Sáng 21/7, sau khi bầu xong các chức danh của Quốc hội gồm: Tổng Thư ký, Chủ nhiệm các Ủy ban, Tổng Kiểm toán Nhà nước…, Quốc hội đã nghe tờ trình và thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.
Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết đã tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực với 127 vấn đề theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, nội dung đã thực hiện, năng lực thực hiện của các cơ quan, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình. |
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát”, Tổng Thư ký cho hay.
Cụ thể, Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 (dự kiến giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021 (dự kiến giao Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 (dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung).
Cũng theo ông Cường, công tác giám sát của Quốc hội thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới với việc tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng.
Tuy nhiên, giám sát tối cao của Quốc hội vẫn còn có những hạn chế. Chẳng hạn, thời gian dành cho hoạt động chất vấn, đặc biệt là hoạt động “hậu giám sát” còn hạn chế, chưa bảo đảm để tất cả các chất vấn của đại biểu Quốc hội đều được trả lời trực tiếp tại hội trường.
Việc đánh giá đối với việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bằng văn bản chưa được tiến hành, một số yêu cầu trong nghị quyết chất vấn còn chưa có định lượng cụ thể.
Hoạt động giám sát chuyên đề có lúc bị ảnh hưởng do báo cáo của một số cơ quan chịu sự giám sát gửi đến Đoàn giám sát còn chậm hoặc không bảo đảm về mặt pháp lý hoặc có nội dung chưa thể hiện được vấn đề cần xem xét, đánh giá...
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên nhân là do một số nội dung giám sát có phạm vi rộng, khối lượng công việc lớn, tính chuyên môn sâu, nhiều việc phát sinh, yêu cầu gấp trong khi thời gian cho hoạt động giám sát, nguồn lực để thực hiện giám sát còn hạn chế; còn thiếu quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ đại biểu Quốc hội tự tiến hành giám sát…