Một tòa án sơ thẩm Trung Quốc mới bác bỏ lời buộc tội của một thanh niên cho rằng nhà tuyển dụng đã sai khi từ chối nhận anh làm việc vì biết anh nhiễm HIV. Không cam chịu, người thanh niên này tiếp tục hành trình tìm lại công lý cho mình ...
Chúng ta có thể ôm nhau nếu tôi có HIV?. Ảnh minh họa.
Xiao Wu, tốt nghiệp đại học, 22 tuổi, đã qua một loạt các bài kiểm tra viết và phỏng vấn xin việc. Nhưng kết quả xét nghiệm máu của anh cho thấy dương tính với HIV, cơ quan giáo dục địa phương phía Đông tỉnh An Huy từ chối nhận đơn xin việc của anh.
Xiao Wu cho biết: “Tôi cảm thấy rất đau khổ, tôi chỉ muốn tìm lại công lý cho tôi và những người đang phải đối mặt với những vấn đề giống tôi”. Anh đã kiện cơ quan giáo dục này ra trước toà án.
Trong phán quyết của mình, các thẩm phán tòa án cấp sơ thẩm đã đồng ý với tranh luận của Phòng Giáo dục khi cho rằng, người ứng cử vào vị trí giáo viên cần phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về thể chất và trình độ theo Luật Giáo viên.
Theo đó, một trong những tiêu chuẩn đặc biệt do Bộ Giáo dục Trung Quốc đề ra là người làm công tác giảng dạy không được mang các bệnh truyền nhiễm.
Không cam chịu, Xiao Wu nộp đơn kháng cáo lên toà phúc thẩm ngày 29/11, đồng thời gửi một bức thư đến tổ chức China AIDS Info, một nhóm hỗ trợ chuyên cung cấp thông tin về AIDS tại Hồng Kông, với lời lẽ tha thiết: “HIV không phải điều gì khủng khiếp, chúng tôi có thể làm nhiều việc mà không gây ảnh hưởng đến người khác, xin đừng gạt chúng tôi ra khỏi xã hội như vậy”.
Chia sẻ vói Global Times, Xiao Wu tin tưởng vào chiến thắng của mình tại toà phúc thẩm : “Tôi không phải là người đầu tiên bị kì thị vì dương tính với HIV và chắc chắn không phải người cuối cùng. Nhưng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh vì quyền lợi của 740.000 công dân có HIV trên đất Trung Quốc… Về mặt pháp lý, tôi tin rằng mình có cơ hội lớn giành chiến thắng”.
Xiao Wu và luật sư đưa ra luận điểm rằng sở giáo dục Tây An, tỉnh An Huy, Trung Quốc đã vi phạm Luật Lao động năm 2008 cấm phân biệt đối xử với người đi xin việc bị mắc bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh AIDS.
Xiao Wu nói rằng, đời tư của anh không bị ảnh hưởng nhiều khi vụ kiện được công chúng biết đến. Thậm chí, anh còn nhận được nhiều sự động viên, hỗ trợ từ mọi người, trong đó, có cả những người cũng có HIV giống anh.
Cùng ngày, một chiến dịch ở Quảng Châu được tiến hành nhằm thức tỉnh nhận thức về HIV. Các tình nguyện viên tuần hành trên đường với tấm biểu ngữ “Chúng ta có thể ôm nhau nếu tôi dương tính với HIV?” và số khác ôm những người dân địa phương.
Vụ Xiao Wu, vụ án đầu tiên về vấn đề này được toà án Trung Quốc thụ lý, từng được coi là một tia hi vọng điểm sáng cho những người muốn giúp đỡ bệnh nhân AIDS.
Trong nhiều năm liền họ đã chứng kiến một loạt các vụ kiện liên quan đến phân biệt đối xử trong công việc bị làm ngơ. Họ đã hi vọng một kết quả tích cực sẽ thiết lập một tiền lệ. Bây giờ họ lo ngại rằng phán quyết hôm 12/11 sẽ có tác dụng ngược lại, bởi pháp luật đứng về phía những người chủ không muốn thuê nhân viên có HIV.
Ông Yu Fangqiang, đại diện của Beijing Yirenping, một tổ chức phi chính phủ hoạt động chống lại sự phân biệt đối xử với người bị HIV phát biểu: “Đây là lần đầu tiên một người có HIV dám đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình. Cộng đồng người có HIV đã từng có hi vọng, nhưng giờ đây, cánh cửa đã khép lại cho những người muốn sử dụng toà án để chống lại sự phân biệt đối xử.”
Ở Trung Quốc, số bệnh nhân HIV được tiếp cận với các phương pháp điều trị đã tăng lên, nhưng họ lại bị xa lánh trên diện rộng và thường bị cấm trong các trường đại học, công sở.
Sự kì thị này gây ra những tác động nghiêm trọng: trong một báo cáo hồi năm ngoái, Liên Hợp Quốc cho biết, nỗi sự hãi và sự thiếu hiểu biết khiến cho khoảng 740 nghìn người Trung Quốc không dám tiếp cận với các biện pháp điều trị.
Vân Anh (tổng hợp)