Đồng loạt được cất nhắc
Cán bộ Tư pháp hộ tịch cơ sở sau nhiều năm được “chuẩn hóa” đã có những bước trưởng thành không nhỏ về cả số và chất lượng. Theo báo cáo của ngành Tư pháp thời điểm cuối 2010, ở cấp xã, đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp - hộ tịch tăng 10% so với năm 2005, trên phạm vi cả nước có trên 12.979 công chức tư pháp - hộ tịch. Nhiều xã, phường, thị trấn đã bố trí 2 công chức tư pháp - hộ tịch như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đắc Lắc, Thanh Hóa, Tiền Giang...
Bên cạnh đó, sự ra đời của nhiều trường Trung cấp pháp lý trên phạm vi cả nước như (Trường Trung cấp luật Buôn Ma Thuột tại tỉnh Đắk Lắk, Trường Trung cấp luật Vị Thanh tại tỉnh Hậu Giang, Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên và sắp tới là Trường trung cấp luật Sơn La) đã tạo nhiều cơ hội thuận lợi để chuẩn hóa trình độ cho cán bộ hộ tịch tư pháp cơ sở.
Tuy nhiên, với lợi thế là có trình độ pháp luật, được cọ xát nhiều với thực tiễn, nên đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch cũng thường xuyên có những biến động, đặc biệt sau kỳ bầu cử “hai trong một” vừa qua.
Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên Nguyễn Hùng Tráng cho biết: bầu cử vừa qua thống kê sơ bộ ngành tư pháp tỉnh này “mất” 10 cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã. Do đó, ngành đang phải tính tới chuyện bổ sung kịp thời. Thái Nguyên là nơi có trường Trung cấp luật mở ngay tại tỉnh nên việc tạo nguồn sẽ thuận lợi hơn. Giám đốc Tráng cũng cho biết, hiện nay toàn tỉnh Thái Nguyên có 20 đơn vị đã bố trí được 2 cán bộ tư pháp/xã, phường. Về cơ bản, cán bộ hộ tịch tư pháp đều đã có trình độ trung cấp luật, một số là Đại học Luật.
Cũng trong tình trạng như Thái Nguyên, Giám đốc Sở Tư pháp Hòa Bình Quách Đình Minh cho biết: nhiều cán bộ đang làm tư pháp hộ tịch sau bầu cử được cất nhắc lên Phó Chủ tịch, thậm chí là Chủ tịch UBND cấp xã, hoặc chuyển sang Công an...
Việc cán bộ tư pháp – hộ tịch được cất nhắc lên vị trí cao hơn, trước hết đó là sự khẳng định sự trưởng thành của chính họ. Và đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự “ra đi” của một số lượng không nhỏ đội ngũ này lại đặt ra cho ngành Tư pháp yêu cầu phải nhanh chóng lấp đầy những chỗ trống, mà nhiệm vụ trước mắt là không để ngưng trệ công việc tại cơ sở
Tạo nguồn là quan trọng
Ngày 25/8 vừa qua, Bộ Tư pháp đã có công văn gửi Giám đốc Sở Tư pháp các địa phương về vấn đề này, trong đó chỉ rõ: sau kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua, nhiều công chức tư pháp – hộ tịch được điều chuyển, bố trí, sắp xếp thực hiện các công tác khác, nên đội ngũ cán bộ này có những biến động lớn, đòi hỏi phải tiếp tục quan tâm kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bộ Tư pháp yêu cầu tư pháp địa phương khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp, trong đó phối hợp với Sở Nội vụ chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tiếp tục quán triệt và thực hiện các văn bản liên quan. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh: Tư pháp địa phương có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo đại học và trung cấp luật tuyển dụng học viên tốt nghiệp các cơ sở này để bổ sung cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã.
Thực hiện chủ trương này, được biết hiện nay, ngành tư pháp địa phương cũng đang có nhiều biện pháp để rà soát đội ngũ, đề xuất thêm biên chế, tìm kiếm nguồn tuyển dụng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ… với phương châm dù trong điều kiện nào thì hiệu quả công việc cũng phải được bảo đảm một cách tốt nhất, đặc biệt khi đó là những việc liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của nhân dân.
Phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2011, 40% số Ủy ban nhân dân cấp xã có 2 công chức tư pháp - hộ tịch, 90% số công chức tư pháp - hộ tịch có trình độ trung cấp luật trở lên như Chương trình công tác của ngành Tư pháp năm 2011 đã đề ra.
(Trích công văn 5046 ngày 25/8/2011 của Bộ Tư pháp gửi Giám đốc Sở Tư pháp địa phương) |
Hương Bằng