Tham gia tham luận tại Tọa đàm còn có bà Lê Thị Thuý Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Vũ Mạnh Cường - Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông thi đua khen thưởng, Bộ Y tế; bà Phạm Thị Thanh Nga - Trưởng phòng Truyền thông Văn phòng Bộ Tư pháp; ông Lê Hồng Sơn - Báo điện tử Chính phủ cùng các đại biểu thuộc Bộ Tư pháp và nhiều phóng viên, truyền thông báo chí khác.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: Trong những năm vừa qua, công tác truyền thông luôn được quan tâm, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho người dân, doanh nghiệp đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, các thông tin được đưa ra xã hội với nhiều chiều khác nhau, trong đó có những thông tin được đưa ra không chính xác, dẫn đến nhiều hệ lụy như người dân sẽ nghi ngờ đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước hay người dân sẽ chịu những rủi do bởi những thông tin đó gây ra.
Vì vậy, trong quá trình triển khai những công tác của cơ quan nhà nước, nhất là đối với các bộ, ngành Trung ương, trong những năm vừa qua, các bộ, ngành Trung ương đều cố gắng cung cấp các thông tin cho người dân qua truyền thông về các hoạt động của mình. Đặc biệt là các chủ trương chính sách mà các cơ quan đó chuẩn bị triển khai hoặc đã triển khai để người dân hiểu, nắm rõ được mục tiêu cũng như các vấn đề đặt ra, những tác động từ chính sách này đến với người dân và nhờ đó sự tin tưởng của người dân đối với các hoạt động của cơ quan nhà nước ngày càng được nâng lên.
Thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua là một ví dụ minh chứng rõ nhất trong công tác truyền thông để đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, sự tiếp cận, quan tâm đối với công tác truyền thông của các cơ quan nhà nước nói chung và các bộ, ngành nói riêng có nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, chia sẻ để các cơ quan, bộ, ngành làm tốt hơn nữa đối với công tác truyền thông, giúp người dân có thể tiếp cận nhanh hơn, chính xác hơn, đầy đủ hơn.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông và kinh nghiệm thực tiễn tại một số bộ, ngành” để làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác truyền thông cũng như đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác truyền thông tại một số bộ, ban, ngành.
Bà Phạm Thị Thanh Nga - Trưởng phòng Truyền thông Văn phòng Bộ Tư pháp. |
Tại Tọa đàm, bà Phạm Thị Thanh Nga - Trưởng phòng Truyền thông Văn phòng Bộ Tư pháp đã thông tin về thực trạng công tác truyền thông của Bộ, ngành Tư pháp thời gian qua. Theo đó, công tác truyền thông của Bộ, ngành Tư pháp đã được chú trọng và đạt những kết quả đáng ghi nhận như công tác truyền thông ngày càng đi vào nền nếp, từ việc xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện; cơ sở pháp lý về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được hoàn thiện, việc thực hiện chế độ phát ngôn, cung cấp xử lý thông tin báo chí, thông cáo báo chí ngày càng bài bản...
Tuy nhiên, vẫn còn một vài hạn chế như còn mang tính sự vụ, thiếu tính định hướng, tổng thể. Đồng thời, công tác truyền thông cũng chưa đáp ứng kịp thời việc thực hiện truyền thông những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đặt ra trong từng giai đoạn. Vai trò đầu mối tham mưu, kết nối, hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông, báo chí của Văn phòng Bộ còn có những hạn chế.
Hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí chưa kịp thời, thiếu tính chủ động; việc xử lý thông tin báo chí phản ánh chưa chính xác đối với công tác của Bộ, ngành còn lúng túng, thiếu dứt điểm dẫn đến tình trạng có sự việc bị đề cập lại nhiều lần, gây ảnh hưởng đến uy tín và công tác điều hành chung của Bộ, ngành Tư pháp; việc nắm bắt thông tin và phản hồi thông tin báo chí đôi khi còn chậm...
Cũng tại Tọa đàm, bà Lê Thị Thuý Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Vũ Mạnh Cường - Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, ông Lê Hồng Sơn - Báo điện tử Chính phủ cùng các đại biểu từ các cơ quan truyền thông báo chí khác đã tham gia tham luận về “Những vấn đề đặt ra trong công tác phối hợp truyền thông giữa cơ quan báo chí và bộ/ngành Tư pháp, đề xuất và kiến nghị” và “Yêu cầu đổi mới và tăng cường truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong bối cảnh hiện nay”.
Các đại biểu đồng thời có chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình công tác cũng như phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan nhà nước và đưa ra những đề xuất, kiến nghị trong việc tăng cường truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay.