Tuy nhiên, chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hành chính chưa thực sự bảo đảm, TAND nhiều quận, huyện còn chưa “nhận diện”, đánh giá đúng quyết định hành chính có thuộc đối tượng khởi kiện, thụ lý của mình hay không, bên bị kiện thường ủy quyền tố tụng chưa đầy đủ, giải quyết khiếu nại về việc tòa án trả lại đơn không đúng luật… dẫn đến việc vận dụng pháp luật không đúng quy định.
Bảo đảm tranh tụng được khách quan, toàn diện
Đặc biệt, Luật TTHC năm 2010 quy định thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện quyết định của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện – chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, đây là loại việc khó, phức tạp khiến chất lượng giải quyết các khiếu kiện này của TAND cấp huyện còn hạn chế, còn bị hủy án, sửa án từ 4 – 5%/năm trong khi các các loại án khác chỉ bị hủy án, sửa án trên dưới 1%/năm.
Để đảm bảo công lý, quyền tư pháp được thực hiện, Luật TTHC (sửa đổi) 2015 đã quy định TAND cấp tỉnh là tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện. Quy định này cũng phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án vừa được Quốc hội khóa 13 thông qua.
Theo đó, chỉ TAND cấp tỉnh mới có Tòa án chuyên trách, thẩm phán chuyên trách, am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực đất đai, đối tượng chủ yếu các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, của Chủ tịch UBND cấp huyện mới giải quyết vụ án hành chính hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thẩm quyền xét xử tranh chấp các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, của Chủ tịch UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh còn khắc phục được các hạn chế như bên bị kiện – là UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện có nghĩa vụ cử người có đủ thẩm quyền, nắm rõ sự việc liên quan đến khiếu kiện tham gia phiên tòa, bảo đảm thực hiện tranh tụng tại tòa được khách quan, toàn diện.
Việc áp dụng pháp luật trong thụ lý vụ kiện được thống nhất trong Luật TTHC 2015 cũng góp phần tránh việc các TAND cấp tỉnh khi “thấy cần thiết” thì lấy vụ án hành chính từ TAND cấp huyện lên xét xử, khi không thấy cần thiết thì để TAND cấp huyện xét xử như trong luật cũ...
Tăng tính độc lập trong xét xử
Theo Luật TTHC 2010, việc giải quyết vụ kiện hành chính giữa người dân với UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND huyện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện, như vậy rất dễ dẫn đến tình trạng thẩm phán của TAND cấp huyện, người được giao nhiệm vụ giải quyết vụ án là đảng viên thuộc Đảng bộ mà Chủ tịch, UBND huyện là người thực hiện nhiệm vụ do cấp ủy giao nhiệm vụ, là vấn đề tế nhị, các thẩm phán của TAND cấp huyện ngại va chạm với cấp ủy, cơ quan hành chính cấp huyện, việc thụ lý, giải quyết đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch hoặc của UBND huyện sẽ bị chậm trễ, không khách quan, toàn diện.
Các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện bị kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh còn có ý nghĩa thực tế, hầu hết những vụ việc “dân kiện quan” liên quan đến lĩnh vực đất đai, thẩm quyền giải quyết vụ án ở TAND cấp huyện rất dễ bị vi phạm thủ tục tố tụng, áp dụng pháp luật thiếu khách quan từ phía người có thẩm quyền bởi thẩm phán của TAND cấp huyện ít nhiều bị chi phối bởi việc tái bổ nhiệm, cơ cấu tổ chức từ UBND cấp huyện, từ Chủ tịch UBND cấp huyện. Do đó, tính độc lập trong hoạt động xét xử của thẩm phán TAND cấp huyện – cơ quan tư pháp với cơ quan hành pháp trong các vụ án này bị nghi ngờ.
Chính vì vậy, TAND cấp tỉnh thụ lý, giải quyết các vụ “dân kiện quan” về quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện không chỉ bảo đảm thẩm phán và tòa án không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng, bị chi phối bởi việc tái bổ nhiệm, bởi cơ cấu tổ chức từ cấp ủy, từ cơ quan hành chính cấp huyện nên tính độc lập trong hoạt động xét xử được đề cao, tạo điều kiện cho người dân tin tưởng vào Tòa án hành chính.
Quy định thẩm quyền xét xử hành vi hành chính, quyết định hành chính của UBND cấp huyện, của Chủ tịch UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh là hết sức cần thiết, góp phần hoàn thiện thủ tục tố tụng hành chính, góp phần hạn chế, loại bỏ khỏi đời sống xã hội định kiến “con kiến kiện củ khoai” mỗi khi người dân phải khởi kiện quyết định, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, của Chủ tịch UBND cấp huyện, củng cố niềm tin, đáp ứng được sự mong đợi của người dân, của xã hội.