Dù pháp luật quy định nhà đất thuộc tài sản chung của vợ chồng phải ghi tên cả hai người, tuy nhiên vẫn có nhiều giấy tờ chỉ đứng tên một người. Điều đó dẫn đến những hệ quả khá rắc rối nhất là khi làm thủ tục chuyển nhượng, sang tên, thế chấp…
Sổ đỏ đứng tên vợ hoặc chồng gây khó khăn khi công chứng. |
Đứng tên một người, công chứng làm sao?
Chị Minh Thúy (ở Hoài Đức - Hà Nội) kết hôn với anh Hoàng khi cả hai còn tay trắng. 3 năm sau thông qua một cuộc đấu giá đất của một cơ quan nhà nước ở ngoại thành họ mua được một mảnh đất gần trăm m2. Tuy nhiên, khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cơ quan cấp giấy chỉ ghi mỗi tên anh Hoàng. Gần đây khi gia đình có “của ăn của để” anh Hoàng, chị Thúy quyết định bán mảnh đất trên để đầu tư mở một nhà hàng trong nội đô thì gặp sự cố.
Chả là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chị đã mua đấu giá chỉ đứng tên anh Hoàng, trong khi đó theo quy định thì đây là tài sản hai vợ chồng chị tích cóp được trong thời kỳ hôn nhân nên phải là tài sản chung. Việc một mình anh Hoàng đứng tên dẫn đến khó khăn trong việc công chứng. Trong khi đó, nếu thỏa thuận là tài sản riêng của một bên để dễ dàng chuyển nhượng thì cả chị Thúy và anh Hoàng đều không có giấy tờ chứng minh.
Trường hợp của vợ chồng chị Thúy, anh Hoàng không phải là hy hữu bởi hiện nay, vẫn còn nhiều cặp vợ chồng, các tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân vẫn đứng tên một người. Do vậy khi thực hiện các hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó công chứng rất khó khăn. Tình trạng này được nhiều Sở Tư pháp thừa nhận.
Không dễ khi chứng minh tài sản chung hay riêng
Theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình (HNGĐ) thì quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.
Luật HNGĐ cũng quy định rõ trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.
Theo Nghị định 70/NĐ- CP quy định chi tiết Luật HNGĐ: tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng khi đăng ký quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật HNGĐ bao gồm : nhà ở, quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu. Việc đăng ký các tài sản, quyền tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng phải ghi tên của cả vợ và chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Quy định như vậy nhưng thực tế với tâm lý đơn giản, nhiều người vẫn chỉ đứng tên một mình. Nhiều trường hợp khác lại do tồn tại của lịch sử (pháp luật chưa có quy định bắt buộc phải đứng tên hai người), nay mới đem tài sản ra giao dịch nên cũng gặp khó khăn trong thủ tục công chứng.
Để không “tự mình làm khó cho mình”, thiết nghĩ, khi làm thủ tục nhà đất và các tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, các cặp vợ chồng nên đứng tên cả hai trong giấy đăng ký. Để khi giao dịch có liên quan đến tài sản đó đỡ mất công chứng minh tài sản chung hoặc riêng.
Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng đã đăng ký quyền sở hữu trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà chỉ ghi tên của một bên vợ hoặc chồng, thì vợ chồng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản đó để ghi tên của cả vợ và chồng; nếu vợ chồng không yêu cầu cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản, thì tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp, bên nào cho đó là tài sản thuộc sở hữu riêng của mình, thì có nghĩa vụ chứng minh. (Khoản 3, Điều 5 Nghị định 70/CP quy định chi tiết Luật HNGĐ) |
Huy Hoàng