên truyền viên tích cực của cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống. Sau lớp tập huấn, các tuyên truyền viên tự xây dựng chương trình tuyên truyền pháp luật tại địa phương.
Hiện các xã Kiến Thiết, Tiên Minh, Cấp Tiến đều đã và đang triển khai việc tập huấn pháp luật do chính các cán bộ nguồn làm tuyên truyền viên và xây dựng các câu lạc bộ sinh hoạt pháp luật.
Theo một khảo sát đánh giá nhanh ngay sau khóa học, có hơn 3/4 học viên cho rằng mình cảm thấy tự tin hơn, có thể tổ chức một buổi tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống. Các học viên cũng đánh giá cao kỹ năng và phương pháp tuyên truyền mở mình học được từ chương trình, nhất là việc vừa học vừa thực hành, kết hợp với trò chơi pháp luật. Đây là hình thức tập huấn cán bộ nguồn cấp cơ sở (thôn, làng) mang tính chất chuyên sâu, hiệu quả cao, cần được nhân rộng ở các địa bàn toàn thành phố.
Năm 2010, anh Vũ Văn Hè, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng với đề án "Đem luật về làng" là một nhân vật trong cuộc thi “Gương sáng Tư pháp” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức. Đọc được bài viết về anh Vũ Văn Hè với những ý tưởng thiết thực, bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục và văn hóa cộng đồng EC Hà Nội đã tìm được nguồn kinh phí tài trợ, phối hợp với phòng Tư pháp huyện Tiên Lãng tổ chức một khóa học cho 40 học viên là cán bộ nguồn cơ sở để tuyên truyền pháp luật theo hướng chuyên sâu. 40 học viên đó đã và đang tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật do chính mình làm tuyên truyền viên tại thôn, xã nơi sinh sống. |
Như Lan