Ảnh minh họa |
"Đo chân đóng giầy"?
Theo Dự thảo Nghị định, để được Ngân hàng nhà nước (NHNN) xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng, các DN phải đáp ứng 4 điều kiện sau: Là DN được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký hoạt động sản xuất vàng miếng trong Giấy chứng nhận đăng ký DN; Có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên; Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng miếng; Chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất.
Cũng theo NHNN, hiện có 8 tổ chức tín dụng (TCTD) và DN kinh doanh vàng được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, vàng miếng SJC chiếm trên 90% thị phần vàng miếng cả nước. Như vâỵ, với 7 TCTD và DN còn lại, chia nhau 10% thị phần, nghiễm nhiên bị loại khỏi “cuộc chơi” vì không thể đáp ứng được điều kiện về thị phần…
“Thay vì nói trắng ra là chỉ có duy nhấy SJC được sản xuất vàng miếng thì Dự thảo Nghị định đưa ra các điều kiện mà bản thân NHNN biết thừa chi có SJC đáp ứng được...”- Một chuyên gia bình luận.
Mâu thuẫn
Khi phân tích những nguyên nhân gây bất ổn thị trường vàng trong thời gian qua, NHNN cũng chỉ ra rằng việc vàng miếng SJC chiếm thị phần lớn (trên 90%) cũng tạo lợi thế độc quyền tự nhiên, dẫn đến mỗi khi giá vàng biến động, tình trạng khan hiếm vàng SJC làm cho thị trường biến động mạnh hơn.
Thế nhưng với những quy định về điều kiện sản xuất vàng miếng mà bất cứ ai cũng có cảm giác là giành riêng cho SJC thì vô hình chung sự độc quyền này lại được pháp luật bảo vệ.
NHNN cho biết, để bảo đảm quyền tích trữ, mua bán vàng của người dân, dự thảo Nghị định quy định các điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng của TCTD tương đối thuận lợi, để dựa vào mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của TCTD thực hiện mua bán vàng với người dân. Việc này giúp NHNN quản lý tốt hơn thị trường vàng miếng do các TCTD do NHNN trực tiếp quản lý.
Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với chính các điều kiện được kinh doanh vàng miếng mà NHNN đưa ra. Các TCTD có thể đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ (từ 100 tỷ đồng trở lên), có mạng lưới, địa điểm bán hàng, nhưng liệu có đáp ứng được điều kiện về kinh nghiệm (hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 02 năm trở lên), về số thuế đã nộp (của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất) hay được hoạt động theo cơ chế riêng?
Không khả thi
Nếu Dự thảo Nghị định này được thông qua, theo ước tính của NHNN, số lượng DN được phép sản xuất vàng miếng sẽ giảm xuống đáng kể và sẽ chỉ còn một số DN, TCTD trong số khoảng 12.000 DN đang kinh doanh vàng miếng hiện nay có khả năng tài chính, kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực kinh doanh vàng được phép tiếp tục thực hiện mua bán vàng miếng.
Rất nhiều DN sẽ bị loại khỏi „cuộc chơi”, song khác với những lần dự thảo trước, phần lớn những DN thuộc diện điều chỉnh từ chối đưa ra bình luận và tỏ ra khá bình tĩnh bởi „đây chỉ là dự thảo và cũng đã có rất nhiều dự thảo trước đó rồi”.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng phân tích: „Ý tưởng là tốt nhưng cách làm có vấn đề”. Theo vị chuyên gia này, kể cả việc NHNN quy định kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc vàng nguyên liệu, việc sản xuất vàng miếng được thực hiện theo hạn mức do NHNN cấp từng lần, quy định cụ thể trách nhiệm của DN sản xuất vàng miếng..., thì SJC vẫn là DN chứ không phải đơn vị trực thuộc của NHNN. Hơn nữa, với cơ chế này, chẳng lẽ những đơn vị muốn có vàng bán phải liên hệ với NHNN để đăng ký mua, sau khi cân đối NHNN sẽ đặt SJC sản xuất, cho phép SJC nhập vàng nguyên liệu…, lúc đó đơn vị có nhu cầu mới liên hệ mua…?
“Đành rằng NHNN thực hiện QLNN đối với vàng miếng nhưng với các biện pháp hành chính như vậy, nhất là khi chỉ có SJC “một mình, một chợ” liệu rằng có bình ổn được thị trường vàng hay không?”- chuyên gia này tỏ ra nghi ngờ.
Với điều kiện rất khắt khe để được kinh doanh vàng miếng, đương nhiên các DN đang kinh doanh vàng miếng hiện nay phải nhường sân chơi này cho các TCTD. Tuy vẫn được kinh doanh vàng trang sức song ai dám chắc các DN này không lén lút mua bán vàng miếng bởi mạng lưới các TCTD hay các DN dù lớn đến đâu cũng không thể bằng hệ thống tiệm vàng chằng chịt trong các hang cùng ngõ hẻm mà người dân đã quen và có thể tiếp cận dễ dàng để mua bán vàng.
“Trước đây đã có dự thảo cấm kinh doanh vàng miếng nhưng rồi đâu lại vào đó. Cấm nhưng giám sát, quản lý không xuể, không khéo vô tình lại khuyến khích kinh doanh vàng lậu…”- một người dân phát biểu.
My My