Ngày thứ nhất xử vụ nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An: Nhân chứng: “BS Liêm thực hiện đúng quy định thanh toán gói thầu”

BS Liêm (người ngồi giữa) trao đổi với LS trước khi phiên tòa diễn ra.
BS Liêm (người ngồi giữa) trao đổi với LS trước khi phiên tòa diễn ra.
(PLVN) - Hôm qua (29/10), TAND Long An mở phiên xử với ông Lê Thanh Liêm (SN 1957, nguyên Giám đốc (GĐ) Sở Y tế) bị truy tố “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thất thoát, lãng phí”.

Như PLVN đã phản ánh, năm 2014 Sở Y tế Long An lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh tòa nhà cơ quan, giá trị gói thầu 1,92 tỷ. Khi nhà thầu nhập thiết bị về thi công thì nhân viên giám sát công trình phát hiện xuất xứ trên một số thiết bị không trùng khớp hợp đồng đã ký.

Tháng 9/2014, công trình được nghiệm thu bàn giao khối lượng hoàn thành đưa vào sử dụng. Vài năm sau, CQĐT Công an tỉnh mới khởi tố điều tra vụ án, khẳng định ông Liêm không vụ lợi, không thông thầu, nhưng vẫn “sai phạm”.

Bác sĩ Liêm liên tục kêu oan, khẳng định trong dự án này không có hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế”, không có “hậu quả nghiêm trọng” nào xảy ra. Ông cho rằng nguồn cơn đến từ việc khi đương nhiệm ông đã không chấp nhận một số DN “sân sau” lũng đoạn ngành y tế địa phương, nên bị trù dập. Trong vụ án này, Sở Tài chính đã 5 lần giám định, cho ra các kết quả khác nhau, nhiều bản KLGĐ vi phạm cả về hình thức lẫn nội dung.  

“Thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán dự án là hai vấn đề khác nhau”

Bắt đầu phiên tòa, HĐXX cho biết, tất cả nhân chứng và nhiều người liên quan vắng mặt không lý do. Các LS bào chữa cho ông Liêm đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập những người vắng mặt vì những người này rất quan trọng, ảnh hưởng đến vụ án. Các LS cho biết đã có nhiều văn bản đề nghị HĐXX triệu tập cả giám định viên, điều tra viên, đại diện Kho bạc và một số người liên quan nhưng đến nay không thấy HĐXX triệu tập.

Trong khi đó VKS cho rằng người làm chứng và người liên quan vắng mặt đã có lời khai và đã được triệu tập hợp lệ hai lần nên đề nghị HĐXX vẫn tiếp tục phiên tòa. Đề nghị của VKS được chấp nhận.

Khi được hỏi, ông Liêm khẳng định: “Khi chỉ huy công trình và Ban quản lý dự án phát hiện một số thiết bị sai về xuất xứ so với hợp đồng thì có báo cáo cho tôi. Tôi cho dừng thi công, yêu cầu nhà thầu trả lời. Nhà thầu cho biết thiết bị Sony có chủng loại, model, cấu hình như yêu cầu trong hợp đồng không còn sản xuất tại Nhật mà đã chuyển đến các nhà máy ở Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Malaysia; hãng Sony có cam kết dù khác xuất xứ nhưng chất lượng như nhau; và nhà thầu cam kết chịu trách nhiệm chất lượng, bảo hành”.

“Tôi kiểm tra rất kỹ hợp đồng, đối chiếu với Luật Đầu tư, Xây dựng, BLDS thì đây là hợp đồng trọn gói, không thể điều chỉnh về giá mà chờ quyết toán dự án sẽ xử lý vấn đề thừa thiếu”.

Về chứng thư thẩm định giá, ông Liêm cho biết phụ lục hợp đồng là bộ phận không thể tách rời hợp đồng. Trường hợp ký lại hợp đồng thì mới thẩm định giá lại. “Thời điểm đó, tôi ký điều chỉnh giá thì mới là trái luật. Dự án chỉ hoàn thành khi được quyết toán dự án và được UBND tỉnh phê duyệt”, BS Liêm khẳng định.

“CQĐT và cáo trạng sử dụng các quy định về thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán biên độ năm để buộc tội là áp dụng sai luật. Trong khi đó, pháp luật quy định rất rõ về thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán dự án là hai vấn đề khác nhau, riêng biệt; hồ sơ và trình tự thủ tục khác nhau”, BS Liêm nói. 

