Những năm qua, Thừa phát lại ngày càng khẳng định địa vị pháp lý cũng như vai trò trong hoạt động tư pháp. Hoạt động Thừa phát lại đã giúp giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, tạo cơ sở pháp lý tích cực để người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại.
Việc phát triển văn phòng Thừa phát lại đủ số lượng, bố trí đều tại các địa phương trên cả nước sẽ bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ phục vụ kịp thời, thuận lợi cho tổ chức, công dân. Không những thế, việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội, tham gia phát triển các văn phòng Thừa phát lại nhằm giảm áp lực công việc, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, hạn chế khiếu kiện đến các cơ quan Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Cụ thể, tại Lào Cai, Sở Tư pháp tỉnh đã có thông báo về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh sẽ cho phép thành lập 03 Văn phòng Thừa phát lại. Giai đoạn 2026 – 2030, cho phép thành lập thêm 08 Văn phòng Thừa phát lại tại các đơn vị hành chính. Xác định mục tiêu giảm tải công việc cơ quan tư pháp, Văn phòng Thừa phát lại tại Thanh Hoá đã chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ; tuyên truyền, phổ biến về chức năng, nhiệm vụ của chế định Thừa phát lại. Theo đó, 4 văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 4/2021 đã tống đạt gần 90.000 văn bản, tài liệu cần tống đạt đến các cơ quan tòa án, thi hành án 2 cấp.
Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành Đại hội thành lập Hội Thừa phát lại Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, bầu ra lãnh đạo Hội do 5 Thừa phát lại làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội. Hiện nay, Hà Nội có 8 Văn phòng Thừa phát lại với 75 Thừa phát lại đang hoạt động trên phạm vi toàn thành phố. Sau thời gian hoạt động, các Văn phòng Thừa phát lại tại Hà Nội đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong việc hỗ trợ các cơ quan Tư pháp thực hiện tống đạt các văn bản tài liệu tố tụng; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo lập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Pháp luật; trực tiếp tổ chức thi hành án, thu nhiều chục tỷ đồng cho người được thi hành án…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đội ngũ Thừa phát lại tại các địa phương còn mỏng, nhiều Văn phòng chỉ có một Thừa phát lại nên rất khó khăn; năng lực trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế, chưa thật vững về chuyên môn và nghiệp vụ nên còn lúng túng trong tác nghiệp; chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản; tính chủ động chưa cao trong triển khai thực hiện các mảng công việc. Năng lực của một số Văn phòng Thừa phát lại còn hạn chế cả về tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, do đó làm phát sinh những bất cập trong hoạt động lập vi bằng, tống đạt…
Để đảm bảo hoạt động của Thừa phát lại đúng pháp luật, hiệu quả, thời gian tới, cần phải phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm Thừa phát lại; Rà soát sát sao đội ngũ này, để từ đó có những kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bổ sung, khắc phục những thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng hành nghề. Như mở các lớp tập huấn chuyên đề; phát hành tài liệu hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và quản lý, điều hành Văn phòng, bảo đảm các Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ đang hành nghề đều được tập huấn, đặc biệt là những nội dung quy định, hướng dẫn mới, những nội dung phức tạp, dễ sai sót, vi phạm trong hành nghề…
Bên cạnh đó, tăng cường việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các Văn phòng Thừa phát lại, giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý hoạt động Thừa phát lại, giữa các địa phương với nhau; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát hoạt động Thừa phát lại…