Giá gas tăng bát nháo nhưng người tiêu dùng (NTD) cùng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi không có nhiều sự lựa chọn. Trong khi, trên thị trường lại đang xuất hiện một loại “gas không phải là gas” đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dùng.
Giá gas bị đẩy lên cao, càng tạo điều kiện cho các hành vi trục lợi bất lương. Ảnh minh họa |
Giá tăng đột ngột
"Mở hàng' đầu xuân năm mới, ngày 1/2, “đồng loạt” các DN kinh doanh gas “phát giá” giá bán tăng thêm từ 20.000 - 42.000 đồng/bình 12 kg. Tính từ đầu năm 2012 tới nay, giá mỗi bình gas đã tăng tới 66.000 đồng. Ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng kinh doanh gas Saigon Petro xác nhận, từ ngày 1/2, giá bán của Saigon Petro tăng 3.500 đồng/kg, tương đương 42.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ tối đa đến tay NTD khu vực TP.HCM là 425.000 đồng/bình 12 kg.
Cty Đại Việt Vinagas cùng một số hãng như Gia Đình gas và MT Gas cũng thông báo tăng 42.000 đồng với mức giá bán lẻ tới tay NTD 425.000- 430.000 đồng/bình 12kg, tùy theo nhãn hiệu và khu vực; giá gas Ngọn lửa thần đã lên tới 440 nghìn/ bình 12 kg; Shell gas có giá 450 nghìn đồng/bình 12 kg.
Tuy nhiên, cũng có một số hãng gas như Hồng Hà gas, Vinape gas, Thăng Long gas, Cty gas Lửa Xanh ở Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, sẽ chỉ tăng ở mức 405.000 đồng/bình 12 kg để “giữ khách”.
Với cuộc “chạy đua” này của giá gas, người lao động có thu nhập trung bình và thấp sống ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM lại thêm “đau đầu vì tiền”, bởi lẽ, từ cọng hành, quả ớt … tới một bát phở sáng, hoặc một bát bún riêu, bún cá đầu xuân đều thi nhay đội giá.
Không có yếu tố đầu cơ?
Trao đổi với báo giới, TS.Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, đây là mức tăng cao nhất và giá bán cao nhất từ đầu năm 2011 tới nay. Ông Thắng cam đoan, nguyên nhân gas trong nước tăng mạnh là do giá thế giới tăng chứ không phải do các hãng đầu cơ, nâng giá.
Theo ông Thắng, giá gas thế giới hiện lên tới 1.025 USD/tấn và là mức giá chưa từng có trong lịch sử. Giá gas tăng có thể do nhu cầu sưởi ấm mùa đông giá lạnh ở các nước tăng mạnh và tình hình căng thẳng ở Iran khiến giá dầu thô không ổn định. Hiện nay, Hiệp hội có 200 DN, trong đó có khoảng 80 DN kinh doanh gas, 30 DN đầu mối được tự chủ, quyết định giá. Đến nay tất cả các DN đều đã thông báo tăng giá bán.
Theo Nghị định 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng, các DN đầu mối được quyết định giá gas và có sự kiểm soát của Hiệp hội và các cơ quan QLNN.
Có một thực tế là cũng một loại gas, trên cùng một địa bàn, giá gas được các đại lý “hô” khác nhau, phổ biến từ 450- 465.000 đồng/bình 12 kg. “Tôi vẫn lấy gas của đại lý quen thuộc mọi khi, mới gọi sáng nay, giá 450.000 đồng/bình. Đành tặc lưỡi lấy chứ có biết hãng này rẻ hơn đâu… Chả lẽ sống ở chưng cư thế này lại dùng bếp than tổ ong?”- một NTD cho biết.
Giá tăng- chất lượng đi xuống?
Trước đó, Hiệp hội Gas Việt Nam cũng cảnh báo, đã phát hiện một số công ty nhập khẩu từ Trung Quốc một loại gas mà “không phải là gas”, đó là chất dimethyl ether (DME). Có DN nhập khẩu cả tàu với số lượng hàng trăm tấn loại gas này. Loại chất này thường dùng để làm dung môi trong bình xịt sơn, xịt muỗi… có mức giá rẻ hơn khí hóa lỏng (gas) khoảng 100 USD/tấn.
Gần đây, chất này được nhập khẩu để trộn vào gas theo tỉ lệ 10% hoặc 20% nhằm làm tăng trọng lượng tương ứng. Với cách pha trộn này, giới kinh doanh sẽ hưởng thêm khoảng 30.000 - 60.000 đồng/bình 12 kg.
Theo giới chuyên môn, chất DME còn được nhiều trạm sang chiết gas làm ăn gian dối mua trữ để bơm cho khách hàng với giá chỉ khoảng 250.000 đồng/bình 12 kg. DME khi được bơm vào bình gas sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng do tính chất ăn mòn, lâu ngày sẽ làm hư hỏng vỏ bình gas và các linh kiện cao su dẫn đến dễ bị rò rỉ gas, gây cháy nổ.
Hiệp hội Gas Việt Nam đã có văn bản gửi các DN thành viên trong Hiệp hội khuyến cáo không được phép pha trộn DME vào sản phẩm gas. Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, xử lý các trường hợp pha trộn chất này vào sản phẩm khí hóa lỏng để tránh thiệt hại cũng như bảo đảm an toàn cho NTD.
Sau vụ nổ gas kinh hoàng tại Hà Nội, cho đến nay NTD cũng chỉ biết “vừa dùng vừa run”. Giá gas bị đẩy lên cao, càng “tạo điều kiện” cho các hành vi trục lợi bất lương. Như vậy, NTD không chỉ chịu áp lực về mặt túi tiền mà tính mạng cũng có nguy cơ bị đe dọa.
Cục trưởng Cục Quản lý giá: “Người tiêu dùng phải tự tìm hiểu” Trao đổi với PLVN chiều qua, ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, Bộ kiểm soát giá gas thông qua đăng ký giá của DN. Giá thế giới đã tăng 13% và theo tính toán của Saigòn Petro, mỗi kg tăng 3.500 đồng. Ông Thoả cũng cho biết, hiện mới có Saigon Petro gửi đăng ký giá, còn các DN khác đang gửi. Về việc các đại lý bán với giá khác nhau, ông Thoả cho biết, nhà nước không kiểm soát giá gas (như đối với giá điện, giá xăng dầu…), các DN được quyền cạnh tranh về giá. Do vậy để tránh mua phải giá cao, NTD phải tự tìm hiểu… |
Mai Hoa – Thanh Lan