“Cáo trạng còn cáo buộc sai sự thật rằng tôi đưa tiền cho ông Trần Nguyên Vũ để nộp khắc phục. Tôi đề nghị được đối chất với ông Vũ”, lời BS Liêm. Vấn đề này, Kế toán trưởng Phạm Hồng Thái xác nhận tại tòa là sau khi tỉnh có quyết toán dự án, đại diện nhà thầu là ông Vũ mang số tiền lĩnh thừa đến nộp vào Sở Y tế, sau đó Sở mới nộp vào tài khoản tại Kho bạc theo đúng quy định về quyết toán dự án.

Kế toán trưởng Sở Y tế: “BS Liêm không chỉ đạo, can thiệp vào hồ sơ thanh toán với gói thầu”.
Kế toán trưởng Sở Y tế: “BS Liêm không chỉ đạo, can thiệp vào hồ sơ thanh toán với gói thầu”. 

Đại diện UBND tỉnh được hỏi gì cũng trả lời “không biết”

Vẫn lời ông Thái: “Gói thầu chỉ có duy nhất một điểm không trùng khớp là xuất xứ một số thiết bị, nhưng hãng Sony đã trả lời những thiết bị này không còn sản xuất tại Nhật, nên thuộc tình huống bất khả kháng. Hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành được chúng tôi tiếp nhận đủ và đúng. Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ thanh toán, BS Liêm không chỉ đạo can thiệp gì. Hồ sơ đúng, đủ, thì nhiệm vụ của bộ phận kế toán là ký thanh toán cho nhà thầu theo đúng quy định pháp luật”.

Ông Thái khẳng định: “Sau đó, các cơ quan thanh tra, kiểm toán, quyết toán vào cuộc và thấy số tiền nhà thầu đã lãnh có dư so với khối lượng hợp đồng thì thu hồi sau khi dự án được tỉnh quyết toán. Vấn đề này pháp luật cho phép”.

Tại phiên xử, thông tin mà nguyên đơn dân sự (UBND tỉnh Long An) đưa ra bất thường, mâu thuẫn. Ban đầu, người đại diện nguyên đơn nói nghi án làm thiệt hại 911 triệu (như con số cáo trạng nêu – NV). Nhưng sau đó lại nói thiệt hại 735 triệu (như con số trong quyết toán của UBND tỉnh – NV). Khi được hỏi về quyết định quyết toán dự án; kết quả định giá; thời gian nộp lại tiền theo quyết định quyết toán; thanh quyết toán dự án như thế nào; hợp đồng giữa Sở Y tế và nhà thầu là gì… đại diện nguyên đơn dân sự đều nói “không biết” và “do cơ quan chuyên môn nắm”.

Đứng ở góc độ chuyên môn nghiệp vụ kế toán, ông Thái giải thích về việc trong nghi án này có hai số tiền “vênh” nhau: Cáo trạng nêu số tiền nhà thầu phải trả lại vì lĩnh dư là 911 triệu; trong khi văn bản quyết toán dự án ngày 18/9/2019 của UBND tỉnh Long An lại đưa ra con số 735 triệu. Vậy chọn số nào mới đúng? Ông Thái nói con số 735 triệu trong quyết định quyết toán mới là chính xác.

Cả ông Thái và kế toán viên Sở Y tế đều khẳng định, thanh toán 1,92 tỷ là thanh toán khối lượng hoàn thành và trình tự tiếp theo là thanh lý hợp đồng. Việc thanh toán khối lượng hoàn thành và thanh lý hợp đồng hoàn toàn không phải là quyết toán hoàn thành dự án.

Phiên xử sẽ tiếp tục vào hôm nay (30/10).

Sở Y tế là nạn nhân của vụ án “làm giả con dấu”?

Tại phiên tòa, HĐXX công bố lời khai của đại diện nhà thầu, ông Trần Nguyên Vũ, cho thấy sau khi được Sở Y tế yêu cầu cung cấp hai bảng giá để khảo sát lại, ông Vũ đã yêu cầu nhân viên làm giả. Hai bảng báo giá do nhân viên ông Vũ thiết kế trên máy tính, kể cả con dấu. 

