Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công an - Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007, công tác dẫn độ đã đạt được nhiều kết quả tích cực; góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự mà đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ lợi ich của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các quy định về dẫn độ trong Luật TTTP năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như quy định chung của Luật không điều chỉnh được những đặc thù riêng trong từng lĩnh vực; một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay…
Vì vậy, việc xây dựng Luật Dẫn độ là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài; bảo vệ sự tông nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực dẫn độ; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các Điều ước quốc tế về dẫn độ.
Đại diện Bộ Công an - Cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tại phiên họp. |
Nhất trí cần thiết phải xây dựng Luật Dẫn độ, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, làm rõ sự tác động thay đổi (nếu có) về ngân sách khi thực hiện Luật Dẫn độ. Đồng thời đề nghị bổ sung nội dung đánh giá và làm rõ nguồn nhân lực để bảo đảm không tăng tổ chức bộ máy và biên chế (hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Còn đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH ngày 5/11/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội triển khai Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV tại nội dung cơ sở chính trị của Tở trình. Đối với Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, các nội dung của chính sách được đánh giá tác động đầy đủ trên các khía cạnh (kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật) đối với từng đối tượng khác nhau, tuy nhiên nội dung các chính sách còn mang tính định tính và thiếu các đánh giá mang tính định lượng. Vì vậy, cần tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu kết luận phiên họp. |
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh đây là vấn đề phức tạp, cần cân nhắc, tính toán kỹ để đảm bảo yếu tố chính trị và phù hợp với đường lối đối ngoại của nước ta. Thứ trưởng yêu cầu nội dung các chính sách đề nghị xây dựng Luật cần phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; đặc biệt tại Tờ trình cần chỉ rõ những nội dung nào là mới, những nội dung nào là kế thừa Luật TTTP; đồng thời bổ sung, gia cố thêm nội dung Báo cáo đánh giá tác động của chính sách.