Từ lâu, nhiều người dân Quảng Ninh vẫn rỉ tai nhau về chuyện những khối nhũ đá có hình thù, kiểu dáng đẹp trong các hang động bị "ăn trộm" rồi đem bán. Chuyện khó tin đó cũng không nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, khi tiệc tùng, ăn uống hoành tráng trong hang động diễn ra tại những hang động với hàng trăm khối nhũ đá có hình thù đẹp mắt thì chuyện nhũ đá bị cưa trộm mới trở thành đề tài được người dân quan tâm nhiều hơn.
Theo nhiều ngư dân tại khu vực cột 5 phường Hồng Hải (TP.Hạ Long, Quảng Ninh), tình trạng cắt trộm nhũ đá diễn ra từ khá lâu. Nhưng, trước đây chỉ là chuyện khai thác nhũ đá về chơi của những ngư phủ hay đi biển, ghé thăm các hang động. Nhưng gần đây, việc khai thác nhũ đá đã diễn ra ở quy mô lớn hơn, thậm chí người ta còn sử dụng câu nói vui là khai thác "quy mô công nghiệp" để đánh giá trình trạng khai thác tràn lan nhũ đá, phục vụ nhu cầu chơi nhũ đá đang trở thành trào lưu. Nhiều người đã không tiếc tiền để sở hữu các khối nhũ đá lớn, làm hòn non bộ, to, đẹp, hoành tráng. Do đó, nhiều người dân đã không ngần ngại, lặn lội đi tìm những khối nhũ đá cưa trộm mang về bán.
Để được mục sở thị những khối nhũ đá bị cắt trộm, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã đi quanh vịnh Hạ Long, vào các điểm khai thác nhũ đá hang động và điểm đầu tiên phóng viên tiếp cận được chính là hang Trinh Nữ.
Nhũ trong hang Trinh Nữ bị cắt phăng phần đầu |
Vì đây là hang chưa được đưa vào khai thác du lịch nên việc vào trong hang khá khó khăn. Hang Trinh Nữ khá rộng, phía trên trần hang những mỏm nhũ đá chi chít đâm thẳng xuống. Qua những khe sáng hắt vào hang dễ nhìn thấy những khối nhũ đá ven đường đi, thấp, dễ với tới bị cắt phăng phần đầu, vết cắt nhẵn thín như được dùng máy cưa. Việc di chuyển các khối nhũ đá khỏi hang động này là rất khó khăn.
Ngay cả những người hay đi lại trên vịnh Hạ Long cũng không hiểu cách nào mà họ lại tìm thấy và lấy được nhũ đá ra khỏi hang bởi hang động trên Vịnh, do các hang động rất khó để tiếp cận. Các hang hầu như còn hoang sơ, thậm chí nằm cheo leo trên vách núi, rất ít người biết đến. Thế nhưng, vì những món lợi lớn, người khai thác nhũ đá vẫn tiếp cận và khai thác được.
Hang Cặp La nằm ở độ cao 50m so với mực nước biển, cửa hang rộng khoảng 60cm, bên trong sâu khoảng 50m. Vượt qua những bụi gai góc, chúng tôi phải dùng đèn pin soi mới thấy đường. Trong hang, không phải là những khối nhũ đá óng ánh, long lanh chi chít giăng trên trần mà thực tế các khối nhũ đá đã bị tác động bởi bàn tay con người. Nền hang vẫn còn ngổn ngang các mảnh vỡ, bụi nhũ, một số nhũ đá nứt vỡ bị vứt lại nằm chỏng chơ cạnh vách đá. Được biết tình trạng khai thác trộm đá nhũ không chỉ diễn ra tại các hang động trên mà tại các khu vực Áng Quan, Áng Lội Ba Hang cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Việc khai thác nhũ đá chủ yếu phục vụ thú chơi "đá kiểng" của người dân. Tìm hiểu tại một số cơ sở làm hòn non bộ tại TP. Hạ Long, chúng tôi được biết, để có được một hòn non bộ có nhũ đánh lấp lánh, đẹp phải đặt trước hàng tuần có khi cả vài tháng và phải qua những người thân, quen họ mới làm.
Anh Nguyễn Hơn, ngư dân phường Hùng Thắng, TP. Hạ Long cho biết, hàng chục năm nay người ta vẫn cưa nhũ về làm hòn non bộ, lớn thì cưa, nhỏ thì cạy hoặc đập nhẹ là mang về bán được hết. To thì làm hòn non bộ, nhỏ thì để trang trí bình thủy sinh. Ngày xưa thì lấy về để chơi trong nhà, nhưng vài năm trở lại đây có nhiều người hỏi mua với giá cao nên ngư dân thường cưa về bán. Có hòn đẹp, lớn lại có kim tuyến thì lên đến cả chục triệu đồng.
Cũng theo các ngư dân, tại một số hang động được UBND tỉnh Quảng Ninh đưa vào khai thác du lịch có người trông coi, quản lý nghiêm ngặt thì họ không dám trộm. Hiện nay chủ yếu họ tìm đến còn hoang sơ nằm ngoài tuyến khai thác và cũng có thể ít người biết đến.
Tình trạng các hang động bị xẻ thịt, lấy nhũ đá đem bán đã và đang diễn ra, làm biến dạng cảnh quan hang động. Những nhũ đá mà mẹ tự nhiên phải mất hàng nghìn năm, thậm chí cả triệu năm để kiến tạo đang nhanh chóng biến mất khỏi tự nhiên để trở thành một món đồ chơi không mấy giá trị. Hành vi tàn phá nhũ đá vì thú vui hay vì mục đích kinh tế đều đáng lên án và phải bị ngăn chặn để bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Báo Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.