Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Joanne Moore hôm 27/7 xác nhận những thông tin đăng tải trên báo chí theo đó Washington đã quyết định cấm cấp visa cho hàng chục quan chức Nga, đặc biệt là cảnh sát, vì họ bị tình nghi liên quan tới cái chết của luật sư Sergei Magnitski. Bà Joanne Moore tuyên bố: “Bộ Ngoại giao đã áp dụng các biện pháp phù hợp để những người liên quan tới cái chết bất công của Sergei Magnitski không có visa vào Mỹ”.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng luật pháp Mỹ cho phép từ chối cấp visa cho những người liên quan trong các vụ việc gây tổn hại đến quyền con người như tra tấn hay hành quyết không có phán quyết của tòa án. Theo nhật báo Kommersant, danh sách mà Mỹ từ chối visa gồm nhiều quan chức Nga, đặc biệt trong đó có cả các quan chức cao cấp như Alexei Anitchin, người giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ khi sự việc xảy ra.
Sau đó, Matxcơva đã phản ứng công khai về vụ việc này. Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng cảnh báo: “Những hành động như vậy có thể kéo theo những yếu tố kích động nghiêm trọng đến quan hệ Nga – Mỹ và làm tổn hại những nỗ lực tăng cường lòng tin” giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố: “Rõ ràng là phía Nga sẽ không im lặng trước những hành động bất thân thiện và sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ chủ quyền đất nước và quyền của công dân Nga”.
Nhà ngoại giao Nga cũng nói thêm: “Tất nhiên chúng tôi hiểu rằng chính quyền các nước có quyền cấm nhập cảnh vào lãnh thổ nước mình mà không cần giải thích nguyên nhân”. “Nhưng việc áp dụng tùy tiện quyền này để “trừng phạt” các công dân nước ngoài khi mà không có quyết định của tòa án và vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, gây nên sự phản đối dưới cả góc độ pháp lý và đạo đức”. Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố có thể Matxcơva sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa.
Hôm 27/7, phía Mỹ phản ứng lại trước những tuyên bố từ phía Nga. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói rằng, Mỹ vẫn làm việc một cách xây dựng với Nga trong những lĩnh vực có cùng mối quan tâm chung. Mark Toner đã nhắc tới sự hợp tác tại Libya – nơi Nga đóng vai trò làm trung gian hòa giải, và tại Afghanistan – nơi Nga sẵn sàng giúp đỡ bằng việc cho phép máy bay của lực lượng NATO cất cánh từ lãnh thổ của mình.
Sergei Magnitski là luật sư làm việc cho một văn phòng luật của Mỹ tại Matxcơva và là nhà tư vấn pháp lý cho quỹ đầu tư Hermitage Capital. Năm 2008, sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, luật sư Sergei Magnitski đã tố cáo một nhóm các nhà làm luật, quan chức cảnh sát và thuế vụ cấu kết làm giấy tờ hoàn thuế giả bị bắt giữ năm 2008 với cáo buộc gian lận thuế sau khi tố cáo một số quan chức cảnh sát và thuế vụ tham nhũng để biển thủ 230 triệu USD tiền đóng thuế của công ty bỏ túi riêng, mua biệt thự, xe hơi... . Sau đó, ông đã bị chết trong nhà tù lúc 37 tuổi tại Matxcơva năm 2009.
Vụ án đã gây bất bình trong dư luận. Chính Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng phải lên tiếng thừa nhận đó là một vụ giết người và yêu cầu điều tra “hành vi tội ác” này của những người có liên quan. Trước đó, một nhóm điều tra đã đệ trình Tổng thống Medvedev một bản báo cáo trong đó có nhiều chứng cứ khẳng định, luật sư Magnitski đã bị 8 cán bộ trại giam còng tay, đánh đập tàn bạo suốt một giờ đồng hồ và ngăn không cho các bác sĩ đến chăm sóc vết thương khiến luật sư Magnitski bị chết ngay trong buồng giam chứ không phải chết vì bệnh như Ủy ban điều tra của Nga công bố trước đó.
Tuy nhiên, sau cái chết của luật sư Magnitski, đến nay những cán bộ trại giam cũng như những quan chức tham nhũng bị luật sư tố cáo đã không hề bị xử tội và vẫn ung dung sống ngoài vòng pháp luật. Cơ quan tư pháp Nga mới chỉ cam kết truy tố 2 quan chức của nhà tù Butyrka ở Matxcơva.
Gần đây, Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua những sửa đổi và bổ sung cho luật hình sự chống tham nhũng do Tổng thống Dmitry Medvedev đệ trình, trong đó quy định những biện pháp cụ thể nhằm phạt gấp nhiều lần tội nhận hối lộ hoặc phạt tù giam với thời gian dài hơn. Luật chống tham nhũng đã được sửa đổi chia tội nhận hối lộ ra bốn mức - dưới 25.000 rúp (gần 800.000 USD), từ 25.000 đến 150.000 rúp, từ 150.000 đến 1 triệu rúp và trên 1 triệu rúp. Với 4 mức nhận hối lộ này, mức phạt sẽ gấp 15 đến 100 lần hoặc bị tù giam từ 2 năm đến 15 năm. Tuy vậy, bất chấp mức nhận hối lộ, mức phạt tiền cao nhất được xác định là không quá 500 triệu rúp. |
T.T (theo AFP, Moscowtimes)