Đội ngũ cán bộ làm PBGDPL ngày càng chuyên nghiệp
Thời gian qua, đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL khá dồi dào, số lượng ngày càng phát triển, đặc biệt đội ngũ nguồn nhân lực của trung ương và cấp tỉnh được đào tạo bài bản, tối thiểu có trình độ cử nhân, nhiều cán bộ có trình độ sau Đại học. Theo số liệu của Bộ Tư pháp, số lượng công chức tư pháp thực hiện nhiệm vụ PBGDPL năm 2017 là 12.858, năm 2021 là 11.875, công chức pháp chế thực hiện nhiệm vụ PBGDPL năm 2017 là 2.162, năm 2021 là 2.324.
Tính đến hết tháng 6/2021, cả nước có 2.355 báo cáo viên pháp luật trung ương, 7.902 báo cáo viên cấp tỉnh, 16.749 báo cáo viên cấp huyện và 140.432 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Một số ngành còn xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật của ngành (như Lực lượng quân đội nhân dân và Công an nhân dân). Bên cạnh đó, từ trung ương đến địa phương ngày càng có nhiều báo cáo viên tuyên giáo của Đảng tham gia công tác PBGDPL. Đội ngũ giáo viên dạy môn pháp luật, môn giáo dục công dân từng bước được bổ sung và chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Căn cứ kết quả khảo sát năng lực, nhu cầu thông tin về pháp luật và yêu cầu nhiệm vụ, các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, trang bị tài liệu PBGDPL nhằm cập nhật kiến thức pháp luật mới, kỹ năng PBGDPL cho cán bộ làm công tác PBGDPL. Đến nay, đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL đã từng bước được củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng PBGDPL, hoạt động chuyên nghiệp hơn và cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, 100% tỉnh, thành phố đã định kỳ hàng năm tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; 100% Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn và bồi dưỡng chuẩn hóa về kiến thức, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giáo viên, giảng viên pháp luật, giáo dục công dân nhằm đáp ứng nhu cầu chuẩn hoá cán bộ và bổ sung cán bộ có trình độ pháp lý cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nguồn nhân lực có tính chất quyết định
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL đang còn có những tồn tại, khó khăn. Trong đó, chất lượng PBGDPL trong nhà trường chưa có chuyển biến rõ rệt trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Chương trình giáo dục pháp luật tại các cơ sở đào tạo không chuyên luật còn nặng về lý thuyết, chưa tạo cho sinh viên sự chủ động và kỹ năng nghiên cứu pháp luật, ứng dụng các kiến thức pháp luật vào đời sống.
Ngoài ra, một bộ phận cán bộ công tác PBGDPL chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chưa có cơ chế hiệu quả phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tham gia PBGDPL; lực lượng thực hiện công tác PBGDPL chủ yếu là những người làm kiêm nhiệm, chế độ đãi ngộ chưa cao, chưa có cơ chế thu hút họ tham gia công việc lâu dài…
Để đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu, bối cảnh trong giai đoạn mới, phải xác định nguồn nhân lực là khâu có tính chất quyết định dẫn tới sự thành công của công tác PBGDPL. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện công tác này. Đồng thời, cần ý thức rằng đây là trách nhiệm của từng bản thân cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên thực hiện PBGDPL, trách nhiệm của tổ chức, đơn vị quản lý, các cấp lãnh đạo và toàn xã hội.
Cần phải đẩy mạnh giáo dục pháp luật song song với phổ biến pháp luật, trọng tâm là đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, học tập môn pháp luật và giáo dục công dân theo hướng tiên tiến, hiện đại, phù hợp; nâng cao hiệu quả PBGDPL ngoài giờ lên lớp và đặc biệt là xây dựng chuẩn điều kiện về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần thiết của giáo viên, giảng viên giảng dạy môn pháp luật, giáo dục công dân.
Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về PBGDPL, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt cho các đối tượng đặc thù, yếu thế; phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề luật như luật sư, luật gia. Bên cạnh đó, phải có chính sách ưu tiên sử dụng đội ngũ người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tham gia PBGDPL.