Theo Quyết định, “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” được tổ chức vào ngày 21 tháng 4 hằng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Bên cạnh đó, “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
“Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” được tổ chức vào ngày 21 tháng 4 hằng năm trên phạm vi toàn quốc |
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam" hằng năm trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hằng năm tại địa phương.
Hội Xuất bản Việt Nam, Hội Thư viện Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức thành viên trực thuộc tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam" hằng năm.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan thông tin, báo chí ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền về "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam" hằng năm; tuyên truyền, khuyến khích việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Luật phát triển văn hóa đọc - điều nên nghĩ đến?
Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng, các tiện ích xã hội như internet, mạng xã hội: facebook, youtube…, khiến giới trẻ không còn thời gian dành cho việc đọc sách. Tình trạng đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng là một trong những tiêu chí được người đọc trẻ lựa chọn.Theo nhiều chuyên gia, muốn phát triển văn hóa đọc, việc hình thành thói quen đọc sách cần bắt đầu từ lứa tuổi trẻ em. Việc làm thế nào để nuôi dưỡng ham mê đọc sách ở trẻ là một thách thức không nhỏ đặt ra không chỉ đối với các tác giả, các nhà xuất bản mà còn các bậc cha mẹ.
Nhiều nhà nghiên cứu nêu quan điểm rằng nhà nước cần phải sớm có luật phát triển văn hóa đọc để tạo cơ sở pháp lý cũng như ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên có liên quan trong phát triển văn hóa đọc. Chẳng hạn luật này sẽ quy định rõ chính quyền địa phương các cấp phải quan tâm thích đáng đến văn hóa đọc bằng cách dành ngân sách cho phát triển văn hóa đọc, có các kế hoạch chính sách cụ thể đối với văn hóa đọc trong chính sách chiến lược phát triển địa phương. Các địa phương cũng phải có nghĩa vụ phải hợp tác, trợ giúp các tổ chức, cá nhân muốn phát triển văn hóa đọc. Đạo luật này một khi ra đời cũng sẽ có tác dụng làm thay đổi tư duy đối với văn hóa học của các cán bộ, công chức từ trung ương tới địa phương.