Tiếp theo loạt bài về những bất cập trong việc thực thi Nghị định 69/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ được khởi đăng trên Báo Pháp Luật Việt Nam, vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm sau vụ cô dâu Việt bị sát hại ở Hàn Quốc là làm thế nào cơ quan Tư pháp phát hiện những “chú rể” bị tâm thần?
Tâm thần vẫn “vô tư” kết hôn!
Khoảng 5 năm trở lại đây, khi “trào lưu” kết hôn với người Hàn Quốc, Đài Loan trở nên cao điểm tại một số tỉnh thành trong cả nước, thì cũng kéo theo nhiều vụ việc đau lòng, mà gần đây nhất là vụ của cô dâu Thạch Thị Hoàng Ngọc ở Cần Thơ.
Việc phát hiện ai là người tâm thần rất khó - ảnh minh họa |
Chỉ sau 8 ngày làm dâu nơi đất khách, Hoàng Ngọc đã bị người chồng hơn cô 26 tuổi ra tay sát hại. Ngạc nhiên nhất khi các tờ báo công bố thông tin chú rể người Hàn Quốc này có tiền sử tâm thần với 57 lần điều trị trong bệnh viện thì những vấn đề liên quan đến thủ tục kết hôn mới được lật lại để tìm căn nguyên.
Câu hỏi được dư luận đặt ra tại sao chú rể đã từng đạt “kỷ lục” về bệnh tâm thần như vậy mà vẫn “lọt lưới” để kết hôn? Phải chăng cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chưa làm hết trách nhiệm?
Lý giải về trường hợp này, ông Trần Phước Hoàng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ cho biết, chị Ngọc thuộc dạng việc kết hôn đã được tiến hành tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, cụ thể là Sở Tư pháp TP Cần Thơ chỉ có trách nhiệm xem xét việc kết hôn đó có phù hợp với pháp luật Việt Nam hay không; nếu thấy phù hợp thì làm thủ tục ghi chú kết hôn để chị Ngọc có cơ sở xuất cảnh sang Hàn Quốc với chồng.
Còn việc chú rể bị tâm thần, theo ông Hoàng là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc (vì đây mới là nơi chị Ngọc làm thủ tục kết hôn).
Như vậy, theo lý giải của ông Hoàng, cơ quan Tư pháp đã làm đúng và làm hết trách nhiệm. Tuy nhiên, nhìn nhận vụ việc ở góc độ khác, Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên Nguyễn Hùng Tráng cho rằng quy định về ghi chú kết hôn nói chung hiện tại đang “có vấn đề”
Ông Tráng phân tích: ở Việt nam việc kết hôn với người nước ngoài phải qua một quy trình khắt khe như phỏng vấn để làm rõ sự tự nguyện, thẩm tra để biết mục đích thực sự của hôn nhân…và bắt buộc cả hai bên phải có mặt để làm thủ tục đăng ký kết hôn trước sự chứng giám của cán bộ hộ tịch.
Tuy nhiên, theo pháp luật Hàn Quốc, muốn kết hôn, cô dâu Việt chỉ cần gửi hồ sơ qua tổ chức môi giới hôn nhân (mà không bắt buộc hai bên phải có mặt để làm thủ tục đăng ký kết hôn - PV). Trường hợp đã kết hôn ở nước ngoài về Việt Nam ghi chú kết hôn thì cơ quan Tư pháp làm chỉ làm thủ tục ghi chú.
Chính những xung đột pháp luật giữa các nước như trên sẽ dẫn tới những vụ việc đáng tiếc như đã từng xảy ra.
Phát hiện người bị tâm thần: cực khó
Theo Luật hôn nhân và gia đình, người mất năng lực hành vi dân sự bị cấm kết hôn.
Nghị định 69/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cũng quy định, một trong những thủ tục để đăng ký kết hôn là phải có giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương thì việc phát hiện người bị tâm thần trên thực tế rất khó khăn. Chỉ khi làm việc trực tiếp với họ (khi nộp hồ sơ, phỏng vấn…) cán bộ hộ tịch nếu thấy những bất thường trong giao tiếp, cử chỉ thì sẽ cho kiểm tra, nếu có dấu hiệu bị tâm thần thì sẽ dừng việc giải quyết. Mặc dù vậy, ông Phương cũng thừa nhận việc nhận biết dấu hiệu tâm thần là rất khó khăn, chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm của cán bộ giải quyết hồ sơ.
Thực tế phát hiện bệnh tâm thần là khó, tuy nhiên trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đã có giấy xác nhận của tổ chức y tế là không mắc bệnh tâm thần thì có thể yên tâm cho đăng ký kết hôn, một cán bộ hộ tịch công tác lâu năm trong ngành Tư pháp lý giải: không đơn giản như vậy. Trong các vụ án hình sự, muốn biết bị cáo có bị tâm thần, phải trưng cầu giám định ở cơ quan có thẩm quyền. Có khi giám định rồi phải làm lại vì loại bệnh này rất đặc thù, khó phát hiện. Đằng này chỉ một xác nhận thôi chưa chắc đã chính xác.
Hơn nữa, người bị bệnh tâm thần rất thất thường, có khi nặng đấy nhưng qua cơn lại khỏi. Cho nên trong vòng 6 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận có thể tình trạng bệnh đã không đúng với thời điểm xác nhận, hoặc có, hoặc không, hoặc nặng hơn hoặc nhẹ đi…
Cẩn trọng trong đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài là việc làm cần thiết, bên cạnh đó, cần có sự nhìn nhận, đánh giá về hệ thống pháp luật hiện hành để có cơ chế bảo vệ phụ nữ Việt ngay từ khi họ có ý định làm dâu xứ người.
Thu Hằng
Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, phù hợp với pháp luật của nước đó thì được công nhận tại Việt Nam, nếu vào thời điểm kết hôn, công dân Việt Nam không vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn. Trong trường hợp có sự vi phạm pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn, nhưng vào thời điểm yêu cầu công nhận việc kết hôn, hậu quả của sự vi phạm đó đã được khắc phục hoặc việc công nhận kết hôn đó là có lợi để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em thì việc kết hôn đó cũng được công nhận tại Việt Nam. (Khoản 1 Điều 7 Nghị định 69/CP) |