Mê mẩn với game
Khó xóa các điểm “đen” ngoài cổng trường
Ông Nguyễn Hữu Hiếu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết, đến cuối tháng 12/2010, Hà Nội vẫn còn tới 80 điểm kinh doanh internet không đúng quy định trên. Đây được coi là các điểm “nóng” tồn tại quanh khu vực trường học (bán kính 200m quanh cổng trường), thường lôi kéo học sinh (HS) tụ tập gây mất trật tự an ninh, an toàn trường học.
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tiến hành khảo sát thực trạng HS chơi game online ở 1.121 trường học (từ Tiểu học, THCS, THPT) với tổng số 370.387 HS tham gia trả lời phiếu phỏng vấn theo mẫu.
Kết quả cho thấy, hầu hết các em trả lời từng đến đại lý internet để chơi game online từ 1 tới hơn 10 lần/tuần. Trong đó, gần nửa số HS chơi vào ngày thường, trong giờ hành chính. Các game được các em chơi nhiều như: “Kiếm thế”, “Đột kích”, “Thời trang”, “Gunny”, “Audition”... Tiền chơi game của HS chủ yếu lấy từ bố mẹ, tiền tiết kiệm ăn sáng, đóng học phí.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Trưởng phòng Công tác Học sinh, sinh viên (Sở GD&ĐT Hà Nội), đại đa số HS ở Hà Nội có sử dụng internet, trong đó có nhiều em đã sử dụng qua một thời gian dài. Các em truy cập khá thường xuyên và thời lượng cũng tương đối cao. Mục đích truy cập internet của HS khá phong phú như phục vụ cho việc học tập, bổ sung nâng cao hiểu biết... nhưng cũng phát sinh những tiêu cực, mà tiêu biểu đã xảy ra một số vụ đánh nhau, nguyên nhân chính là do sử dụng internet dẫn đến mâu thuẫn. Game online có tác động đặc biệt tới HS do các em chơi quá nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ và bắt chước những hành vi không tốt, không lành mạnh...
Trước tình trạng HS sa đà vào game online, cơ quan quản lý thừa nhận vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu.
Nữ sinh Hà Nội trong một vụ ẩu đả
Giả công an phạt người đi đường
Khi nhìn lại những vụ gây mất an ninh trật tự (ANTT) trong trường học thời gian qua, đại diện nhiều trường cũng đưa ra nhận định: Nhiều vụ việc xảy ra ngoài nhà trường, nếu không có sự vào cuộc của lực lượng công an, bản thân trường không thể tháo gỡ được.
Điểm lại vụ việc gây mất ANTT trường học gần đây, ông Nguyễn Đức Doanh - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Phú (huyện Sóc Sơn) cho biết, có những vụ việc nhìn thấy học sinh trường mình bị đánh mà lực lượng bảo vệ cũng như hiệu trưởng không thể can thiệp trước tính manh động của đám côn đồ.
Theo ông Nguyễn Đức Doanh, mới đây, một học sinh của trường vừa rút xong hồ sơ xin chuyển trường đã thuê năm thanh niên đi xe máy đến trường để đón đánh một học sinh khác. Kết quả là học sinh này bị dập xương cánh tay, vỡ khuỷu tay và phải khâu năm, sáu mũi trên đầu.
“Cũng may là vụ việc xảy ra gần trường nên em học sinh này đã kịp chạy vào trường. Do có bảo vệ ngăn chặn nên đám thanh niên này mới bỏ đi” - ông Doanh nói.
Với kinh nghiệm 10 năm làm quản lý và phối hợp công tác với nhiều trường ngoài công lập, ông Nguyễn Đức Doanh nhận định: Các vụ việc đánh nhau của HS đang diễn ra ngày càng tinh vi, manh động với hậu quả càng lúc càng nghiêm trọng.
“Chỉ từ năm 2009 đến nay, khu vực trường chúng tôi đã xảy ra ba, bốn vụ học sinh thuê lực lượng côn đồ từ nơi khác đến, mang theo cả hung khí... để đánh học sinh trường chúng tôi. Có vụ số thanh niên tập trung đông hàng chục người, công an địa phương cũng còn khó can thiệp được nói gì đến hiệu trưởng và bảo vệ nhà trường” - ông Doanh đưa ra dẫn chứng.
Gia đình không thể ngoài cuộc
Chỉ nói riêng những vụ việc trên cũng đã thấy mức độ nghiêm trọng do HS gây ra mà chỉ để nhà trường giải quyết thì không khả thi.
Cụ thể là với sự vào cuộc sớm của công an, đối tượng thuê người hành hung gây thương tích cho Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) khiến dư luận xã hội cũng như thầy cô trong ngành rất bức xúc đã được điều tra làm rõ.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiếu, vụ việc này cũng đã gây khiếu kiện và đơn thư kéo dài nhưng một số cá nhân, cán bộ bất hợp tác khiến sự việc kéo dài ảnh hưởng tới hoạt động dạy và học trong nhà trường.
Ông Hiếu cũng cho rằng nguyên nhân của những vụ việc gây mất ANTT trường học là do sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc quản lý HS còn thiếu chặt chẽ. Trong khi môi trường sư phạm còn bị ảnh hưởng bởi một bộ phận giáo viên chưa gương mẫu thì đồng thời còn chịu tác động xấu từ bên ngoài bởi hàng quán, tụ điểm xung quanh trường học và cả từ lối sống ích kỷ, vô cảm ngay trong gia đình, xã hội...
Kết quả khảo sát HS chơi game online tại Hà Nội
Cường độ đến đại lý internet để chơi game online trong một tuần: 1-3 lần (215.568 HS); 4-6 lần (90.326 HS); 7-9 lần (51.769 HS); Nhiều hơn 10 lần (12.724 HS). Số HS đến đại lý internet chơi game online vào ngày nghỉ trong một tuần: 225.167 HS. Số HS đến đại lý internet chơi game online vào ngày thường trong một tuần: 145.220 HS. Khoảng thời gian chơi game online trong ngày thường: 8h-11h (15.613 HS); 12h-13h (92.425 HS); 14h-17h (27.877 HS); 18h-21h (55.052 HS); 22h-24h (29.423 HS). Thời gian trung bình cho một lần chơi: 1 giờ (188.726 HS); 2-3 giờ (157.745 HS); 4-5 giờ (18.237 HS); 6-7 giờ (3.875 HS); 8-9 giờ (1.120 HS); 10 giờ (625 HS). “Thâm niên” chơi game online: 1 năm (129.985 HS); 2-3 năm (122.143 HS); 3-4 năm (94.844 HS); trên 5 năm (23.415 HS). Cảm giác của HS sau khi chơi game online: Thoải mái, vui vẻ (194.604 HS); Mệt mỏi, lo lắng (37.013 HS); Lo sợ bố mẹ mắng (40.117 HS); Không có cảm xúc gì (98.653 HS). Uyên Na