Một LS cho biết: “Hành vi như trên có dấu hiệu của tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 267 BLHS 1999. Tuy nhiên kể cả trường hợp CQĐT có khởi tố điều tra hành vi này, thì Sở Y tế cũng không liên quan. Trong trường hợp này Sở Y tế là nạn nhân vụ án”.

Trước đó, khi PV liên lạc qua điện thoại với ông Vũ đề nghị gặp mặt làm việc, thì ông Vũ từ chối gặp mặt, từ chối giải thích mọi vấn đề vì “cán bộ CQĐT đã dặn tôi không trả lời báo chí”.

Tòa chưa xử, VKS đã “rút kinh nghiệm”

Phiên tòa bắt đầu khá muộn so với giờ ấn định. 10h30, HĐXX mới vào làm việc. Sử dụng máy chiếu, VKS ghi rõ: “Phiên tòa rút kinh nghiệm…”.

PV hỏi đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa là ông Đoàn Minh Tuấn về vấn đề trên. Ông Tuấn trả lời: “Đây là nghiệp vụ của cơ quan kiểm sát và tòa án, không thể trả lời”.

Phiên tòa chưa xét xử thì sao VKS đã công khai “rút kinh nghiệm” và rút kinh nghiệm về vấn đề gì?

Đọc thêm

Phúc thẩm giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát: Dù được giảm án, tổng hợp hình phạt chung của bị cáo Trương Mỹ Lan là tử hình

Chủ tọa phiên tòa tại phiên xử.
(PLVN) - Tòa chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trương Mỹ Lan từ chung thân xuống 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", giữ nguyên hình phạt 12 năm tù về tội "Rửa tiền" và 8 năm tù tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Tuy nhiên, tổng hợp với mức án tử hình (đã có hiệu lực pháp luật) tại giai đoạn 1 của vụ án, Trương Mỹ Lan phải chấp hành hình phạt chung là tử hình.

TP Hồ Chí Minh: Sơ thẩm vụ kiện đòi tiền lương Kpi

Trụ sở Cty Fosco. (Ảnh: Bùi Yên)
(PLVN) - Ngày 17/4, TAND quận 3 (TP HCM) mở phiên sơ thẩm “tranh chấp đòi tiền lương và yêu cầu bồi thường thiệt hại” giữa một nhân viên đã nghỉ hưu và Cty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài (Fosco, đơn vị trực thuộc UBND TP).

Phúc thẩm vụ án đánh vợ cũ gây thương tật 97,84% ở Bà Rịa - Vũng Tàu: “Còn nhiều tình tiết cần làm rõ, đặc biệt là quá trình khắc phục hậu quả”

Phiên phúc thẩm vụ án đã được tạm hoãn.
(PLVN) - Đó là nhận định của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) trong phiên phúc thẩm vụ án bị cáo Nguyễn Quốc Vũ (SN 1979, quê Quảng Ngãi, ngụ xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cố ý gây thương tích khiến vợ cũ bị thương tích đến gần 98%. Phiên phúc thẩm được mở vào giữa tháng 4/2025, theo đơn kháng cáo của phía bị hại. Vụ án từng gây xôn xao dư luận địa phương bởi mức độ thương tích đặc biệt nghiêm trọng của nạn nhân, cũng chính là vợ cũ bị cáo, tỷ lệ 97,84%.

Lãnh 17 năm tù về tội 'mua bán người'

Lãnh 17 năm tù về tội 'mua bán người'
(PLVN) - Ngày 16/4, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa bị cáo Vũ Thị Khánh Huyền (SN 1999, trú tỉnh Gia Lai), ra xét xử về tội “Mua bán người”, tuyên phạt bị cáo 17 năm tù giam.

Ngày mai (15/4), xét xử vụ án tại dự án đường Thắng Lợi kéo dài (Sông Công, Thái Nguyên): Các bị hại kỳ vọng vướng mắc pháp lý liên quan dự án được tháo gỡ

Ngày mai (15/4), xét xử vụ án tại dự án đường Thắng Lợi kéo dài (Sông Công, Thái Nguyên): Các bị hại kỳ vọng vướng mắc pháp lý liên quan dự án được tháo gỡ
(PLVN) - Dự kiến ngày mai (15/4), TAND tỉnh Thái Nguyên sẽ mở phiên xử sơ thẩm vụ án hình sự vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thắng Lợi kéo dài TP Sông Công (giai đoạn II).