Phát huy vai trò Hội đồng phối hợp liên ngành
Với gần 900 vụ việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp mà Trung tâm TGPL đã cử Trợ giúp viên thực hiện, Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện nhiều vụ việc tham gia tố tụng trên toàn quốc. Theo báo cáo của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng Hà Nội, Sở Tư pháp – cơ quan thường trực Hội đồng đã chỉ đạo Trung tâm TGPL cấp tờ gấp pháp luật cho các cơ quan tố tụng (Công an, VKS, TAND) và 90 cơ quan tố tụng của 30 quận huyện, thị xã, trại giam, Nhà tạm giữ trên địa bàn TP. Trung tâm TGPL tăng cường phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng khi có yêu cầu. Năm 2020, Hội đồng phối hợp liên ngành đã kiểm tra 36 cơ quan tiến hành tố tụng của 12 quận, huyện, thị trên toàn thành phố. Nhờ các biện pháp này, người được TGPL ngày càng dễ dàng tiếp cận hơn với hoạt động TGPL trong tố tụng, chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng cao.
Tại Vĩnh Phúc, Sở Tư pháp đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh bao gồm: Sở Tư pháp, Công an tỉnh, VKSND tỉnh, TAND tỉnh. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý. Năm 2020, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã thực hiện trợ giúp được hơn 500 vụ việc. Các đối tượng trong diện được TGP (kể cả người bị hại và người phạm tội) đều được các trợ giúp viên pháp lý trợ giúp về mặt pháp lý, tham gia toàn bộ quá trình tố tụng để được hưởng những chính sách khoan hồng của Nhà nước. Đồng thời, sự có mặt của các Trợ giúp viên pháp lý góp phần minh bạch quá trình tố tụng, tránh oan sai, sót người, lọt tội. Hiện Vĩnh Phúc vẫn đang nỗ lực đảm bảo 100% người được TGPL và người yêu cầu được TGPL được tiếp cận các dịch vụ TGPL.
Còn Trung tâm TGPL Tuyên Quang cho biết, các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng; tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác phối hợp tại các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện; Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã xử lý kịp thời các thông tin, thông báo vềTGPL , đáp ứng 100% yêu cầu TGPL của người dân, trong đó tỷ lệ người được TGPL từ giai đoạn điều tra chiếm gần 90% so với tổng số vụ việc do Trung tâm thực hiện. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, Trung tâm TGPL nhà nước, người tiến hành tố tụng và người thực hiện TGPL được thực hiện đúng quy định của pháp luật, có nền nếp và hiệu quả….
Phát triển đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý
Thực hiện Luật TGPL năm 2017 và Đề án đổi mới công tác TGPL, giai đoạn 2016-2020, Bộ Tư pháp cho biết các Trung tâm TGPL nhà nước đã tập trung thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là chú trọng vào vụ việc tham gia tố tụng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu TGPL của người thuộc diện được TGPL trên toàn quốc. Qua đó, số lượng vụ việc tham gia tố tụng năm sau cao hơn năm trước, chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên, được nhiều cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp TGPL trong tố tụng và tham gia tố tụng đã có nhiều chuyển biến; hoạt động truyền thông về công tác TGPL có nhiều đổi mới, góp phần tuyên truyền rộng rãi đến người dân để biết và thực hiện quyền được TGPL theo quy định. Cùng với các Trung tâm TGPL của nhà nước, đến nay cả nước đã có 197 tổ chức đăng ký tham gia TGPL, 620 Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL.
Năm 2020, tuy tổng số vụ việc TGPL giảm nhưng số vụ việc tham gia tố tụng tiếp tục tăng cao, cụ thể: Các Trung tâm TGPL đã tiếp nhận, thực hiện 35.485 vụ việc TGPL (giảm khoảng 25% so với năm 2019), trong đó số vụ việc tham gia tố tụng lên tới 27.493 vụ việc (chiếm gần 77,5% tổng số vụ việc, tăng 29,5% so với năm 2019). Tính trong 5 năm qua, 63 Trung tâm đã thực hiện 310.378 vụ việc TGPL, trong đó số lượng và tỷ lệ vụ việc tham gia tố tụng tăng rất nhanh những năm gần đây.
Tuy nhiên, phản ánh của một số địa phương cho thấy, chất lượng, hiệu quả một số vụ việc trợ giúp chưa cao; hoạt động của một số Hội đồng liên ngành chưa hiệu quả, còn hình thức; đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý còn ít, chưa được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên; việc giải thích chính sách, pháp luật cho bị can, bị cáo, bị hại và các đương sự khác khi tiến hành tố tụng tại một số địa phương vẫn chưa thực hiện triệt để...
Để nâng cao chất lượng hoạt động TGPL trong hoạt động tố tụng, cần tăng cường công tác phối hợp, phát huy trách nhiệm của các thành viên trong Hội đồng phối hợp liên ngành; nâng cao năng lực cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và có biện pháp tạo nguồn, phát triển đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý tại các địa bàn còn thiếu nhằm đáp ứng yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông về TGPL để những trong diện được TGPL biết về quyền lợi của mình khi có những vấn đề liên quan đến cơ quan tiến hành tố tụng...