Tiếp dân theo cơ chế |
Ông Hoàng Văn Cao ở xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ lần đầu tiên đến bộ phận "một cửa" để giao dịch nên không khỏi bỡ ngỡ. Ông đã được nhân viên hướng dẫn lấy số tự động và chỉ dẫn vào đúng quầy giải quyết lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Ông cho rằng làm như thế này thật tiện lợi và sướng cho người dân quá, chứ trước kia có việc gì, ông phải gõ cửa hết phòng này đến phòng khác, đi lại rất nhiều lần, mà kết quả thì chẳng biết thế nào.
Ông Nguyễn Hợp Tiến, Trưởng bộ phận một cửa huyện Chương Mỹ cho biết, công tác tiếp dân, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trước kia cũng được Huyện ủy, UBND huyện triển khai nhưng mới chỉ là hình thức. Mỗi tuần vài ba lần, cán bộ xuống phòng tiếp dân, nhận hồ sơ, rồi chuyển tới các phòng chức năng, quy trình này thường mất từ một tuần đến 15 ngày. Cán bộ phụ trách một cửa cũng chưa có mà chỉ là cán bộ kiêm nhiệm ở các phòng chức năng xuống nhận hồ sơ rồi mang về phòng làm việc xử lý nên rất chậm, có khi còn thất lạc hồ sơ của người dân.
Nhận thấy những khó khăn, trở ngại trong thực hiện thủ tục hành chính, ngày 29/6/2009, Thường vụ Huyện ủy đã ra Nghị quyết số 05 - NQ/HU “Về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính”, trong đó giao UBND huyện xây dựng và tổ chức thực hiện đề án “một cửa liên thông”, theo hướng thành lập trung tâm giao dịch một cửa; hoàn thiện cơ chế phối hợp minh bạch, đẩy mạnh xây dựng, sắp xếp, kiện toàn bộ máy, đội ngũ cán bộ; cải cách hành chính công; hiện đại hóa công tác hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin...
Đầu năm 2010, Bộ phận một cửa đã được thành lập với 13 cán bộ trẻ có năng lực được điều động sang từ các phòng chuyên môn. Bộ phận đã được đầu tư hơn hai tỷ đồng cho trang thiết bị, công nghệ thông tin. Ông Tiến cho biết, đến nay, bộ phận tiếp nhận và giải quyết 273 thủ tục, trong đó 180 thủ tục tiếp nhận tại một cửa, 93 thủ tục tiếp nhận tại các cơ quan chuyên môn. Những ngày cao điểm, “một cửa liên thông” tiếp nhận hàng trăm bộ hồ sơ. Đến cuối ngày đều phải thống kê và phân loại rồi chuyển cho các phòng chuyên môn ngay trong ngày để tránh nhầm lẫn và trả kết quả đúng như giấy hẹn với người dân. Vì vậy ở bộ phận một cửa không có chuyện làm hết giờ mà phải làm hết việc. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, không có bất cứ hồ sơ nào bị nhầm lẫn hay thất lạc.
Tuy phải đảm nhận khối lượng công việc hàng ngày rất đồ sộ như vậy nhưng chế độ đối với cán bộ tại đây rất bất cập. Theo ông Tiến, hầu hết cán bộ hiện chỉ được ký hợp đồng dài hạn theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ, hệ số lương chỉ có 1 phảy và 1 năm được cấp thêm 2 bộ đồng phục. UBND huyện hiện đã hỗ trợ thêm cho mỗi cán bộ 500 nghìn đồng mỗi tháng nhưng với giá cả như hiện nay đời sống của cán bộ vẫn rất khó khăn. Vì vậy ông Tiến đề nghị nhà nước cần có chính sách thỏa đáng cho các các bộ công tác tại bộ phận một cửa.
Ông Trần Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ khẳng định hoạt động của Bộ phận một cửa đã làm cho việc thực hiện các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, đơn giản hóa, giảm phiền hà, thời gian, công sức của tổ chức và công dân, tăng cường niềm tin của người dân đối với chính quyền từ đó giảm hẳn tình trạng khiếu kiện, đặc biệt khiếu kiện vượt cấp.
Gần hai năm thực hiện, Chương Mỹ không chỉ bước đầu thay đổi được hình ảnh xưa cũ, trì trệ, mà còn trở thành điểm sáng về cải cách thủ tục hành chính của Hà Nội.
Đức Trường